Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã trao số tiền 10 triệu đồng cho PGS-TS Trần Luân Kim. "Tôi rất xúc động khi nhận món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Tôi cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân đang về và sự quan tâm này là động lực to lớn, giúp tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà" - PGS-TS Trần Luân Kim bày tỏ.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động (bìa phải) trao quà hỗ trợ của chương trình “Mai Vàng nhân ái” cho PGS-TS Trần Luân Kim.
Là người làm công tác quản lý, nghiên cứu, PGS-TS Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) đã có nhiều đóng góp thiết thực cho nền điện ảnh Việt Nam. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn đảm nhận công tác Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM.
PGS-TS Trần Luân Kim tốt nghiệp Khoa Lý luận - Phê bình, Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô. Ông đã trải qua các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP HCM, Viện trưởng Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí "Điện ảnh ngày nay", Giám đốc Hãng phim Sài Gòn, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa V, VI; Uỷ viên Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.
Ông tâm sự: "Ở nước ta, có thể nói mỗi người làm điện ảnh giống như là một chiến sĩ. Trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, vẫn tạo nên những thước phim, những tác phẩm điện ảnh có giá trị tư liệu, giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật trải dài qua năm tháng. Trong suốt chặng đường dài gần 70 năm, điện ảnh Việt Nam luôn sáng tạo, năng động đáp ứng mọi đòi hỏi của thời cuộc, của đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn rất đáng tự hào hiện nay".
PGS-TS Trần Luân Kim (trái) trò chuyện cùng ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động.
Ông cho rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, việc hội nhập văn hóa đặt ra rất nhiều khía cạnh cần quan tâm, riêng với điện ảnh - là bộ môn nghệ thuật đặc biệt nên cần phải được chú trọng.
PGS-TS Trần Luân Kim hiến kế: "Để điện ảnh Việt Nam trở thành 1 ngành công nghiệp, có thể tiếp cận với thị trường điện ảnh thế giới, cũng như các kỳ liên hoan phim uy tín trên thế giới, nhà nước cần sớm hoàn thiện bộ máy của ngành theo hướng thống nhất hoạt động và quản lý trực tiếp để tập hợp và phát huy sức mạnh toàn ngành. Nguồn nhân lực đồng bộ được đào tạo đúng chuẩn, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất…".
Bình luận (0)