Tại cuộc toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức chiều 24-9, khi đươc hỏi về những khó khăn lớn nhất của việc làm từ thiện cá nhân, MC Phan Anh cho rằng với anh, khó nhất khi làm thiện nguyện cho cộng đồng là mình phải phát hiện được tham - sân - si trong chính mình và chế ngự được nó.
"Khi hỗ trợ bà con vào năm 2016, hỏi rằng tôi có tham không, tôi cho là có. Đây không phải là tham tiền, nhưng tham sự ghi nhận của mọi người dành cho mình"- MC nổi tiếng thừa nhận.
MC Phan Anh thừa nhận từng "tham" khi làm từ thiện. Ảnh: Quang Vinh
"Trong 1 ngày tôi nhận 8 tỉ đồng, tôi tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận.
Tôi tham sự ghi nhận của mọi người dẫn đến không còn tỉnh táo nữa, tôi chỉ tin vào cá nhân. Nhưng sức mình có hạn, tôi không lường trước vấn đề của mình.
Rồi cả sân nữa, khi thấy ai đó ý kiến về mình, mình ghét người ta, thế là mình sân, mình si trong việc đó.
Cuối cùng nó thành hành trình không thiện nguyện nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi, ôi sao mình làm việc tốt mà sao mình vướng vào thị phi này. Lúc đó, tôi quên mất niềm vui và hạnh phúc khi bắt đầu hành trình thiện nguyện là mang lại ấm áp cho bà con.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng khi bắt đầu làm thiện nguyện phải hiểu rõ rằng bạn đang làm điều gì, làm cho ai và bạn thấy hạnh phúc với việc đó thôi là đủ rồi. Phải gạt bỏ mọi tham - sân - si trong người" – MC Phan Anh tâm sự.
TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát việc làm từ thiện. Ảnh: Quang Vinh
Phát biểu tại toạ đàm, TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu quốc hội khoá XIV, khẳng định làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội. Việc từ thiện dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát.
Thứ hai, phải quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. "Anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua làm từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện. Và thứ ba, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi. Cá nhân tôi cho rằng, không nên cấm cá nhân làm từ thiện"- ông nói.
"Quan điểm của tôi là cần phải xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế để kiểm soát việc làm từ thiện của cá nhân" – ông Nhưỡng nêu quan điểm.
TS Lưu Bình Nhưỡng nói thêm hiện có nhiều quy định liên quan đến hoạt động từ thiện. Các cá nhân làm từ thiện xuất phát từ tâm, nhưng cũng có những người không qua được tham - sân - si...
"Tôi cũng đi làm từ thiện nhưng theo cách riêng của tôi. Tôi làm từ thiện dựa trên uy tín của cá nhân để vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân đóng góp để hỗ trợ người nghèo. Như việc đề nghị, kêu gọi các doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa, xây cầu, đường, trường học... Trong các hoạt động này, chúng tôi không trực tiếp cầm tiền" – ông Nhưỡng cho biết.
Bình luận (0)