Tại buổi gặp gỡ, ghi nhận những đóng góp của nhà thơ Hữu Thỉnh, thay mặt chương trình "Mai Vàng tri ân", ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã gửi lời thăm hỏi và trao quà của chương trình (10 triệu đồng) đến nhà thơ Hữu Thỉnh.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng quà của chương trình đến nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: Hữu Hưng
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết chương trình "Mai Vàng tri ân" nằm trong chương trình Mai Vàng của báo, mang thông điệp không quên những thế hệ đi trước đã cống hiến cho xã hội.
Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ niềm vui, xúc động khi chương trình đến thăm, tặng quà. Nhà thơ chúc Báo Người Lao Động ngày càng phát triển, mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm, nhân văn cũng như có thêm nhiều chuyên mục "đặc sản". Ông cũng bày tỏ sẽ rất vui khi trở thành cộng tác viên của báo trong tương lai.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) chúc Báo Người Lao Động ngày càng phát triển, mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin nhanh, hay, chính xác, có thêm nhiều chuyên mục đặc sản. Ảnh: Hữu Hưng
Ở tuổi 81, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn dành nhiều thời gian cho thơ ca và văn học nghệ thuật. Chia sẻ về bài "Thơ viết ở biển" được rất nhiều độc giả yêu thích, sau đó nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và đặt tên "Biển, nỗi nhớ và em", nhà thơ cho hay ông viết tác phẩm này năm 1976, sau đó in trong tập "Thơ mùa đông", từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995. Bài thơ là cảm giác cô đơn, nỗi nhớ mỏi mòn và niềm khát khao đến cháy bỏng hạnh phúc lứa đôi.
Hữu Thỉnh làm thơ từ nhỏ, thơ ông là sự giằng xé giữa nỗi đau và cái đẹp, là tổng số của những quan sát tinh tế, kỹ lưỡng và trải nghiệm sâu sắc, đa dạng về cuộc sống con người.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng quà lưu niệm của Báo Người Lao Động đến nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: Hữu Hưng
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ giành nhiều giải thưởng văn học uy tín. Ông nhận giải A, cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975 - 1976 bài "Chuyến đò đêm giáp ranh", và trường ca "Sức bền của đất". Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với trường ca "Đường tới thành phố", giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với tập thơ "Thư mùa đông", giải xuất sắc Bộ Quốc phòng năm 1994 với "Trường ca biển", giải thưởng Văn học ASEAN, 1999. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. Tháng 5-2022, nhà thơ Hữu Thỉnh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì sau hơn 60 năm cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà.
Năm 2000, ông đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam và sau đó trở thành Chủ tịch của Hội nhà văn Việt Nam vào năm 2005. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 2010.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao quà của chương trình đến PGS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Thế Huỳnh
Đánh giá cao những đóng góp của PGS Nguyễn Văn Huy trong nghiên cứu dân tộc học tại Việt Nam, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân gửi lời thăm hỏi và trao 10 triệu đồng của chương trình đến PGS Nguyễn Văn Huy.
Nhà dân tộc học nổi tiếng đánh giá cao chương trình "Mai Vàng tri ân" cũng như nhiều chương trình ý nghĩa của Báo Người Lao Động. Ông cũng bày tỏ mong muốn báo có thêm các chương trình lớn, ý nghĩa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đáp lại ý kiến của PGS Nguyễn Văn Huyên, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cho hay, ngoài chương trình tặng cờ cho ngư dân, Báo Người Lao Động còn có thêm các chương trình "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc"…
PGS Nguyễn Văn Huy bày tỏ mong muốn Báo Người Lao Động có thêm nhiều chương trình lớn, ý nghĩa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: Thế Huỳnh
PGS Nguyễn Văn Huy sinh năm 1945, là con của cố học giả Nguyễn Văn Huyên, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 đến năm 1975. Mẹ là bà Vi Kim Ngọc (dân tộc Tày), quê ở Lạng Sơn, con gái Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định.
PGS Nguyễn Văn Huy gắn bó với công việc nghiên cứu dân tộc học và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua. Trong những năm 1970, ông liên tục đi nghiên cứu điền dã, điều tra cơ bản các dân tộc có dân số ít và thiếu thông tin ở vùng cao, biên giới, thuộc các tỉnh biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, như các dân tộc thuộc các ngữ hệ Môn - Khmer, Hà Nhì - Lô Lô, Ka Đai,... Những nghiên cứu của ông đã mang lại nhiều hiểu biết mới về tộc người được nghiên cứu, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ hàng đầu của ngành dân tộc học lúc đó là xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam.
PGS Nguyễn Văn Huy trao đổi cùng Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân. Clip: Lan Anh
Sau khi được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Việt Nam), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam năm 1983, PGS Nguyễn Văn Huy đi tiên phong trong một lĩnh vực mới, đó là xã hội học tộc người. Ông cùng đồng nghiệp đã thực hiện những nghiên cứu xã hội học đầu tiên ở nhiều tỉnh trong cả nước, từ Bắc tới Nam. Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông khi ấy tập trung vào những vấn đề cuộc sống đương đại cũng như phát triển của các dân tộc thiểu số và các quan hệ dân tộc ở Việt Nam.
Khi đảm nhận cương vị Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 1995, ông đã biến bảo tàng trở thành một trong những bảo tàng hấp dẫn và năng động nhất hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời mở ra nhiều hướng mới cho giới bảo tàng Việt Nam trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa như liên kết bảo tàng với cộng đồng, tổ chức biểu diễn, trình diễn văn nghệ dân gian, các nghề thủ công ở bảo tàng, xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng, và mở rộng mạng lưới với các bảo tàng khu vực và quốc tế
PGS Nguyễn Văn Huy và gia đình đã thành lập Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vào năm 2014, nhằm trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của người cha của mình là GS Nguyễn Văn Huyên. Bảo tàng mong muốn chuyển tới công chúng thông điệp rằng cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức của một con người, một gia đình góp phần tăng thêm hiểu biết về lịch sử, xã hội, và văn hóa của một thời kỳ, một đất nước. Việc giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ khiến cho di sản của địa phương, của đất nước thêm giàu có.
Bình luận (0)