xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Hoàng Sơn: Thuận theo tự nhiên mà sống

THANH HIỆP thực hiện

Anh cho mình là người luôn cập nhật cái mới trong công tác đào tạo và nuôi dưỡng thanh xuân trong nghề

. Phóng viên: Hiện nay, điều gì khiến anh quan tâm khi nói đến nghề diễn viên sân khấu?

- Nghệ sĩ HOÀNG SƠN: Sự rèn luyện không bị xem là hình thức mà đã đi vào thiết thực. Một số người cho rằng học diễn viên hiện nay dễ dàng hơn thế hệ chúng tôi. Trên thực tế đó là nhận định sai vì dựa vào YouTube, truyền hình thực tế, mạng xã hội, chỉ cần tìm kiếm thì có hàng ngàn kiểu diễn xuất để học. Nhưng xin thưa, nếu không có thầy cô vững lý luận, phân tích đúng sai thì các em sẽ khó mà tiêu hóa được.

Xem ra học nghề diễn viên hiện nay khó muôn vàn vì nếu không phân biệt được đúng sai sẽ dễ đi vào kiểu dạy các em bắt chước chứ không phải diễn xuất.

. Sau nhiều năm làm nghề truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Vai trò người thầy dạy nghề cho diễn viên sân khấu được anh đúc kết theo phương châm nào?

- Thực hành và cập nhật. Sự bùng nổ của công nghệ đưa giải trí đến tận giường ngủ của khán giả, sàn diễn bị cạnh tranh dữ dội. Làm nghề sư phạm nghệ thuật dễ bị nuốt chửng nếu không cập nhật và cập nhật. Tôi mừng rớt nước mắt khi xem nhiều vở kịch ngắn gần đây của Sân khấu Kịch Hồng Vân khi mà diễn viên trẻ làm vở đã biết cập nhật cái mới trong biên kịch, dàn dựng. Vở "Ngôi đền thiêng" là một minh chứng khi các em tôn vinh "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" - di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và đưa vào câu chuyện kịch rất ngọt, rất nhiều cảm xúc.

Phương châm của tôi chính là hướng các em làm nghề bằng con mắt tinh tường, có trách nhiệm là một công dân trước khi muốn tài năng tỏa sáng. Góp một phần công sức nhỏ để giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc. Hôm xem vở của các bạn diễn viên K13, tôi đã khóc nhiều vì đầy cảm xúc.

. Gần đây, thấy anh ra vào giữa TP HCM và Hà Nội liên tục?

- Tôi đang tham dự dự án phim Web drama "A Quy" với một vai diễn đầy thú vị. Trên thực tế, tôi có nhiều duyên may làm việc với đồng nghiệp phía Bắc. Bạn diễn mà tôi thích nhất là NSND Lê Khanh. Sau bộ phim "Mẹ ơi bố đâu rồi" lên sóng VTV, tôi được đóng vai chồng của chị ấy - bộ phim được remake từ phim "Last man standing" sản xuất bởi Hãng 20th Century Fox (Mỹ). Khác với quá trình remake thông thường, ê-kíp sáng tạo của VFC đã làm việc trực tiếp với đội ngũ chuyên gia tư vấn của Fox từ khâu Việt hóa kịch bản, sản xuất tiền kỳ và xử lý hậu kỳ. Rất thích thú khi mỗi ngày mình được học thêm nhiều bài học quý.

Nghệ sĩ Hoàng Sơn: Thuận theo tự nhiên mà sống - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hoàng Sơn (Ảnh: HOÀNG HẢI)

. Nhìn lại hành trình mà mình đã đi qua, anh có thấy hối tiếc điều gì cho đến thời điểm này?

- Sẽ rất ít người quan tâm đến việc bạn đã trả giá nhiều hay ít, cố gắng như thế nào, chống đỡ ra sao, những lần té ngã có đau không, có thể họ chỉ quan tâm vào vị trí cuối cùng mà tôi đứng. Tôi không hối tiếc điều gì vì tất cả hành trình vượt qua đều từ bản thân mình. Người ta luôn nhìn thấy và hâm mộ hạnh phúc của người khác. Nhưng tôi phát hiện mình cũng đang được người khác hâm mộ. Đó là vợ, là bạn bè đồng nghiệp vì họ biết tôi nỗ lực như thế nào.

Mỗi người đều có hạnh phúc của chính mình. Chỉ có điều hạnh phúc của bản thân thường nằm trong mắt người khác. Sau khi đóng vai lãnh tụ Tôn Đức Thắng trong bộ phim "Tổ quốc tiếng gà trưa" của đạo diễn - NSND Huy Thành mà tôi quen gọi là bố, ông đã dạy một khi không còn so sánh mình với người khác, cũng có nghĩa con đã có một bước tiến dài để trưởng thành. Tôi đi theo kim chỉ nam của ông để tự thân bước trên con đường dù chông gai, vất vả nhưng bằng nghị lực của chính mình.

