xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghề "hốt rác"

Truyện dự thi của NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Mất gần hai tháng ngập ngừng, đắn đo suy nghĩ về lời mời quản lý chuỗi cửa hàng cho em trai, cùng lời cam kết giờ giấc tự do, thứ bảy và chủ nhật nghỉ, chị quyết định gửi đơn thôi việc, lý do rất đơn giản, sức khỏe không bảo đảm.

 Gần hai mươi năm làm nghề, từng làm cho công ty nước ngoài, liên doanh, nhà nước và nay là tư nhân, chị có kinh nghiệm trong nghề nghiệp và có cả kinh nghiệm khi đưa đơn thôi việc, nói vui là "lý do xin thôi việc cũng là nghệ thuật"!

Trong công ty, không ai nghĩ chị đã bốn mươi, khi họ biết tuổi thật của chị hơn cái mốc đó, họ đã ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc. Đôi lần vài cậu nhóc trong công ty đã vây chị vào và thăm dò chị ăn gì mà trẻ thế, "phải chăng chị hay cười", "phải chăng chị không biết nóng giận". Có thằng còn nheo mắt rất nhộn, nhướng nhướng mắt ra hiệu về phía phòng trên, nơi các sếp đang ngồi. Chị cầm tập giấy đập nó, nói linh tinh. Nó quay lưng đi, còn ngoái lại, "chị còn khuya mới học được bản lĩnh đó, em khuyên chị nên bỏ ý định đó đi", nó cười và quăng lại cái hôn gió làm chị phì cười.

Ở tuổi này, mỗi ngày phải ngồi lì tám chín tiếng trong phòng, đánh vật với cái máy vi tính và đám giấy tờ ngồn ngộn, chị đang phải đối mặt với những bệnh to nhỏ khác nhau, nhẹ thì đau vai gáy, mắt mờ, nặng thì dạ dày, hô hấp, tiêu hóa... Chị thấy mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc, đừng ai nghĩ ngồi bàn giấy máy lạnh mà nhàn, những con số nó chỉ là những con số nhưng để ghép chúng lại với nhau theo trật tự, quy tắc thì không đơn giản, chưa kể áp lực của sếp dội xuống, thúc giục của thuế dội về… Đôi khi chị nghĩ sao không chọn nghề chân tay, ban ngày vất vả nhưng đêm ngả lưng xuống là ngủ ngay, đâu như chị đêm nào cũng thao thức, có đêm mơ thấy toàn số, mơ thấy hóa đơn bị chuột gặm lỗ chỗ, mơ thấy sổ sách bị ngấm mưa ướt sũng, mơ thấy máy vi tính bị hư, dữ liệu mất sạch… và choàng tỉnh dậy.

Nghề hốt rác - Ảnh 1.

Ngày làm việc bắt đầu lúc bảy giờ ba mươi, mười hai giờ nghỉ đến mười ba giờ, và đến mười sáu giờ bốn mươi hoặc cùng lắm mười bảy giờ là hết giờ làm. Nhưng đó là lý thuyết, nửa năm nay, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ bảy giờ ba mươi và kết thúc sau hai mươi mốt giờ, thông tuông, không ngừng nghỉ. Trước ăn trưa xong có thể ngả lưng chợp mắt nửa tiếng, nay sếp mang cơm xuống ăn cùng và nói chuyện công việc, bình thường là dặn dò và giao việc, nhưng có chuyện gì đó là sẵn sàng thành cơn quát tháo to tiếng. Giờ trưa cứ thế qua, chiều vừa làm vừa ngáp.

Đầu tháng trước, Minh bỏ việc, không nói không rằng với ai, hôm qua còn đi làm, lĩnh lương, sáng không thấy đến, gọi điện không nghe, nhắn tin không trả lời. Cứ thế bỏ lại chỗ ngồi chống chếnh. Công việc hai ngày không có ai làm đủ chất đống, sếp nói chị làm phần việc của Minh, mai sẽ có người. Nửa tháng người vào người ra, có người nói thẳng em làm kế toán chứ không phải tạp vụ mà bắt em lau bàn thờ ông địa với dọn toa lét, người thì nói lương em chưa được sáu triệu mà giao em ngần này việc… Vân ái ngại nhìn chị nói kêu sếp tuyển người đi chứ kham mãi sao được. Chị ngước gương mặt đờ đẫn lên nhìn cô đồng nghiệp, có tuyển chứ nhưng hồ sơ bị giam ở cửa sếp. Vân thì thào "có khi nào sếp thấy công việc vẫn chạy nên khỏi phải tuyển người đỡ tốn"?

