Showbiz Việt lại rộ lên chuyện cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ vốn gây tranh cãi nhiều lần trước đây và đã chìm vào dĩ vãng vì tính bất khả thi của nó. Đáng ngạc nhiên là trước đây, việc cấp thẻ hành nghề do cơ quan quản lý đề xuất, còn nay do chính giới ca sĩ đề xuất.
Thời cơ đã điểm?
Phong trào ca sĩ đề nghị cấp thẻ hành nghề cho mình bắt nguồn từ khi Chi Pu - một gương mặt nổi tiếng với vai trò người mẫu ảnh, diễn viên điện ảnh, bắt đầu thực hiện ước mơ làm ca sĩ của mình - tung lên mạng clip hát live ca khúc cô mới phát hành. Giọng ca của Chi Pu bị cho quá tệ trong khi cô có những phát ngôn gây sốc người trong giới, như: "Từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ", "Ở Việt Nam, ai cầm micro cũng là ca sĩ cả"…
Một loạt ca sĩ có tên tuổi đã trực tiếp hay gián tiếp chỉ trích "hot girl" này về chuyên môn. Văn Mai Hương thẳng thừng bày tỏ: "Không thể gọi Chi Pu là ca sĩ đồng nghiệp được". Ca sĩ Minh Quân còn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch áp dụng thẻ hành nghề và bỏ phiếu "thanh lọc" những ca sĩ như Chi Pu, bởi cô không có khả năng hát live (hát trực tiếp) mà vẫn lên sân khấu và tự công nhận mình là ca sĩ.
Nhiều ca sĩ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc này. Ca sĩ Mỹ Linh nói cô hoàn toàn ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề. "Cấp thẻ hành nghề để chúng ta bình đẳng trước pháp luật. Tất cả công dân hoạt động ở các ngành nghề đều phải có bằng cấp hoặc thẻ hành nghề như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… Ở nước ngoài, bạn muốn bán nhà cũng phải có chứng chỉ về bất động sản. Tương tự, muốn trình diễn trước công chúng thì cũng phải có thẻ hành nghề. Được cấp thẻ hành nghề đồng nghĩa với việc ca sĩ được pháp luật bảo vệ quyền lợi trong quá trình làm nghề, đồng thời ca sĩ cũng có những nghĩa vụ của mình trước pháp luật, như nghĩa vụ thuế" - ca sĩ Mỹ Linh phân tích.
NSND Thanh Hoa cho biết Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam chuẩn bị cấp thẻ đợt đầu (khoảng 300 thẻ) cho các hội viên vào đầu năm 2018. "Hội viên Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam được cấp thẻ phải hội đủ nhiều yếu tố, như là NSƯT trở lên hoặc hoạt động biểu diễn ca hát lâu năm; nếu là ca sĩ trẻ thì phải có thời gian hoạt động ca hát ít nhất từ 7 năm trở lên… Những nghệ sĩ trong ban chấp hành hội như tôi, ca sĩ Thanh Lam, Tân Nhàn… sẽ có những nhìn nhận khách quan khi cấp thẻ cho thành viên" - NSND Thanh Hoa nói về tiêu chí cấp thẻ của hội mình.
Tạm hiểu, người có thẻ của Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam là những người có đủ năng lực, phẩm chất để hoạt động biểu diễn trên sân khấu.
Trên thực tế, việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ chưa bao giờ dễ dàng. Đã 2 lần, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra dự thảo để lấy ý kiến người trong giới về vấn đề này đều vấp phải sự phản đối của công luận. Ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho rằng việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ cần phải được pháp luật quy định. Hiện nay, không có quy định cấp thẻ hành nghề nên cơ quan quản lý không thực hiện việc này.
