Múa bóng rỗi là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo được ra đời cách nay khoảng 300 năm. Theo các nhà chuyên môn, đây là nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miễu, thường gắn với các dịp cúng Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ hành nương nương, Bà Thiên Hậu, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ... với ý nghĩa cầu xin cuộc sống được bình an.
Làm mới điệu múa, lời ca
Xuôi về miền Tây mùa này, các làng nghề hát bóng rỗi nhộn nhịp hẳn lên. Các nghệ nhân bắt đầu lấy đạo cụ, trang phục, son phấn ra chuẩn bị làm nghề sau một thời gian khá dài phải nghỉ diễn vì dịch bệnh. Ngoài những đạo cụ quen thuộc, theo nghệ nhân Minh Đạm (Sóc Trăng), năm nay còn có thêm những hộp khẩu trang, chai nước sát khuẩn được chồng lên chiếc mâm vàng để các "bà bóng" biểu diễn.
Nghệ nhân múa bóng rỗi tại lễ cúng đình, miễu ở các tỉnh ĐBSCL .Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Lịch diễn tới tấp, các học trò của nghệ nhân Minh Đạm rất phấn khởi, họ tập luyện không khác gì nghệ sĩ xiếc thực thụ. Những pha biểu diễn sau các đợt dịch bệnh hứa hẹn đạt hiệu quả bởi sự dẻo dai, khéo léo và tập trung cao độ. "Chúng tôi thậm chí phải liều lĩnh, mạo hiểm như vác chiếc xe đạp đặt lên thanh thép đang ngậm ở miệng. Tai nạn luôn chực chờ nhưng đã quen rồi, vì sinh nghề thì tử nghiệp là chuyện nhỏ. May mà từ lúc theo thầy làm nghề đến nay chưa có ca nào cấp cứu" - nghệ nhân trẻ Lâm Thị Khuê (Sóc Trăng) cười nói.
Với chiếc váy xòe ngũ sắc mới may trong mùa dịch bệnh, Lâm Thị Khuê xoay tròn trong tiếng hát bóng rỗi trầm ấm, nghệ nhân Minh Đạm tay gõ liên hồi tiếng song lang điểm nhịp, bà tin trong tiếng trầm trồ ngưỡng vọng của bà con miệt vườn, học trò của bà ra nghề trong năm nay sẽ tiếp nối con đường bà đã gầy dựng. Tương tự, nhóm nghệ nhân làng hát bóng rỗi ở Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... cũng đã có nhiều tiết mục được đầu tư sáng tác lời hát mới rất sinh động. Có tận mắt theo dõi nghệ nhân múa bóng rỗi biểu diễn mới thật sự hiểu tâm huyết của họ dành cho nghề. Những giọt mồ hôi thấm áo, giọng nói có thể khàn đi vì hát mấy giờ. Các nghệ nhân cũng trang điểm phấn son, trang phục lộng lẫy, sặc sỡ nhưng họ không được xem như một nghệ sĩ như các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Nghệ nhân Ưu tú Minh Hùng (Long An) cho biết ông vẫn đôn đốc học trò sáng tác và sáng tạo nhiều bài ca mới, điệu múa hay, để công tác truyền nghề cho thế hệ nghệ nhân trẻ sẽ lan tỏa ý nghĩa cao quý. "Tuyên truyền những việc làm tốt để cuộc sống cộng đồng an bình là việc cần làm. Các học trò của tôi cũng đã cập nhật nhiều sáng tạo mới để đưa vào múa bóng rỗi, hát bóng những điệu múa, lời hát mang ý nghĩa giáo dục, cầu cho dịch bệnh sớm qua mau, đời sống cộng đồng an hòa" - Nghệ nhân Ưu tú Minh Hùng chia sẻ.
Nghệ nhân Lý Thái Trân (Đồng Tháp) hát một câu cô vừa sáng tác: "Xua đi cơn sóng gió ba đào, mang theo mầm bệnh khiến dân lành bất an. Đồng lòng lèo lái con thuyền, ra vùng dịch bệnh - kết đoàn - ấm no"...
Góp phần nâng tầm di sản
Năm 2016, UNESCO đã công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đã xóa đi quan điểm không đúng về bóng rỗi, nhận thức của người dân về loại hình nghệ thuật này cũng đã dần thay đổi. Và theo lời các nghệ nhân, trọng trách của họ là phải ra sức bảo tồn và phát huy những tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này.
Đến Tiền Giang gặp Nghệ nhân Ưu tú Út Son ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy. Ông là một trong những nghệ nhân nổi bật được nhiều người biết đến. Ông Út Son khẳng định: "Con đường đến với nghệ thuật diễn xướng múa dân gian bóng rỗi của các nghệ nhân đều gian khó, đến nay đã được sự hỗ trợ rất đắt lực của nhà nước nên việc làm chung của chúng tôi là giữ gìn truyền thống, đào tạo tài năng trẻ và cùng nhau nâng tầm giá trị của di sản".
Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Tư (thường gọi là Tư Trầu, ngụ ở Tiền Giang), là người hát rỗi độc đáo. Bà nói trong những bài Xuân-Ai-Đảo-Lý phải liên tục sáng tạo cách ca mới và liên tục nâng tầm di sản với cách thể hiện mới mẻ.
Tùy theo mỗi địa phương, múa bóng rỗi đã được phân chia thành các tổ hợp tiết mục vừa giữ được tính truyền thống vừa cập nhật hiện đại. Không dừng lại ở nghi thức thờ cúng đơn thuần, múa bóng rỗi đã có hấp lực riêng, khi thu hút khán giả với những màn trình diễn điêu luyện, công phu. Gửi gắm vào đó những thông điệp tốt đẹp.
Tuy vậy, di sản được thế giới công nhận phải có đời sống liên tục, lan tỏa rộng và cập nhật theo dòng chảy thời đại, nghệ nhân Minh Đạm nhấn mạnh: "Còn phải liên tục có nhiều liên hoan, tọa đàm về nghề múa bóng rỗi".
Bình luận (0)