Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng Thương hiệu Nam A Bank, trao tiền hỗ trợ cho NSND Thái Mạnh Hiển
Trong làng xiếc Việt Nam, NSND Thái Mạnh Hiển được xem là "cây đa cây đề" với sự cống hiến to lớn đối với bộ môn nghệ thuật xiếc. Ông sinh năm 1932 tại Hải Phòng. Năm 1947, khi mới 15 tuổi, ông đã xin vào đoàn xiếc "Vũ Đài Thủ đô Anh dũng". Năm 1956, đoàn xiếc này đổi tên thành Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương, nay là Liên đoàn xiếc Việt Nam.
NS Thái Mạnh Hiển được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 2007
Đến nay, dù đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" (88 tuổi) nhưng NSND Thái Mạnh Hiển vẫn đầy nhiệt huyết với nghệ thuật xiếc. Ông đã đúc kết nhiều kinh nghiệm biểu diễn xiếc, lập thành giáo án giảng dạy để hướng dẫn các thế hệ nghệ sĩ xiếc theo nghề.
Chương trình "Mai vàng nhân ái" đến thăm NSND Thái Mạnh Hiển
Không chỉ hướng cho hai con nối nghiệp, NSND Thái Mạnh Hiển còn ấp ủ nhiều công trình đào tạo nguồn nhân lực, mong muốn của ông thế hệ trẻ sẽ có nhiều điều kiện học tập tinh hoa từ cha ông và tiếp thu những giá trị mới của bạn bè quốc tế.
Ông chính là người đứng sau thành công của các cuộc liên hoan xiếc, Gala nghệ thuật xiếc quy mô lớn với vai trò cố vấn và chỉ đạo nghệ thuật.
NSND Thái Mạnh Hiển và các học trò, người thân trong lễ đón nhân danh hiệu NSND năm 2007
"Nghệ thuật xiếc của khu vực phía Nam đang có hai đơn vị mạnh nhất là xiếc TP HCM và xiếc Long An. Mấy ai biết cả hai đơn vị đều do công lao gầy dựng chủ lực của NSND Thái Mạnh Hiển" – NSND Lê Tiến Thọ từng nói về ông.
Năm 1958, NSND Thái Mạnh Hiển (bìa trái) vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
NSND Thái Mạnh Hiển xúc động nói: "Tôi rất bất ngờ khi được chương trình "Mai vàng nhân ái" đến thăm. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, động viên nghệ sĩ tiếp tục nêu cao tinh thần sáng tạo".
Đoàn cũng đã đến thăm gia đình GS-NGƯT Nguyễn Văn Đời, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân âm nhạc dân tộc miền Nam. Ông sống giản dị trong một căn hộ nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM. Căn hộ nhỏ chỉ có vài chiếc ghế, nên ông mời đoàn cùng ông ngồi dưới nền nhà, gian phòng khách nhỏ này đã là nơi dạy nhiều nghệ sĩ yêu âm nhạc dân tộc học tập và thành danh.
Ông Bùi Thanh Liêm và bà Nguyễn Thị Thu Hà trao tiền hỗ trợ cho GS-NGƯT Nguyễn Văn Đời
Gắn bó với nghề dạy từ ngày thành lập Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, vẫn giữ vị trí trưởng khoa âm nhạc dân tộc, cho đến năm 1975 trường đổi tên Trường Âm nhạc TP HCM, rồi năm 1976 đổi thành Trường Quốc gia âm nhạc TP HCM, năm 1981 là Nhạc viện TP HCM, ông vẫn gắn bó với ngôi trường này.
Học trò của GS-NGƯT Nguyễn Văn Đời có thể kể đến: TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, nghệ sĩ Kim Hiền, nghệ sĩ Vũ Kim Yến, nghệ sĩ Kim Uyên…
GS-NGƯT Nguyễn Văn Đời và các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc: NSND Phương Bảo, nghệ sĩ đàn tranh Thúy Loan, nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Châu (vợ của GS), NGƯT Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ đàn tranh Vũ Kim Yến.
Giáo sư đã sáng tác nhiều tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc cho dàn nhạc giao hưởng như: Tam tấu đàn tranh viết theo hình thức mới; Độc tấu đàn tranh 22 dây; Hòa tấu đàn tranh; Bộ gõ dân tộc… Nhiều học trò của giáo sư cho đến hôm nay vẫn tiếp nối con đường của ông, trở thành giáo viên dạy nhạc, ươm mầm cho những tài năng trẻ yêu mến nhạc cụ dân tộc.
Nhận số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", GS-NGƯT Nguyễn Văn Đời nói: "Tôi cảm ơn Báo Người Lao Động và Nam A Bank đã mang đến món quà ý nghĩa trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Tôi mong chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa lớn trong cả nước, qua đó giới nghệ sĩ trẻ sẽ có dịp học hỏi, nhìn vào sự quan tâm này mà sống tử tế với nghệ thuật, với cộng đồng".
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng Thương hiệu Nam A Bank, cho biết đồng hành cùng chương trình "Mai Vàng nhân ái" mới có cơ hội gặp gỡ các nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà. "Tôi xúc động vì các nghệ sĩ dù cao niên vẫn mong muốn được cống hiến cho nghệ thuật, đồng hành cùng các bạn trẻ và luôn là tấm gương lớn cho họ noi theo. Kính chúc các nghệ sĩ lão thành luôn mạnh khỏe, hạnh phúc" – bà Hà bày tỏ.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Nam A Bank nhằm hỗ trợ cho các nghệ sĩ bệnh tật, đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Được phát động tại Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 25, Nam A Bank đã đồng hành cùng Báo Người Lao động tôn vinh những nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, những vai diễn xuất sắc.
Từ đầu năm đến nay, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ: NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Tiến Luân, NS Kim Giác, NS Điền Phong, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, NS Hoàng Lan, nhà văn – nghệ sĩ Mạc Can, NS Chấn Đạt, NSƯT - họa sĩ Lê Trường Tiếu, nhà biên kịch Lê Khanh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Phan Văn Sáng, Mai Thành, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hùng Minh, NS Tùng Lâm, ảo thuật gia Trần Bình, NS Thanh Thế, NS Mai Trần, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, NS Hữu Thành, NS Bo Bo Hoàng, NS Thanh Tú, NSƯT Thanh Nguyệt, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Đồng Tháp), NSƯT Phương Tùng (Long An), nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, Kiều Mỹ Dung (Cần Thơ), NSƯT Ngô Tuyết Hoàn, ca sĩ Tuấn Phương (Hà Nội), nhạc sĩ Phan Thao, nhạc sĩ Kỳ Anh và đến thăm, trao quà cho Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM.
Bình luận (0)