Trung Quốc đóng cửa rạp chiếu, 7 phim chiếu Tết dự kiến đều đã hoãn hoặc hủy. Cả ngành giải trí rơi vào trạng thái đóng băng. Các nhà sản xuất đề nghị diễn viên không trở lại làm việc cho đến khi nhận được thông báo mới.
"Tôi nghĩ doanh thu phòng vé hằng năm của Trung Quốc giảm một nửa so với năm 2019 do sự bùng nổ dịch. Mọi người đều không muốn đến rạp cho đến khi nguy cơ lây nhiễm qua đi. Chúng tôi ước tính nhiều rạp chiếu sẽ phá sản. Diễn viên có thể đối phó với tình trạng thiếu việc làm bằng các cách khác nhau. Tuy nhiên, rạp chiếu thì không như thế. Họ đối mặt chi phí thuê mặt bằng, phí quản lý cùng nhiều yếu tố cần tài chính khác nếu muốn duy trì" - ông Qiu Hongtao, phó chủ tịch công ty sản xuất Taihe Entertainment, cho biết.
Các rạp chiếu được dự báo phá sản
Vì khó có thể duy trì hoạt động nhưng vẫn gánh phí thuê mặt bằng, quản lý..
Dịch bệnh hiện đã làm chết hơn 630 người. Sự ảm đạm do nCoV gây ra như giọt nước tràn ly khiến nền điện ảnh lớn thứ 2 thế giới thêm khốn khó. Trước khi đại dịch xuất hiện, điện ảnh Trung Quốc đã phải đối mặt với những quy định gay gắt về kiểm duyệt, rà soát thuế, siết chặt quản lý.
Theo thống kê của Tencent Entertainment, doanh thu phòng vé kỷ lục lên đến 9.2 tỉ USD của điện ảnh Trung Quốc năm 2019 là do giá vé cao hơn. Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy trung bình ở các rạp lại thấp chạm đáy trong vòng 5 năm trở lại đây.
Các phim trong nước sản xuất - rất cần thiết để duy trì sự hưng thịnh của thị trường điện ảnh vì Trung Quốc giới hạn nhập phim ngoại - cũng giảm nghiêm trọng do bị siết chặt kiểm duyệt. Các nội dung bị cấm chạm đến ngày càng nhiều. Năm 2019, tổng cộng 15 phim bị cấm, dời lịch hoặc chỉnh sửa theo yêu cầu kiểm duyệt.
Phim chiến tranh "The eight hundred" có vốn đầu tư lên đến 80 triệu USD nhưng cũng bị hủy chiếu vì lý do chính trị. Số lượng phim thực hiện cũng giảm nhiều so với dự kiến vì không qua được kiểm duyệt.
Bên cạnh đó, sau bê bối gian lận thuế của Phạm Băng Băng, chính phủ siết chặt quản lý về thuế. Những quy định mới về thù lao cùng với nhiều sự thay đổi một lần nữa "bóp chặt" nền điện ảnh. Diễn viên ngày càng ít việc làm, thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Nam diễn viên Li Bin, 37 tuổi, nói rằng "mùa đông ảm đạm" khiến anh và nhiều diễn viên khác thay đổi cách làm việc. Nếu ai đó đưa một kịch bản, việc đầu tiên anh làm là đọc và chọn ra những thứ không thể quay được. Anh không quan tâm đến câu chuyện phim cũng như việc nhà đầu tư có thể lấy lại tiền của họ hay không.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà sản xuất tìm mọi cách để sống sót. Họ chọn nền tảng mạng làm điểm phát hành mới. Một số phim như "Lạc lối ở Nga", "Phi long hóa giang"... được phát hành qua mạng. Đây là biện pháp bất đắc dĩ bởi doanh thu qua mạng không thể nào mang đến lợi nhuận cho một phim điện ảnh được đầu tư lớn.
Ngoài phim, chương trình truyền hình cũng chọn giải pháp "livestream" cho khán giả xem chứ không ra trường quay. Các thành viên trong chương trình mỗi người ngồi tại nhà mình và livestream đối đáp, giao lưu dưới sự dẫn dắt của MC như một chương trình hoàn chỉnh.
Quay gameshow thời dịch bệnh ở Trung Quốc là ở nhà livestream cùng nhau
Bình luận (0)