Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung lúc còn là đào chánh, diễn cặp với NSND Minh Vương
Đến phòng triển lãm ảnh nghệ thuật của vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - Trần Thiện trên đường Phạm Ngũ Lão, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chúng tôi không khỏi xúc động. Không gian nghệ thuật này là điểm đến của những người mộ điệu sân khấu cải lương.
Chân dung 2 nghệ sĩ tiền bối đáng kính trong lĩnh vực sân khấu cải lương: Cố NSND Huỳnh Nga (đạo diễn) và cố NSND Phan Phan (họa sĩ)
Năm 2004, vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung trên đường đi tập tuồng về nhà đã bị tai nạn giao thông khiến chị mất chân trái, còn anh thì bể xương chậu. Mười sáu năm đã trôi qua nhưng hễ nhắc lại biến cố đó, họ vẫn còn sợ hãi. Kiều Mỹ Dung vĩnh viễn rời xa sàn diễn, dù Đoàn cải lương Tây Đô khi đó cố gắng tạo cơ hội để chị ca diễn với các vai phụ.
"Vở "Lời tự tình quê hương" được đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho đoàn Tây Đô năm 2005. Lúc đó tôi đã lắp chân giả, anh Trần Ngọc Giàu viết thêm vai bà mẹ tật nguyền để tôi diễn trong vở này. Khi bước ra sân khấu sau thời gian ngưng diễn khá lâu, nghe tiếng vỗ tay của khán giả, tôi lâng lâng xúc động, giống như mình mới lần đầu lên sân khấu" - nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung kể.
Vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - Trần Thiện giới thiệu phòng triển lãm ảnh
Nỗ lực vượt qua biến cố, nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung xin phép lãnh đạo cơ quan cho theo học lớp đạo diễn sân khấu để có thể gắn bó với nghề. "Không còn làm diễn viên thì tôi làm đạo diễn. Sau đó, tôi dàn dựng cho các em trong đoàn, rồi được mời đi dạy và chấm thi, không để suy nghĩ mình bị tàn phế" - chị tâm sự.
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung lúc còn diễn chung với NSND Minh Vương
Từ khi nghỉ hưu năm 2016 đến nay, nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và chồng đã dồn hết tâm trí để xây dựng không gian triển lãm ảnh một đời nghệ thuật của mình. "Do cha mẹ có di chúc để lại đất nên vợ chồng tôi đã xây ngôi nhà mới, trả lại căn nhà hậu cứ mà đoàn Tây Đô cho chúng tôi ở. Từ khi có ngôi nhà mới, có không gian rộng, phòng triển lãm đã ra đời" - chị cho biết.
Những bức ảnh lưu màu thời gian là niềm hạnh phúc của vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung
Hơn 200 bức ảnh lưu lại kỷ niệm từ những ngày đầu tiên vào nghề cho đến khi bị tai nạn, chuyển đổi công tác; về các vai diễn, vở diễn; các kỳ liên hoan, hội thi toàn quốc và đặc biệt là hình ảnh các nghệ sĩ tiền bối, bậc thầy đã dìu dắt, nâng đỡ nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung vào nghề đã được trưng bày tại "Quá khứ kiêu hùng".
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung qua nét vẽ chân dung của cố NSND Phan Phan
Chúng tôi chú ý nhất là chiếc tủ làm tuồng, vali, nhạc cụ, phục trang, đạo cụ, mũ mão, kiếm gươm…phủ màu thời gian được trưng bày tại đây. Nghệ sĩ Trần Thiện - vốn là nhạc công, sau này làm Trưởng Đoàn cải lương Tây Đô rồi phó giám đốc Nhà hát Cải lương Tây Đô - cho biết: "Mỗi khi nhìn lại kỷ vật theo chân vợ chồng tôi lưu diễn khắp mọi miền đất nước, tôi xúc động đến nghẹn lời. Bây giờ cả hai vợ chồng xem không gian này là niềm vui. Nhiều diễn viên trẻ, khán giả trẻ cũng đến xem, cùng chúng tôi ôn lại kỷ niệm".
Tư liệu, sách vỡ, kịch bản sân khấu được trưng bày tại không gian triển lãm ảnh của nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung tại TP Cần Thơ
Không quá tham vọng để được TP Cần Thơ đưa vào danh sách điểm du lịch văn hóa nghệ thuật nhưng không gian triển lãm ảnh của vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung có thể tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử. Việc này có thể tạo được hiệu ứng để khán giả, du khách tìm hiểu về nghệ thuật cải lương như mô hình ngôi nhà âm nhạc của NSND Phương Bảo, nhạc sĩ Đức Dậu, NSƯT Tuyết Mai tại TP HCM.
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động
Bàn về giải pháp đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ, hai nghệ sĩ của miền đất Cần Thơ đều bày tỏ sự nhiệt huyết. Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung nhận định vấn đề cần nhất hiện nay chính là tạo niềm tin cho đội ngũ giảng viên đào tạo. Bởi một khi họ có được sự yên tâm làm công tác đào tạo nguồn nhân lực thì sẽ hết lòng truyền thụ kinh nghiệm sáng tác, đạo diễn và diễn xuất cho học trò.
"Tôi mong muốn các tỉnh, thành ĐBSCL có chiến lược đào tạo thì phải có chiến lược sử dụng, không thể để các em diễn viên học nghề rồi tự bươn chải. Riêng việc vực dậy sân khấu cải lương cần sự đoàn kết, đồng bộ từ mỗi văn nghệ sĩ đối với cơ sở nơi mình đang công tác. Việc đưa sân khấu vào học đường là phương pháp giáo dục hiệu quả vì thông qua các vở tuồng, chèo, trích đoạn cải lương... những bài học nhân văn, thông điệp hướng thiện sẽ chạm đến tâm hồn học sinh. Qua đó, các em sẽ hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. TP HCM đã đi đầu trong công việc tổ chức sân khấu học đường, TP Cần Thơ cũng noi theo. Mong sau khi hết dịch bệnh, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh chiến lược này. Chúng tôi, dù sức khoẻ còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn tiếp tục đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu TP Cần Thơ" - NS Kiều Mỹ Dung tâm sự
Dưới đây là một số bức ảnh được trưng bày tại không gian ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung:
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và thầy - NSND Nguyễn Ngọc Phương
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và NSƯT Thanh Kim Huệ
Nghệ sĩ Trần Thiện và NSND Huỳnh Nga
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung
Nghệ sĩ Trần Thiện vẫn đồng hành với vợ - Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương tại TP Cần Thơ
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và Nghệ sĩ Hồng Thủy - học trò cưng của chị đã đoạt HCV giải Trần Hữu Trang
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và NSƯT Phượng Loan
Tủ làm tuồng, vali lưu diễn, bằng khen một đời gắn bó với sân khấu được trưng bày tại không gian nghệ thuật của nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung
Nghệ sĩ Trần Thiện và NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu
Bình luận (0)