Thành quả từ liên hoan này mở ra xu hướng vực dậy sàn diễn với hình thức biểu diễn mới. Theo NSND Trần Minh Ngọc, tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần V - 2022, nước đăng cai là Việt Nam có 15 vở tham gia. Điều này cho thấy sân khấu hiện đại đã nỗ lực định vị hai chữ "thử nghiệm" trong mỗi tác phẩm.
Vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam của đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên - một vở diễn thử nghiệm kết hợp độc đáo giữa cải lương và xiếc
Sự trỗi dậy của kịch thử nghiệm đã thúc đẩy người dàn dựng chuyên nghiệp tìm kiếm cái mới. Tại TP HCM, đơn vị chịu tìm tòi hướng đi này là sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh.
Đông khán giả, nghệ sĩ đồng nghiệp đã tặng hoa chúc mừng NSƯT Trịnh KIm Chi và đạo diễn Hữu Tiến sau khi xem vở kịch ""Blouse trắng". Với vai diễn bác sĩ Hạnh, Trịnh Kim Chi đã kể lại câu chuyện xúc động trong những tháng ngày chống dịch COVID -19 trong vở diễn mang tính thử nghiệm tại TP HCM.
Chính cú hích nỗ lực tìm kiếm khán giả đã là đòn bẫy để các sàn diễn kịch nói tại TP HCM và Hà Nội trong năm 2023 hướng đến chiến lược mở rộng đầu tư cho sự thử nghiệm.
Lý giải về những tín hiệu vui từ sự đổi mới qua cách dàn dựng kịch kinh điển phương Tây tại Việt Nam, do chính nghệ sĩ Việt thực hiện, đạo diễn - NSƯT Trần Lực cho biết vốn dĩ kịch kinh điển phương Tây là những tác phẩm mẫu mực của sân khấu, mỗi kịch bản có nhiều tầng tư tưởng và tính tư duy cao để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.
NSƯT Thành Hội (giữa) và các diễn viên Sân khấu Hoàng Thái Thanh - đơn vị nghệ thuật xã hội hóa rất chịu tìm tòi cái mới, mang tính thử nghiệm trong dàn dựng
"2023 sẽ là năm các nghệ sĩ hướng đến những vở mang tính thử nghiệm. Sàn diễn TP HCM rất năng động, xu thế áp dụng thử nghiệm trong mỗi tác phẩm sẽ tạo nên diện mạo mới cho từng thương hiệu" - NSƯT Trần Lực cho hay.
Một cảnh trong vở "Romeo và Juliet" - một vở thử nghiệm của Sân khấu kịch Hồng Vân thu hút đông người xem qua bảng dựng của đạo diễn Ngọc Tưởng
Theo giới chuyên môn, chất thử nghiệm trong sáng tạo dàn dựng của các đạo diễn tại TP HCM đầu năm 2023 cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Tiên phong là vở nhạc kịch "Em em, chị chị" của Nhà hát Thanh Niên (nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh Niên) sẽ diễn trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão do đạo diễn Quốc Thịnh - Ngọc Mai dàn dựng, cảm tác từ tác phẩm "Chicago" của nước ngoài.
Diễn viên Quang Huy và Châu Nhật Tín trong vở "Đền thiêng" - diễn tại sân khấu ở Cung Văn hóa Lao động TP HCM - một vở diễn mang tính thử nghiệm độc đáo
Tại sân khấu kịch Hồng Vân, một số vở diễn của đạo diễn trẻ mang tính thử nghiệm cũng đã ra mắt khán giả cuối năm 2022, đáng chú ý là vở "Ai Tư Vãn - Uẩn Khúc Ngọc Hân" của đạo diễn Hoàng Hải (con trai nghệ sĩ hài Hoàng Sơn, do NSND Hồng Vân và NS Hoàng Sơn cố vấn nghệ thuật); và "Quyền lực và tình yêu" được đạo diễn Vũ Xuân Trang cảm tác và biên kịch lại từ kịch bản Nàng Sita của tác giả Lưu Quang Vũ (vở này đã được chuyển thể cải lương mang tên "Nàng Xê Đa" thu hút đông khán giả). Vở "Ai Tư Vãn - Uẩn Khúc Ngọc Hân" đã lưu diễn tại Đà Lạt cuối năm 2022, gây tiếng vang lớn.
"Với xu thế thử nghiệm trong dàn dựng, sân khấu kịch Hồng Vân đã tạo mọi điều kiện để thế hệ đạo diễn trẻ thăng hoa trong sáng tạo. Tại sân khấu này, các đạo diễn như: Ngọc Tưởng, Trần Bảo Châu, Vũ Xuân Trang, Nguyễn Lê Tuấn Anh… đều là những người thích tìm tòi cái mới, hướng đến sự thử nghiệm, năm 2023 là năm họ sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều vở diễn mới mang tính thử nghiệm độc đáo" - NSND Hồng Vân thông tin.
Sân khấu Trương Hùng Minh của nghệ sĩ hài Minh Nhí - Việt Hương cũng hướng tới những tác phẩm mang tính thử nghiệm trong dàn dựng. "Ưu tiên hàng đầu vẫn là những sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong năm 2023" - nghệ sĩ Minh Nhí khẳng định.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, mọi thử nghiệm đều phải gắn với đời sống đương đại, sàn diễn TP HCM rất cần những tác phẩm phản ảnh về bi kịch sau đại dịch COVID-19, về sự tham nhũng; về sự đổ vỡ lòng tin, những tấm gương sống vì lòng nhân ái; những con người hy sinh hạnh phúc cá nhân vì đời sống cộng đồng…
Bình luận (0)