Chẳng đợi gì đến hôm nay mới có ngày thơ, xa xưa ông bà ta vẫn có ngày lễ hội thơ ca rồi. Những nét văn hóa truyền thống đó đã tồn tại lâu đời trong các hội làng, các nghệ nhân đã từng đọc thơ, hò vè đối đáp, bình thơ trong những dịp Xuân về...
Ngày thơ đúng nghĩa vẫn là một ngày đáng trân trọng, hết sức cần thiết, vì Việt Nam ta là đất nước của thơ ca. Trong tâm hồn mỗi con người, mỗi vùng đất đều phảng phất hơi thở hồn vía của những làn điệu dân ca, đó là nơi trú ngụ của thi ca trong đời sống tinh thần của từng con người, từng làng quê Việt.
Gần 20 năm qua, ngày thơ Việt Nam ngày càng tẻ nhạt, kém chất lượng. Nguyên nhân do đâu nhiều người có trách nhiệm cũng đã biết nhưng chẳng ai điều chỉnh kịp thời, cứ để nó trôi đi như gió thoảng. Ngày thơ đâu nhất thiết phải tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Đó là chưa nói nhiều năm liền, vì những lợi ích, bè nhóm chọn lựa các tác giả, tác phẩm xuất hiện chưa tiêu biểu, chuẩn mực, làm mất đi sức hấp dẫn và lòng tin ở công chúng, những người yêu thơ. Còn ở các địa phương hầu như tổ chức ngày thơ như một bản sao chép từ năm này sang năm khác, hình thức nghèo nàn, lại thêm cả nước cùng một chủ đề nhàm chán, tẻ nhạt. Thơ ca là sáng tạo, tại sao mỗi địa phương không nghĩ riêng chủ đề cho mình mà cả nước chỉ là một? Đó là chưa nói đến việc chọn lựa tác giả, tác phẩm tùy hứng, thiếu kịch bản, chẳng mấy ai nghĩ đến công chúng yêu thơ đang đòi hỏi gì về chất lượng thơ ca hiện nay.
Cũng không nên tổ chức ngày Thơ từ trung ương đến các xã phường. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho ngày Thơ ngày càng đi xuống. Giữa yếu tố chuyên nghiệp và phong trào đánh đồng nhau khiến công chúng hiểu nhầm về thơ ca như một cái chợ, đủ loại hàng, lại thêm hàng thật hàng giả trà trộn nhau bát nháo. Chính điều này đã làm hạ thấp thơ ca mà đáng ra, ngày này chúng ta tôn vinh thơ mới phải.
Rất khó để có một ngày thơ tổ chức mang tính chuyên nghiệp với kiểu phong trào như hiện nay. Hội Nhà văn Việt Nam cần phải thay đổi, làm cho ngày hội thơ mới mẻ hơn. Không nhất thiết phải tập trung về Văn Miếu Quốc Tử Giám mà cần có sức lan tỏa ở các trọng điểm lớn trong cả nước. Chẳng hạn, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên sẽ là các tụ điểm của vùng miền được các hội Liên hiệp Văn hóa nghệ thuật từng khu vực bàn bạc phối hợp thực hiện, tổ chức quy mô bài bản, phối hợp với báo chí truyền hình để truyền thông rộng rãi đến với công chúng yêu thơ và nhân dân cả nước. Còn các địa phương nhỏ lẻ cần xã hội hóa, phối hợp với các trường đại học, trung học để đưa thơ ca đến với sinh viên, học sinh. Đặc biệt mỗi khu vực mỗi năm nên thành lập ban tuyển chọn phối hợp với các nhà xuất bản để in những tuyển thơ, giới thiệu những bài thơ hay trong năm của các nhà thơ trong khu vực, địa phương mình. Đó mới là chất lượng, chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà thơ.
Cuối cùng, các hội VHNT cần quan tâm, đó là yếu tố con người. Sinh ra cho lắm ban bệ, họp hội nhiều lần mà chẳng mấy ai có ý tưởng và tâm huyết để thực hiện. Chỉ chú trọng theo các "chỉ đạo", rập khuôn máy móc, không đủ sức, đủ tài để sáng tạo, đổi mới thì chắc chắn chất lượng Ngày Thơ Việt Nam sẽ khó mà thoát ra thực trạng kém cỏi hiện nay.
Bình luận (0)