Một thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023 cho hay, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để 2 loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì người đọc sách được khoảng 1,2 quyển/người/năm.
Đọc sách để làm gì?
Mỗi người đọc hơn 1 quyển mỗi năm nhiều hay ít có lẽ tùy theo góc nhìn. Khi đưa thông tin này, có phóng viên thêm từ "chỉ" và cụm "được khoảng một quyển", tức hàm ý rất ít. Nếu đều đặn như thế, một người trong đời có thể đọc được 50 - 70 quyển sách, chắc là không ít; nếu những sách đó có hàm lượng tri thức cao, có tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của người đọc thì rõ ràng ý nghĩa của nó lại càng cao hơn.
Học sinh, sinh viên, thanh niên là một trong những nhóm độc giả quan trọng của văn hóa đọc. Trong ảnh: Các bạn trẻ đang tìm mua sách tại Đường sách TP HCM.(Ảnh: TẤN THẠNH)
So với Malaysia, trung bình người dân nước này đọc 10 cuốn/năm; Singapore là 14 cuốn; người Nhật, Pháp, Israel là 20 cuốn... Rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều.
Nhưng con số thống kê kia chỉ thể hiện sự bình quân, mà nếu rơi vào chủ nghĩa bình quân thì tình hình có thể sẽ rất tệ. Nhiều năm trước, có người mượn hình tượng "2 người ăn 1 con gà" để ví von rằng mức tiêu thụ như thế là khá tốt, nhìn rộng hơn, mức sống của người dân được nâng cao đáng kể.
Nhưng cũng có người phát hiện rằng tính bình quân như thế thì tạm ổn, nhưng nếu chỉ có tình huống 1 người ăn hết nguyên con gà, còn người kia ngồi nhìn thì liệu có vấn đề gì không? Hay, giả sử hiện nay, mức sống được nâng cao, có thể 4 người ăn hết 3 con gà, mà lại rơi vào tình huống 1 người ăn hết cả 3 con, hoặc 1 người ăn hết 2,5 con, 1 người ăn 0,5 con còn lại và vẫn có 1 người nhịn thèm, thì thực tế sẽ ra sao? Nên ta đừng vội tin vào con số trung bình!
Thực tế là như vậy. Bình quân mỗi người đọc được 1 cuốn sách nhưng giả sử có tình trạng trong 10 người thì 1 người đọc cả 10 cuốn, còn 9 người kia không đọc cuốn nào thì sao? Hoặc trong 100 người, 1 người đọc 50 cuốn, 5 người đọc 50 cuốn còn lại và 94 người kia không đọc cuốn nào thì sao?
Ta cũng có thể có nhiều giả định nữa. Nếu các trường hợp giả định tương đối đúng ở chỗ số người đọc sách thực ra không nhiều và số người không đọc chiếm đa số thì phản ánh điều gì về một điều người ta hay nói là văn hóa đọc hay rộng hơn là nền giáo dục, nền tri thức của một xã hội, một dân tộc, một đất nước?
Có lẽ không dễ dàng đưa ra một nhận định, bởi phải có nhiều dữ liệu hơn chứ không đơn thuần là số cuốn sách. Chẳng hạn, loại sách nhiều người đọc là sách gì, đối tượng đọc nhiều là ai, người ta đọc để làm gì, nhóm người đọc nhiều sách nhất là bao nhiêu cuốn mỗi năm, nhóm đọc ít sách thì bao lâu mới đọc một cuốn? Nên ta cũng không vội vàng gì kết luận với con số mỗi người đọc 1 cuốn sách mỗi năm.
Khảo sát về việc đọc sách
Có lẽ những người làm xuất bản hoặc các cơ quan làm văn hóa nên có những cuộc khảo sát, điều tra xã hội học nghiêm túc về việc đọc sách của người Việt hơn là dựa vào số sách in ra hằng năm.
Chẳng hạn, có thể tập trung vào các vấn đề sau: đối tượng đọc sách (lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, địa bàn cư trú...); mục đích đọc sách (đọc để giải trí, đọc để tự học, đọc để nghiên cứu, đọc để làm việc, đọc để dễ ngủ...); đọc vào lúc nào (đọc lúc rảnh rỗi, đọc có giờ giấc cố định, đọc bất kỳ lúc nào...); cách thức đọc sách (chỉ đọc đơn thuần, đọc có ghi chép, làm dấu, đọc có trích dẫn…); phương pháp đọc sách (đọc từ đầu đến cuối, đọc kỹ đoạn nào mình thích, đọc phần/chương cần thiết, lâu lâu đọc vài trang…); loại sách thường đọc (truyện tranh, sách văn học, sách nghiên cứu, từ điển…); đọc sách ở đâu (đọc ở nhà, đọc lúc đi du lịch, đọc ở cơ quan, đọc trên xe buýt, taxi…); nguồn sách để đọc (mua, mượn, được tặng, thuê, đọc ở thư viện…); hình thức xuất bản, nhà xuất bản (sách giấy, sách điện tử, những nhà xuất bản được yêu thích…).
Tất nhiên còn nhiều nội dung khác nữa. Kết quả của các cuộc khảo sát này hẳn cho cái nhìn toàn cảnh hơn, phong phú hơn, chân thực hơn về việc đọc sách của người dân nước ta hiện nay. Qua đó, những người làm xuất bản, các cơ quan quản lý sẽ có những cách thức tác động phù hợp để khắc phục những mặt chưa tốt, chưa hay và phát huy hơn nữa những mặt tích cực cũng như có những biện pháp điều chỉnh, quản lý thỏa đáng.
Dù có khảo sát hay không, ta vẫn nên quan tâm đến các biểu hiện sau. Đó là học sinh, sinh viên, thanh niên có thường đọc sách không, họ thường đọc loại sách gì và đọc để làm gì? Đây là lực lượng năng động, có trình độ, đang và sẽ là chủ nhân của xã hội, của đất nước, nên việc đọc sách nói riêng và trang bị kiến thức của họ là điều rất đáng chú ý, bởi điều đó sẽ tác động đến chiều hướng phát triển của xã hội, của đất nước.
Đó là việc đọc sách của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nói chung là những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước. Đây là những người có trình độ học vấn cao, có tác động trực tiếp đến chính sách, đến các quyết định ảnh hưởng đến xã hội, có tiếp xúc đến người dân, nên tri thức, nhận thức, kỹ năng, thái độ của họ đều có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân cũng như chất lượng quản lý, điều hành địa phương, đất nước.
Đó là những loại sách đang bán chạy trên thị trường. Đây là một chỉ dấu cho thấy sự quan tâm của công chúng vào một thời điểm nhất định và nó hẳn nhiên biểu thị một thực trạng xã hội nào đó. Chẳng hạn, rất nhiều người say sưa đọc truyện ngôn tình, tiểu thuyết kiếm hiệp... thì dường như đang có một bộ phận đang muốn tránh thực tại xã hội mà tìm đến một chân trời bay bổng, phi thực tế nào đó, vậy thì nguyên nhân là gì, có thể gây ra tác hại gì không? Hay có rất nhiều người thích đọc sách dạy ngoại ngữ hoặc sách ngoại văn thì điều này có thể biểu thị thái độ của một bộ phận người dân đối với ngoại ngữ nói riêng và vấn đề hội nhập nói chung.
Bình luận (0)