Ngày lĩnh lương sếp đưa cho chị tờ hai trăm nghìn, nói cho đám trẻ mua quà.

Chị cầm tờ hai trăm, suýt bật cười, phần thưởng cho sự tham công tiếc việc, quăng con cái cơm đường cháo chợ đến chủ nhật cũng tranh thủ đến làm. Định bụng làm cho ổn, bàn giao cũng nhanh chóng, đã quyết nghỉ thì chín bỏ làm mười, mười cũng thành hai mươi cho tròn. Sau hai lần gọi lên nói chuyện, chị vẫn quyết định nghỉ, sếp nói đầu tuần sau sẽ có người.

Sếp hỏi chứng từ gì đó ngày xưa Minh giữ, chị với Vân tìm không thấy, sếp bực bội: "Chị đảm nhận việc của Minh thì chị phải nắm chứ? Làm việc không có trách nhiệm gì hết".

Chị đứng thẳng lưng: "Chưa có người thì em làm tạm nhưng em không được bàn giao, em cũng đang mò đây".

Sếp quăng xấp hồ sơ xuống bàn, đám giấy bay tung tóe: "Đã làm thì làm cho đàng hoàng. Học được cái thói ở đâu mà cãi hỗn với lãnh đạo?".

Sau đấy là "tôi hiền quá nên các người nhờn mặt, ở công ty người ta chủ ra chủ, tớ ra tớ, làm gì có kiểu cá mè một lứa như ở đây. Đúng là chó liếm mặt"! Chị hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh, tự nhủ mình không nghe thấy gì, do sếp nóng nên không kiềm chế, ai cũng có lúc như vậy. Chị không quen đôi co hay lớn tiếng. Mẹ vẫn nói một câu nhịn là chín câu lành, hơn nữa chị không phải là người mau miệng hay mồm mép. Nhớ hồi còn đi học, thời ấy còn bấm cái máy tính bé tí chứ làm gì có máy vi tính như bây giờ, cô giao cho một trăm bài tập, nói một tuần mang nộp, ai làm nhiêu thì làm. Thật ra là cô đố mẹo, bài một liên quan bài hai, bài hai là dữ liệu của bài tám, một trăm bài là đủ các nghiệp vụ phát sinh trong một doanh nghiệp, chị làm đến bài chín tám, không hiểu sao cứ bị lệch một đồng, chị mò từ tám giờ tối đến một giờ sáng chưa ra, mẹ đi làm ca về, quát bắt đi ngủ, còn bảo "nhiều thì sợ chứ một đồng tao đền được. Bảo ngủ là ngủ". Chị lên giường với gánh nặng một đồng, hôm sau ngồi từ sáu giờ sáng đến năm giờ chiều, làm lại từ bài một và tìm ra một đồng ở bài số chín mươi ba. Nộp bài, cả lớp có mình chị làm hết, cô giáo còn hơi kinh ngạc, chị thật thà kể về một đồng, cô cười, trong toán học kỹ càng như vậy là tốt nhưng trong cuộc sống có những lúc phải tự vo tròn chín bỏ thành mười, tìm đến tận cùng sự thật chưa chắc đã hay. Chị không hiểu, thấy hoang mang vì cả lớp trăm người mà mình chị làm hết lại nhận được cái cười nhẹ và câu nói bâng quơ của cô. Chỉ khi kết thúc khóa học, thấy mấy người chẳng mấy khi đến lớp mà cũng có bằng, chị mới lờ mờ hiểu, còn tự an ủi mình, người ta cần bằng để làm dày hồ sơ, để được tăng lương, mình đi học để được làm, mục đích khác nhau nhiều mà! Sang học kỳ hai, gặp một ông thầy khác, ông nói nghề kế toán với nghề hốt rác không khác gì nhau nên chẳng được tôn trọng đâu, nếu chọn nghề này thì đừng tự ái. Một cử nhân ra trường không tìm được việc, đi học khóa kế toán ba tháng, có việc làm. Một em học hết mười hai, đi học khóa kế toán sáu tháng, có việc làm. Người ta cứ đi Đông đi Tây, mua bán sắm sửa, ngoại giao nội chiến rồi về quăng cho kế toán, lúc ấy sai hay đúng cũng muộn rồi, và kế toán phải tìm "kế" mà "tính toán" cho hợp lý, hợp pháp và cũng không được mất tình.

