. Phóng viên: Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, là nghệ sĩ, chị dự định sẽ làm gì để cùng cả nước vượt qua cơn đại dịch này?
- Nghệ sĩ KIM KHÁNH: Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, tác giả đã chọn đề tài đại dịch Covid-19 cho những sáng tác mới của mình. Tôi nhận thấy dù được thể hiện ở thể loại nào, những tác phẩm đề cập về dịch bệnh đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với công chúng. Sau bộ phim "Hồn bướm" về đề tài đồng tính, tôi đã chuẩn bị khâu kịch bản phim về đề tài mẹ và con. Ở đó, bày tỏ góc nhìn rất thời sự về đại dịch Covid-19 qua những câu chuyện nhân văn, để mỗi người có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống.
Đây cũng là lời cảm ơn đặc biệt của tôi đến mẹ của mình cũng như đội ngũ nhân viên y tế. Họ cũng là những người mẹ có con là những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Họ cũng có những điều trăn trở của mình về cuộc sống. Thông điệp của tôi là hãy chọn yêu thương để đối xử với nhau sẽ tốt hơn. Tôi cũng rất muốn làm kịch, được diễn vai một người quan sát và lắng nghe tâm sự của mọi người về từ vùng dịch, để gửi đến cộng đồng lời kêu gọi hãy cẩn thận, không ỷ lại vào thành công hiện tại mà lơ là việc phòng chống dịch bệnh. Có vô số cảm xúc khác nhau trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 nhưng để nói câu "chúng tôi ổn" thật khó.
. Sau khi tham gia các phim như: "Đời hát rong", "Tốc độ tình yêu", "Vòng vây tội lỗi"…, năm 2003, chị nhận Giải Mai Vàng trong bộ phim "Lưới trời" (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Chị có đặt ra cho mình dấu mốc mới trong sự nghiệp nghệ thuật năm 2021?
- Tôi cảm ơn những trải nghiệm quý cho nghề, đồng thời xem đó là bài học kinh nghiệm để đi tới. Tôi vốn là người không vội, làm gì cũng chậm nên khoảng cách thời gian đầu tư cho tác phẩm dù ở vai trò nào cũng chậm. Còn mục tiêu đề ra luôn là hoài bão, đạt hay không còn "hên xui" nhưng dấu mốc nếu được nghĩ là sự trưởng thành thì tôi tin sau mỗi lần làm ra tác phẩm ở vai trò đạo diễn, tôi đã lớn hơn xưa rất nhiều.
. Vở kịch "Cầu vồng khuyết" do chị làm đạo diễn được tài trợ bởi Chương trình cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Mỹ về HIV/AIDS (PEPFAR) được xem là dấu ấn khi chuyển sang nghề đạo diễn. Liên hệ với phim "Hồn bướm" (2018) và trước đó phim "Cầu vồng không sắc" (2014) đều là đề tài đồng tính. Vì sao chị thích đề tài này?
- Hãy tạo một cái nhìn nhân văn đối với người đồng tính. Họ là một cộng đồng rất giỏi trong tất cả lĩnh vực. Tình yêu, cuộc sống, cống hiến của họ rất đáng trân quý. Tôi tìm thấy sự đồng cảm của khán giả khi xem phim, kịch của tôi. Nhiều bà mẹ đã khóc, đã cảm ơn và thay đổi suy nghĩ về con mình. Đó là động lực để tôi tiếp tục đầu tư nhiều kịch bản, từ phim đến kịch về đề tài này. Tuy nhiên, tôi chọn mỗi thể loại một lát cắt khác nhau, bởi không khéo sẽ lặp lại bằng sự thương hại, lên gân về tính tư tưởng. Tôi chỉ thích chủ đề phim đi vào suy nghĩ người xem một cách nhẹ nhàng.
Nghệ sĩ Kim Khánh tại phim trường HTV. Ảnh: THANH HIỆP
. Nhiều nghề quá nhưng thật sự nghề nào khó nhất đối với chị?
- Nghề đạo diễn. Tôi xuất thân là huấn luyện viên thể dục nhịp điệu, năm 1991, tham gia cuộc thi "Khỏe - Đẹp - Thời trang", cuộc thi nhan sắc đầu tiên vinh danh những thiếu nữ đẹp về ngoại hình lẫn tài năng và tôi đã giành được ngôi vị Á hậu 1. Sau đó làm người mẫu, ca sĩ, diễn viên phim - kịch, ban giám khảo các cuộc thi, MC... nhưng vất vả nhất vẫn là đạo diễn. Tuy vậy, cực khổ cho tôi nhiều bài học quý. Bây giờ xem lại phim đầu tiên với vai Trầm trong "Đời hát rong" hoặc vai Thảo Linh trong "Lưới trời", tôi thấy mình dở tệ. Có lẽ góc nhìn đạo diễn luôn đòi hỏi mình phải hay hơn và vì thế nó ám ảnh tôi, thúc đẩy tôi lao tới.
. Vừa qua, xem chị xuất hiện trên HTV với ca khúc "Cầu Mirabeau" (Le Pont Mirabeau, nhạc Pháp lời Việt) do chị biểu diễn cùng nam diễn viên Lộ Chí Thành. Phải chăng chị muốn quay lại sân khấu ca nhạc?
- Mùa dịch bệnh, khán giả ở nhà cho lành, để giải trí thì nên xem truyền hình. Tôi sẽ đưa lên YouTube nhiều MV mới. Nghề ca hát cũng là một lối rẽ đầy đam mê của tôi đó chứ.
. Phải chăng chuyên diễn vai phản diện mà chị không được nhiều thiện cảm của khán giả như các diễn viên nữ cùng thời? Chị có buồn về điều này?
- Để khán giả thương các "đào chánh" như: Ngọc Hiệp, Việt Trinh, Diễm Hương...thì phải có "đào ác" như tôi chứ. Trái lại, tôi còn mừng vì mình thành công ở một dạng vai phản diện. Bây giờ thèm diễn kịch với những vai tính cách lắm. Một thời trên sân khấu IDECAF, tôi được anh Thành Lộc giao toàn vai tính cách đó thôi.
. Còn với nghề dạy học, chị có nghĩ sẽ mở lớp?
- Bạn bè tôi giờ là thầy cô hết rồi. Tôi thận trọng với chính mình, bởi không có khiếu sư phạm. Tôi chỉ có thể đến giao lưu, truyền cảm hứng cho các em diễn viên trẻ. Có nhận lời với Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM sẽ tham gia vài buổi nói chuyện về nghề trong chuyên đề "Giao lưu truyền cảm hứng". Còn đi dạy chính thức thì tôi không dám. Bởi thời gian hiện tại tôi dành cho khâu biên kịch. Ngồi viết cả ngày có khi đến tối lại xóa hết vì không hài lòng. Và cứ viết lại cho đến khi ưng ý.
. Điều trăn trở của chị khi ngồi ở hàng ghế khán giả xem phim, xem kịch?
- Tác phẩm cuốn hút mình thì mừng, còn khiến mình nghĩ đến việc ra về thì buồn. Lo nhất là khâu kịch bản. Phim thoại dài dòng, kịch thoại ngây ngô. Quá nhiều vấn đề xàm xí được đưa lên màn ảnh, sàn diễn. Người làm nghề dù thế nào cũng cần chăm chút ngôn ngữ tiếng Việt. Giữ được cốt cách đó là góp phần trả lại sự chuẩn mực trong đạo đức, truyền thống văn hóa của dân mình.
Bình luận (0)