Nghệ sĩ Chinh Ba - người thứ hai từ trái sang trong đêm ra mắt vở kịch phi ký "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" - một dự án sân khấu của TheaFter diễn ra tại Phim Trường Nam Đông
Tối 11-8, đông khán giả đã đến với thể loại kịch tương đối mới mẻ ở Việt Nam, đó là vở kịch phi lý "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" - một dự án sân khấu của TheaFter diễn ra tại Phim Trường Nam Đông (phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM).
Khán giả trẻ đã đến xem ban đầu vì được gợi nhiều sự tò mò, nhưng càng về sau càng thích thú cách kể chuyện của nghệ sĩ Chinh Ba qua vở diễn này.
Bằng việc sử dụng các đoạn code (luật chơi), các diễn viên hội thoại với nhau để bộc lộ tận cùng những sâu thẳm của bản ngã căn giới chính họ.
Khán giả đã trực tiếp tương tác khi khán phòng không có số ghế mà bất cứ nơi nào, ngay cả trong không gian diễn xuất của diễn viên, người xem vẫn có thể ngồi, đứng như một cách được tham gia với câu chuyện.
Một cảnh trong vở "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" - một dự án sân khấu của TheaFter diễn ra tại Phim Trường Nam Đông
Chính nét độc đáo của cách "chẳng bố cục nào giống nhau", những mẫu hội thoại vô nghĩa, những mối quan hệ tưởng như vô nghĩa của dục vọng, của bản dạng giới, của tình yêu, quyền lực và bạo lực đã rượt đuổi nhau trong sự vô lý.
Để rồi chính sự rối bời đó khiến người xem tự suy gẫm về chính mình, về những điều mà chỉ xảy ra khi tâm trạng không còn hoài nghi về cuộc sống bởi nó vốn vận động và con người trước sự vô lý đầy tính hiện thực, ắt sẽ tìm thấy chính mình qua cách thể hiện của các diễn viên.
Các diễn viên đã có sự tương tác với khán giả để cùng tìm cái kết cho vở diễn theo suy nghĩ của chính mình
Và khán giả đã tự có những cách hiểu - cảm nhận của riêng mình để điền vào cái kết của vở. Việc đưa vở kịch phi lý Nam tiến như một sự bổ sung cho sân khấu kịch ở TP HCM yếu tố mới và Chinh Ba - một lần nữa đã ghi thêm dấu ấn cho hành trang nghệ thuật của mình.
Anh đã tài tình hòa trộn các yếu tố sân khấu với thị giác, âm thanh, ánh sáng và hình phong cách trình diễn xuất rất riêng.
Phương pháp tìm tòi sáng tạo của vở kịch có thể đã mở ra một diện mạo mới cho những ai thích khám phá cái mới, nghịch ngợm và cá tính, để tạo nguồn cảm hứng mới về sân khấu, văn học và sáng tác.
Thuật ngữ kịch phi lý xuất hiện sau lần biểu diễn ra mắt ở Pháp vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" (1950) của E. I-ô-nét-xcô và Trong khi chờ Gô-đô (1952) của X. Béc-két. Đặc điểm chính của kịch phi lý là trình bày theo lối hài kịch nghịch dị những hình thức giả dối và vô nghĩa lý.
Và nghệ sĩ Chinh Ba đã kể câu chuyện bằng cách phi lý đoạn tuyệt với những gì quen thuộc nhất mà người xem từng đến rạp. Kịch phi lý không có cốt truyện, không có các tính cách; con người ở đây chỉ được xác định bởi các hành vi không có liên hệ nhân quả.
Một không gian mở đầy sự thú vị do nghệ sĩ Chinh Ba dàn dựng
Một trong những thủ pháp mà Chinh Ba thực hiện và đạt hiệu quả đó là sự di chuyển của các nhân vật, dùng ngôn ngữ ánh sáng và hội thoại rời rạc để nói lên nội dụng chứa đựng thông điệp tích cực của cuộc sống, đó là hãy sống thực với chính mình.
Dựa theo ý tưởng của Truyện Kiều để nói lên một chân lý sống đẹp, đó là chấp nhận bi kịch nhưng không buông suôi, ai cũng có những mặt trái lập với mơ ước đời mình, nhưng hãy lạc quan chạm tay vào khao khát để vượt qua.
Tạo nhiều cảm xúc và sự tò mò trong cách tiếp cận kịch phi lý đối với khán giả trẻ tại TP HCM, một thành công mới của nghệ sĩ Chinh Ba
Nghệ sĩ Chinh Ba đã chọn con đường khó để đi, và anh đã làm nên chuyện. Thực tế không ít người vẫn giữ khuynh hướng thưởng thức những vở kịch nhẹ nhàng, dễ xem, vui vẻ. Nhưng đó chỉ mới là một phần của diện mạo sân khấu. Vẫn có không ít nghệ sĩ chọn cho mình con đường khác, trong đó có nghệ sĩ Chinh Ba.
Anh đã dấn thân vào nghiều lĩnh vực nghệ thuật và chọn sân khấu với kịch phi lý để thử thách mình. Những nỗ lực của anh rất đáng được ghi nhận bởi bằng chính thể nghiệm và sáng tạo này đã góp phần mở ra hướng đi mới cho sân khấu đương đại.
Chính không gian mở đã tạo sức hút đối với khán giả đến xem kịch phi lý
Bình luận (0)