* * *

Sếp gọi chị lên chỉ đám hồ sơ rối tung: "Chị thu xếp gọn gàng rồi thống kê lại trong hôm nay". "Cho em đến mai được không ạ, việc em chưa xong…"? "Chưa thì làm cho xong rồi về, lương tháng nào cũng lấy đủ chứ tôi chưa từng nợ hay giữ lương ai". Chị nhíu mày, chị làm ở đây sáu năm, không dám nói là thân với sếp nhưng cũng hiểu đến tám mươi phần trăm, không nghĩ sếp có thể nói ra những lời này, chuyện hôm trước tự dưng ùa về, chị ôm đám giấy tờ mà nghe nghẹn đắng, tự nhủ ráng đi, còn mấy ngày nữa thôi. Trước đây chị cũng qua dăm ba lần bàn giao, lần nào cũng vui vẻ thoải mái, có nơi chị sẵn sàng ở lại đến sáu tháng cho đến khi công ty tuyển được người, làm được việc.

Có câu chuyện kể một anh ăn xin nghèo ngày ngày đi qua nhà bà nọ, bà nọ thấy anh đói khát nên đã cho anh một ly sữa nóng và dặn mỗi ngày anh qua đây, bà sẽ cho anh uống. Cứ thế, năm năm trôi qua, một ngày bà gọi anh lại nói từ mai bà sẽ không thể cho anh sữa nữa vì con gái và cháu ngoại của bà sẽ về ở cùng, cần bà chăm sóc vì con gái bà quá nghèo. Thay vì nói lời cảm ơn và hỏi thăm tình cảnh của mẹ con bà nọ, anh kia đã quay sang oán trách cô con gái bà, vì cô mà anh đã không còn sữa uống, vì mẹ con cô mà từ ngày mai anh ta phải bỏ tiền ra mua sữa nếu muốn uống chứ không còn được miễn phí như trước. Chị không biết, việc mình xin nghỉ có khiến sếp nghĩ chị là anh chàng ăn xin vô ơn nọ, nên mới có những chuyện đá thúng đụng nia, thậm chí nặng lời? Và như lời thầy nói, nghề kế toán là nghề hốt rác, bạc bẽo và chị đã quá sang khi tự ái?

Sáng nay phòng có hai cô bé mới, chị giật mình khi chúng chào là cô, chị ngồi viết những việc cần bàn giao, nghe hai cô bé thì thào hỏi nhau mức lương, không biết hai cô nói gì với nhau mà đến trưa đi ăn cơm, hai cô bé không quay lại nữa.

Cứ cái đà này, chị phải "hốt rác" đến bao giờ? 

cdung

Vị chua xót hàm chứa ngay từ trong nhan đề của câu chuyện. "Hốt rác" ở đây không liên quan đến công việc của những công nhân vệ sinh môi trường. Nó chỉ mang tính giễu cợt, rẻ rúng một cái nghề khác rất cần sự trung thực, chính xác - chính xác đến từng con số, từng dấu phẩy - nhưng tiếc thay đã bị đẽo gọt, bị bóp méo vì những toan tính chủ quan, vụ lợi: nghề kế toán.

Nhân vật "chị" trong truyện ngắn là một người yêu nghề. Đêm nào chị "cũng thao thức, có đêm mơ thấy toàn số, mơ thấy hóa đơn bị chuột gặm lỗ chỗ, mơ thấy sổ sách bị ngấm mưa ướt sũng, mơ thấy máy vi tính bị hư, dữ liệu mất sạch… và choàng tỉnh dậy". Nhưng quan trọng hơn, chị là người lao động trung thực. Người lao động trung thực lắm khi phải chịu thiệt thòi… Và cái dư vị chua xót của người lao động trung thực thiệt thòi ấy đọng lại trong lòng người đọc, vừa day dứt, vừa khơi gợi những suy nghĩ về công việc, nghề nghiệp, và còn hơn thế - về phẩm chất, giá trị của con người.

Trần Đức Tiến


CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo