"Thành phố bệnh rồi."
Bức tranh tôi gặp trên facebook đi kèm dòng chữ đỏ.
Liền sau đó, tràn ngập face, ngập các trang báo là tin thành phố phong tỏa, tin người nhiễm bệnh, người phải cách ly vì dịch Covid.
Mẹ nhìn toa thuốc đã gần tới ngày tái khám của em tôi, mắt nhuốm đầy lo âu:
- Rồi sao vô thành phố bây giờ?
"Vô thành phố". Chẳng biết tự bao giờ, không chỉ mình mẹ mà cả dân quê tôi, dân các tỉnh đều xem ba từ ấy như hy vọng.
Trẻ nhỏ mỗi lần nghe "vô thành phố", nghĩ ngay đến những chuyến chơi vui, đến bao điều mới lạ hấp dẫn. Người lớn nghe, nghĩ đến tương lai, cơ hội rộng mở. Kẻ thực tế ngắm "vô thành phố" nhìn thấy hy vọng đổi đời. Kẻ mộng mơ lại thấy hy vọng thoát nỗi buồn tỉnh lẻ. Ai bệnh được "vô thành phố" tức được thêm một hy vọng sống. Không phải ngẫu nhiên dân quê tôi hay có câu: "Thành phố trả về rồi!" để chỉ những trường hợp bệnh ngặt nghèo, hết hy vọng.
Giờ, miền đất giữ hy vọng của chúng tôi bệnh rồi!
Chợt nhận ra lâu nay thành phố bị xử tệ biết bao nhiêu. Phải làm người anh lớn trong nhà, thành phố oằn lưng gánh vác, sẵn sàng lãnh hết mọi khó khăn, sẵn sàng bảo bọc. Nước mấy khi chảy ngược. Nên hiếm đứa em nào thương, hiếm ai không vô tâm nghĩ: đó chẳng qua là trách nhiệm, bổn phận của kẻ làm anh.
Sao không nghĩ đến ngày "anh" bệnh?
Tôi nhớ mãi hình vẽ giữa bức tranh. Thành phố, người anh lớn của dân tỉnh lẻ chúng tôi, thu nhỏ lại thành em bé. Thiêm thiếp, bé nằm ngủ trong bịt bùng quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang.
Càng ngắm dáng nằm bé nhỏ, ngắm giấc ngủ ngộp thở vì Covid, tôi càng xa xót thương thành phố. Thương đến ứa nước mắt.
Tôi vẫn hay gọi thành phố là "Mối tình dang dở".
Ai cũng mong và tin TP HCM sẽ vượt qua đại dịch, sớm trở lại nhịp sống bình thường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Năm tôi 18 tuổi, tôi và thành phố quen nhau.
Gánh bánh tráng trộn nhỏ xinh bên cổng trường Sư phạm, tiệm sách cũ thơm bụi vàng góc đường Trần Nhân Tôn, trận mưa đỏng đảnh để tôi bất ngờ nhận cái áo mưa từ người lạ trên đường, rồi cái nắm tay mau mắn kéo đi khi tôi tần ngần không dám băng qua dòng người xe tấp nập.
Buổi đầu mới quen thôi, thành phố đã tặng tôi quá chừng ấm áp, thương mến.
Đứa con gái lần đầu xa nhà từ ngại lo dần dần thấu hiểu, rồi bắt đầu vương vấn. Tôi say nắng thành phố lúc nào không hay.
Cơn say tưởng sẽ dứt khi chia tay, ai ngờ dư âm còn dai dẳng đến tận giờ. Tôi rời thành phố sau khi tốt nghiệp. Mối tình 4 năm chưa đủ duyên để kết trái, đơm hoa.
Trước ngày về quê, trong tiếc nuối của tuổi đôi mươi, trong cay đắng "mối tình dang dở", tôi ghé ngôi chùa nhỏ quen thuộc bên góc đường Nguyễn Văn Cừ, quỳ gởi lời nguyện cầu: "Xin cho con được trở lại nơi này!".
Không biết có phải Phật nghe được tiếng lòng tôi, từ ngày chia xa, không năm nào tôi không có dịp thăm thành phố đôi ba lần.
Họp lớp, họp nhóm, đám cưới bạn chung lớp, bạn thân sinh con đầu lòng,... Toàn những dịp tôi tự thấy phải có mặt. Hay chỉ là những cái cớ tôi bám vào để được tiếp tục một mối duyên?
Nói chia tay, nhưng không năm nào tôi và thành phố không gặp nhau. Mỗi lần gặp, là thêm bao lần gieo thương nhớ.
Thương sao lần chở tôi về sau buổi liên hoan, cô bạn nhét vội cái phong bì cả nhóm bí mật chuẩn bị khi biết tôi bệnh. "Cầm cho tụi tui vui. Nghĩ miết mà không biết giúp bà sao bây giờ..." - bạn nói. Rồi hai đứa ôm nhau khóc. Cả hai tiếng khóc đều vì thương.
Thương lắm buổi tôi tập tành viết, ra mắt quyển sách đầu tiên. Giữa trưa nắng hội sách, giữa ngộp hơi người, hơi niềm vui, có người anh chen vô giữa đám đông chờ ký sách, đem cho tôi trái dừa nước cắm sẵn ống hút. Có người chị mua sẵn cả bịch bánh, ngồi chờ tôi đến cuối buổi, cằn nhằn: "Ăn đi cô nương. Lo vui không. Xỉu bây giờ!". Bị chị rầy mà sao tôi nghe ngọt mát hệt nước trái dừa vừa uống.
Thương cả ngày em tôi bệnh. Đưa em đi khám về, lao xao thành phố giấu giúp tôi những bước chân bàng hoàng, đêm thành phố lau khô cho tôi nước mắt. Trên ban công chỗ trọ, đêm chỉ tôi những dãy đèn thành phố lấp lánh như muôn triệu vì sao ước. "Rồi sẽ ổn thôi!". Tôi như nghe những vì sao thì thầm.
Tôi không phải người thành phố. Với tôi, thành phố chỉ là "mối tình dang dở" đã gần 20 năm. Nhưng nước mắt hay nụ cười, hạnh phúc hay đau đớn, gục ngã hay hy vọng của tôi cũng đều có thành phố bên cạnh.
"Thành phố sẽ khỏe lại mà!"
Cuối bức tranh "em bé thành phố" đang ngủ, người vẽ không quên đề thêm một dòng chữ xanh. Màu xanh của hy vọng.
Ngắm dòng chữ, tôi tin, hy vọng trổ từ miền đất hy vọng của tôi, của tất cả mọi người, rồi sẽ sớm nở bông hoa bình yên.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)