Thông tin về việc UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị chủ đầu tư dự án thông báo đến các đơn vị đang kinh doanh tại khu vực Đường sách Vũng Tàu dừng hoạt động, tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc, hoàn trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu trước ngày 20-10, mà nhiều người gọi là Đường sách Vùng Tàu bị "khai tử", đã làm không ít người buồn nhưng dường như không bất ngờ.
Hệ sinh thái văn hóa
Việc thí điểm đường sách này từng được đánh giá cao do tạo thêm một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của TP Vũng Tàu. Đồng thời, mô hình này ít nhiều vận dụng theo cách thực hiện của Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) vốn rất thành công, nên được kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành tựu.
Phải nói rằng thành công của Đường sách Nguyễn Văn Bình có rất nhiều lý do, như vai trò quản lý của những người có kinh nghiệm và tâm huyết, được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, nhận thức và nhu cầu về văn hóa đọc của một bộ phận người dân thành phố là khá tích cực.
Một góc Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) - nằm trong một quần thể có nhiều địa chỉ văn hóa, giải trí, sinh hoạt công cộng tạo nên một hệ sinh thái văn hóa. Ảnh: TẤN THẠNH
Song, một lý do hết sức quan trọng phải kể đến là Đường sách Nguyễn Văn Bình được đặt trong một không gian rất đặc biệt, nếu không xét những điều này thì việc áp dụng mô hình của bất kỳ đường sách nào cũng sẽ khó thành công. Đó là Đường sách Nguyễn Văn Bình nằm trong một quần thể nhiều địa chỉ văn hóa, giải trí, sinh hoạt công cộng và có không gian độc đáo về tự nhiên, kiến trúc, xã hội… hình thành nên một hệ sinh thái văn hóa.
Có thể lấy những điểm chính với bán kính trên dưới 1 km mà tâm là đường sách. Bắt đầu từ hồ Con Rùa, qua Nhà Văn hóa Thanh Niên là đến Công viên 30 Tháng 4; bên trái là đại lộ Lê Duẩn có Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Y Dược TP HCM (Khoa Dược), xa hơn là Thảo Cầm Viên Sài Gòn; bên phải là Dinh Thống Nhất. Đi thẳng là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Công viên Chi Lăng, khu vực đi bộ trên đường Đồng Khởi, kéo dài đến Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ…
Tức là xung quanh Đường sách Nguyễn Văn Bình có nhiều điểm đến, có thể vui chơi, giải trí, tham quan, mua sắm, học tập, ăn uống, kể cả sinh hoạt tôn giáo. Từ đó có thể thấy, đường sách nằm ở vị trí đắc địa mà gần như rất khó tìm được một nơi khác tương tự. Bản thân Đường sách Nguyễn Văn Bình nằm trên một con phố vừa phải, không quá dài, quá rộng nhưng cũng không quá chật chội, đặc biệt là có nhiều cây xanh.
Một điểm đến trong nhiều điểm đến
Nếu đường sách đặt ở con phố quá dài, quá rộng thì khó có đủ các quầy sách để lấp đầy, từ đó sẽ khó hấp dẫn người đến; ngược lại, nếu quá nhỏ thì sẽ có cảm giác chật hẹp, khi có đông người tập trung dễ bị bức bối. Cây xanh ở đây tạo nên môi trường xanh mát, gần gũi với tự nhiên; nếu thay bằng dù hoặc mái che sẽ khó tạo được cảm giác thoải mái, thoáng đãng.
Từ thực tế của Đường sách Nguyễn Văn Bình, khi dự kiến tổ chức một đường sách ở bất kỳ nơi đâu thì đều phải xét đến vị trí, không gian của đường sách đó. Đường sách phải là một điểm đến trong nhiều điểm đến ở các khu vực lân cận, phải là một địa chỉ được chọn trong nhiều địa chỉ xung quanh mà người ta có thể tiếp tục chọn, phải là nơi đáp ứng một số nhu cầu bên cạnh nhiều nhu cầu khác vì sẽ rất khó thu hút khách nếu chỉ hướng người ta đến đây để mua sách, đọc sách xong rồi… về.
Khi yếu tố văn hóa được phát huy, được đề cao thì sẽ tăng cơ hội đạt được yếu tố kinh tế và khi kinh doanh hiệu quả thì càng có điều kiện để mở rộng và phát huy yếu tố văn hóa. Đường sách không thể được chọn đặt tại một vị trí tùy hứng mà cần nghiên cứu thấu đáo các đặc điểm để đáp ứng đồng thời cả yếu tố văn hóa lẫn kinh tế. Bên cạnh đó, cần phải xem xét các yếu tố về tập quán, thói quen, nhu cầu, điều kiện thu nhập… của người dân.
Cho nên, từ chuyện "khai tử" đường sách ở TP Vũng Tàu, khi một địa phương có nhu cầu tổ chức đường sách thì phải xem xét thật cẩn thận các yếu tố để đường sách có thể phát triển ổn định và không bị… chết yểu!
Bình luận (0)