Theo ông Lê Minh Tuấn, khi có nhiều ý kiến xoay quanh một giọng ca kém đồng nghĩa đó là phản ứng tích cực về tình hình của thế giới giải trí hiện tại. Nếu người bị phản ứng không tìm cách cải thiện, khán giả sẽ không ủng hộ và đương nhiên, người đó sẽ không có chỗ đứng trong lòng công chúng. Vậy nên, việc đình chỉ một giọng hát nào đó phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
Như "mèo vờn chuột"
Ca sĩ Cẩm Ly nhận định việc cấp thẻ hành nghề giống như trò mèo vờn chuột vì đã nhiều lần tiến hành nhưng vẫn chưa có kết quả gì. "Nếu giờ cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ thì chắc không đủ giấy cấp khi mà người người, nhà nhà đều là ca sĩ. Với tôi, thẻ hành nghề cũng chẳng mấy cần thiết khi nó chỉ mang tính hình thức là chủ yếu. Có cầu ắt có cung. Đâu phải anh có thẻ hành nghề thì khán giả sẽ thích và ngược lại. Cứ để khán giả sàng lọc và lựa chọn người mà họ muốn là ca sĩ của mình" - ca sĩ Cẩm Ly nhìn nhận.
Bên cạnh những ý kiến kêu gọi cấp thẻ hành nghề để "sàng lọc người thiếu tố chất làm ca sĩ", không ít ca sĩ có ý kiến trái chiều như Lam Trường, Duy Mạnh, Vũ Hà, Lương Bằng Quang, Thanh Thảo... "Ai cũng có quyền ước mơ, hãy cho họ một cơ hội"; "Chi Pu hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng ước mơ trở thành ca sĩ của mình, không ai có quyền ngăn cấm ước mơ đó" - các ca sĩ này bày tỏ.
Thực tế, ý định dùng thẻ hành nghề để lọc bớt những người hát không hay là bất khả thi. Như nhận định của nhiều người trong giới, thưởng thức nghệ thuật là rất cảm tính, mỗi người có chuẩn mực khác nhau, không hay với người này nhưng lại tốt với người khác. Hẳn nhiên, cũng có những chuẩn mực nền tảng để đánh giá giọng ca nào đó có thể làm ca sĩ hay không. Thế nhưng, không có nghĩa ai đó có quyền áp chuẩn mực nền tảng này để cấm hay cho phép một người được hay không được làm ca sĩ. Khán giả là người quyết định một giọng ca tồn tại hay không trên thị trường biểu diễn.
Ông Lê Minh Tuấn nêu quan điểm: "Hiện nay, với xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, tôi cho rằng đề nghị cấp thẻ hành nghề cần phải xem xét thấu đáo. Không phải vì một vài cá nhân không đáp ứng được khả năng, trình độ mà lại đi cấp thẻ hành nghề cho hàng ngàn nghệ sĩ. Khán giả rất tinh tường, họ biết lựa chọn dòng nhạc, nghệ sĩ biểu diễn phù hợp, có chất lượng nghệ thuật để thưởng thức. Còn các chương trình, tiết mục nghệ thuật yếu cả về hình thức và nội dung biểu diễn thì chắc chắn công chúng sẽ quay lưng. Tôi tin khán giả sẽ lựa chọn được người biểu diễn nào họ yêu thích để ủng hộ, thưởng thức".
"Thừa gió bẻ măng"?
Việc nhiều ca sĩ đồng loạt lên tiếng chỉ trích một giọng ca yếu về chuyên môn (không phải lần đầu xuất hiện trong showbiz Việt, thực tế còn khá hơn nhiều giọng ca trước đây và hiện nay), kêu gọi tẩy chay, ký tên kiến nghị cấm diễn… thoạt nhìn có vẻ vì muốn nâng cao chất lượng thị trường âm nhạc nhưng ẩn sau đó không loại trừ lợi ích cá nhân. Thực tế, ở showbiz Việt nhiều năm qua, rất nhiều ca sĩ khiến người trong giới khó chịu vì hát quá tệ. Dù vậy, họ vẫn được mời biểu diễn vì có khán giả đón nhận. Phải chăng, động thái này như một cách "thừa gió bẻ măng", nhằm vào một sự kiện ồn ào để quảng bá cho chính mình?
Bình luận (0)