. Khi nếm trải thất bại, anh có bị những suy nghĩ tiêu cực lôi kéo?

- Theo từng giai đoạn, tôi cho những thất bại là bài học lớn. Lúc trẻ, tôi hận người tác động đến sự thất bại đó, chỉ đại khái việc bị giành vai, ăn cắp miếng diễn, bể sô do một đồng nghiệp phá giá… nhưng thực tế chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tiêu cực, tìm cách hại lại người đã gây cho mình sự phiền não.

Lớn lên, trưởng thành, nhìn cách hành xử của thầy cô, tiền bối mà đúc kết cho mình hướng đi. Sau này làm thầy, tôi vẫn đem bài học đạo đức truyền cho học trò. Trong cuộc đời, người muốn đi chung đường, chia đắng, sẻ bùi, cay ngọt chính là bạn tri kỷ.

Còn không tìm được tri kỷ thì cũng chẳng nên oán hận bởi lòng người không mất đi vì chuyện lớn nào đó không thành nhưng đừng để những thất vọng nhỏ tích tụ thành vết thương lớn. Tôi có một nhóm bạn chí cốt trong nghề, đi lên từ nghèo khó, giờ vẫn thân thiết, bao dung, hết lòng khi hoạn nạn. Vậy là đủ.

. Điều gì khiến anh trăn trở khi nghĩ về khái niệm "được và mất"?

- Tới một giai đoạn nhất định của cuộc đời, tôi cho rằng chúng ta sẽ không còn bận tâm đến chuyện được mất, mà chọn cách im lặng và mỉm cười để đối phó với sự xuống dốc của sức khỏe. Về già bệnh tật dồn dập, năm qua nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã rời xa cõi thế, các bậc tiền bối lần lượt quy tiên, có người sống trong khổ cực, nghèo túng.

Tôi rất quý chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động. Vì hơn một năm qua, chương trình đã giúp đỡ cho hơn 100 nghệ sĩ hoạn nạn, ốm đau. Tôi vẫn thường đồng hành với các nhóm bạn từ thiện, chăm lo giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Đó là cái được đáng quý khi mình hòa vào cộng đồng, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau nhiều đợt phòng chống dịch Covid-19, đời sống sàn diễn ngày càng khó khăn, để bám nghề phải nỗ lực lắm. "Được và mất" của bản thân thì nhằm nhò gì, lớn hơn chính là phải nhìn thấy diện mạo của sân khấu cần sự tiếp sức của mỗi người để không bị mất chuẩn.

. Người trong nghề vẫn nói khán giả bây giờ là một ẩn số. Anh có nghĩ như thế?

- Khó đoán mà có cái hay. Nó buộc chúng tôi phải động não, suy nghĩ, tìm mọi cách để làm cho sản phẩm của mình hấp dẫn hơn. Vậy mới nói nghệ thuật hiện nay tự hài lòng là tự sát. Bạn thấy đó, game show rộ lên rồi cũng đến lúc rụng dần, khán giả đích thực của sân khấu vẫn tìm đến sàn diễn cuối tuần, sân khấu vẫn sáng đèn với những vở diễn được chăm chút. Sàn diễn nếu không còn cảnh nghệ sĩ đi tập trễ, quên thoại, thiếu tử tế với nghề thì vở diễn nào cũng sẽ được đón chào.

. Với vốn sống và bề dày kinh nghiệm, anh có nghĩ sẽ viết kịch bản sau này?

- Nghề biên kịch hiện nay rất khó. Viết để có thể dựng được, có thể sống trong không gian chuẩn của sàn diễn không dễ. Và nghề viết cần dành trọn thời gian. Tôi thì vẫn còn thích bay nhảy. Nhưng được cái là có ý tưởng hay, tôi trao đổi với con trai (diễn viên Hoàng Hải, đã nối nghiệp cha, vừa diễn vừa làm nghề dàn dựng) để cháu viết lại, sau đó tôi nhào nặn để "đắp da, thêm thịt" cho những đứa con tinh thần đó sống mãi.

Nguồn kịch bản hay ngày càng cạn kiệt là mối nguy của sàn diễn hôm nay. Vì thế, bên cạnh đào tạo diễn viên, tôi chú tâm đến việc phát hiện các em trẻ có năng khiếu sáng tác. Không chuẩn bị từ bây giờ thì lỗ hổng này khó mà khắc phục.


Là người của công chúng, rất khó an yên trong cuộc sống của chính mình, dễ bị tác động và tự ái nghề nghiệp. Theo tôi, là nghệ sĩ chỉ cần bớt quan tâm việc người khác nghĩ gì về mình. Cứ thuận theo tự nhiên mà sống. Quan trọng hơn hết là bớt ảo tưởng vị trí của mình trong tim họ, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Mục đích sống của tôi hiện nay là trao truyền ước mơ cho diễn viên trẻ để tìm thanh xuân của chính mình.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo