Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng: "Thói quen đọc sách phải bắt nguồn từ gia đình và nhà trường. Phải cho các bạn nhỏ có không gian đọc sách, thời gian đọc sách để rồi hình thành thói quen đọc sách, từ đó mới có tình yêu đối với sách".
Dành thời gian cho việc đọc
Kinh doanh, mua bán xuất bản bằng hình thức thương mại điện tử (TMĐT) vài năm trở lại đây đã phát triển khá tốt. Không ít người mê đọc sách đã hình thành thói quen mua sách qua các ứng dụng TMĐT, như: Tiki, Shopee, Lazada... thay vì phải đến các nhà sách, hiệu sách.
Sách điện tử có thể đọc được mọi lúc, mọi nơi (Ảnh: TẤN THẠNH)
Văn hóa đọc trong thời đại 4.0 hiện nay cũng rất đa dạng, như các diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review (bình luận) sách trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram… Nhiều diễn đàn đọc sách rất thu hút công chúng như: Docsachonline.vn; bookhunterclub.com; sachvui.com; tramdoc.vn… và những nhóm đọc, chia sẻ việc đọc như: Trạm review sách; Xóm mọt sách; Nghệ thuật và sách... có đến hàng triệu người tham gia.
Nhìn vào đời sống đọc và chia sẻ việc đọc sách trên internet có thể thấy hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, hoạt động xã hội, giáo dục đều có tài khoản trên mạng xã hội. Họ tham gia vào đời sống văn hóa đọc bằng việc giới thiệu kinh nghiệm, trải nghiệm đọc của mình, qua đó truyền cảm hứng, lan tỏa đến công chúng. Các nhà xuất bản, hội văn học nghệ thuật... cũng hoạt động sôi nổi thông qua các website.
Theo các chuyên gia về văn hóa đọc, Việt Nam hiện có dân số trẻ. Nếu hình thành thói quen đọc sách sớm thì dù đến tuổi trưởng thành, bận rộn thế nào cũng sẽ dành thời gian nhất định cho việc đọc. Bà Lệ Chi, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Chi, cũng đồng tình với quan điểm nói trên: "Cha mẹ hãy cùng con truy cập các ứng dụng đọc sách trực tuyến, cùng con đọc những cuốn sách tương tác. Tạo cho trẻ một không gian đọc sách mới mẻ, kích thích và hướng trẻ tìm đến sách. Sách trực tuyến với những chương trình tương tác là giải pháp giúp hình thành thói quen đọc sách cho trẻ".
"Thư viện số" và "sách không chữ"
Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang hình thành xu hướng đọc sách mới, chẳng hạn mô hình "thư viện số" đang dần thay thế thư viện truyền thống. Ông Ibadulla Yoldas, Hiệu phó Trường Quốc tế Horizon, cho biết: "Nhờ có thư viện số, việc đọc sách giờ đây có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Không nhất thiết phải lên trường mới có thể đọc sách, học sinh có thể đọc sách ngay ở nhà".
Một thói quen mới khác của những người đọc sách hiện nay là "sách không chữ". Ra mắt cuối năm 2019, Voiz FM hiện có hơn 1 triệu lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng mỗi tháng. Sách nói đang được nhiều người sử dụng vì dễ thanh toán, hạn chế việc tiếp xúc. Theo khảo sát của We Are Social, tại thị trường Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2020 đã có 40% dân số trưởng thành, tức gần 30 triệu người, có hành vi nghe audio contents (sách nói, podcasts, radio) qua mạng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp audiobook Việt Nam đang không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để đem tới trải nghiệm hoàn hảo cho độc giả. Một trong số đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra giọng đọc phù hợp với từng loại sách.
Theo đánh giá từ ICT Việt Nam, nước ta đang có sự tương đồng với thị trường audiobook quốc tế nói chung, thị trường Mỹ nói riêng về cơ cấu người nghe. Đó là những khách hàng trẻ, có việc làm và có học thức. Những đối tượng này có xu hướng dành nhiều thời gian để sử dụng internet, sử dụng thiết bị di động để tiếp nhận thông tin. Đây có thể coi là tiền đề để ứng dụng công nghệ số phát triển hình thức audiobook và hình thành thói quen nghe đọc sách của người Việt.
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-4-2022.
Bình luận (0)