Sáng 10-11, chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã trao tặng quà vinh danh công lao đóng góp to lớn của Nhà giáo, NSƯT Măng Thị Hội tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của Báo Người Lao Động.
Nhà giáo, NSƯT Măng Thị Hội bày tỏ niềm xúc động khi được tham gia cuộc họp chi bộ khối trị sự tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Bà bày tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức chương trình "Mai Vàng tri ân" khi có sự quan tâm đến bà. Bà Phạm Vũ Ngọc Uyển, Bí thư chi bộ khối trị sự báo Người Lao Động, đã trao tặng món quà tri ân của chương trình đến Nhà giáo, NSƯT Măng Thị Hội (số tiền 15 triệu đồng).
Bà Phạm Vũ Ngọc Uyển - Bí thư chi bộ khối trị sự Báo Người Lao Động trao quà của chương trình Mai Vàng tri ân cho nhà giáo - NSƯT Măng Thị Hội
Nhà giáo, NSƯT Măng Thị Hội sinh năm 1948, là người dân tộc Bana. Từ nhỏ, bà đã được mẹ ru bằng những bài ca cách mạng cũng như được hòa mình trong những tiếng cồng chiêng dưới tán cây Kơnia.
Năm 1965, cha của bà - ông Măng Thoong nhận quyết định đi B, trước khi đi ông có mong muốn con gái của mình theo nghề âm nhạc. Nghe theo lời cha, bà đã thi vào Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).
NSƯT Măng Thị Hội
Năm 1973, bà tốt nghiệp đại học. Ca khúc "Bóng cây Kơnia" của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là bài hát mà bà được cô giáo Thúy Huyền (vợ NSND Trần Hiếu) chọn để bà làm bài thi tốt nghiệp.
Ca khúc như được viết riêng giọng ca cao vút, chất chứa nhiều cảm xúc của bà, giúp bà nhận được điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm đó.
Bà bồi hồi kể, khi nhà trường tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên, lúc bà hát "Bóng cây Kơnia" thì sân vận động Thái Nguyên như vỡ ra bởi những tràng pháo tay của khán giả.
Năm 1974, Trưởng đoàn ca múa nhân dân Tây Nguyên đến Trường Âm nhạc Việt Nam xin được mời Măng Thị Hội về đoàn cộng tác. Đến năm 1978, bà chuyển vào Nam và chính thức về giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc - Nhạc viện TP HCM.
Bà vừa là ca sĩ, vừa đi dạy học, lúc biểu diễn trước công chúng cũng như lúc dạy cho học trò, ở môi trường nào chất giọng của bà với âm vực rộng, trong sáng vẫn luôn cuốn hút lòng người. Và ca khúc "Bóng cây Kơnia" vẫn song hành cùng bà suốt bao năm tháng qua. Trong chương trình Con đường âm nhạc trên VTV3, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - "cha đẻ" của bài hát này đã từng nhận xét, chưa ai hát ca khúc này qua được Măng Thị Hội.
Ngày 11-11 là kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bà cho biết ngày mai bà sẽ đến nhà ông thắp hương tưởng nhớ công ơn của người nhạc sĩ tài hoa.
NSƯT Măng Thị Hội
Có câu chuyện được nghe kể lại mà đến bây giờ bà vẫn không bao giờ quên, đó là có hai thanh niên nhờ nghe tiếng hát của bà mà đã tình nguyện đi vào chiến khu để trở thành bộ đội.
Trong các học trò bà đã góp phần đào tạo, có nhiều ca sĩ đã thành danh như: NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hiền Thục, Mỹ Tâm, Thanh Sử, Thanh Thúy, Thu Minh, Mai Thiên Vân, Phương Trinh…
NSƯT Măng Thị Hội tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của Báo Người Lao Động ngày 10-11
Là cô giáo rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng bà cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhớ lại: "Cô Hội hết sức nghiêm khắc nên ngày mới đến học lớp cô Hội, tôi sợ đến độ hát không ra lời... Nhưng cô giáo ấy lại có một một cách dạy cuốn hút đến lạ kỳ. Vì thế mà tôi lao vào học, luyện giọng... Giờ lên lớp thì vậy, lúc nghỉ ngơi cô trò lại như mẹ con.
Trước học trò, cô luôn có những nhận xét nhạy bén mà chuẩn xác, vạch ra những chỗ yếu để học trò khắc phục. Cách dạy này rất dễ hiểu, chính xác về vị trí âm thanh cũng như cách biết điều tiết được hơi thở, có thể hát 10-15 bài một lúc nhưng vẫn bảo vệ được bền lâu giọng hát của mình bởi theo cô, luyện thanh trong âm nhạc cũng có phần giống như luyện khí công. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cô luôn truyền cho học trò cảm xúc của từng ca khúc và hoàn cảnh sáng tác của từng tác giả".
Ca sĩ Thu Minh bộc bạch: "Người mà tôi chịu ảnh hưởng và không bao giờ quên chính là cô Hội. Có bất kỳ niềm vui nào, người đầu tiên tôi gọi điện báo tin vui chính là cô. Tôi luôn tâm niệm những lời cô dạy, trong kiến thức chuyên môn, cô không dạy cho các em tiểu xảo cho mau nổi bật, mà dạy căn bản vững vàng để các em đi dài lâu trên chính đôi chân của mình…".
Chi bộ khối trị sự Báo Người Lao Động chụp ảnh lưu niệm với nhà giáo, NSƯT Măng Thị Hội
Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục với công việc dạy nhạc tại nhà riêng. Thi thoảng tham gia truyền đạt những kinh nghiệm luyện thanh, phong cách biểu diễn cho ca sĩ trẻ.
Bà là hình ảnh của một nhà sư phạm tận tụy yêu nghề. Hát bằng cả trái tim, bà được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu NSƯT, "Huy chương vì sự nghiệp giáo dục", bà cho rằng phần thưởng của "Mai Vàng tri ân" đã cho bà thêm niềm vui, động lực để tiếp tục cống hiến và làm tốt hơn công việc của người gieo trồng trong vườn hoa nghệ thuật.
Bình luận (0)