NS Thanh Thế, NSƯT Mỹ Châu, NS Điền Phong và cố NS Kim Phượng tại đình Nhơn Hòa - quận 1, TP HCM, năm 2018.
NSƯT Mỹ Châu từ Atlanta - Mỹ đã chia sẻ nỗi đau vì mất đi một người đồng nghiệp đã dành trọn đời cho sân khấu tuồng cổ và góp phần làm đẹp cho các nghệ sĩ trong nhiều tác phẩm sân khấu giá trị với vai trò thiết kế phục trang.
NSND Đinh Bằng Phi xúc động nhớ lại, vào tháng 11 năm 2020, khi Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức chương trình tọa đàm và triển lãm "NSND Đinh Bằng Phi - Một đời theo hát bội" tại trụ sở Hội Sân khấu TP HCM, "chính chị Kim Phượng mang phục trang nhân vật nhà vua đến để mặc cho bức tượng sáp mà các nghệ nhân cho mượn để trưng bày trong buổi tọa đàm. Tôi xúc động lắm vì chị có mặt rất sớm, lo chu đáo mọi việc. Chị Kim Phượng là một thành viên của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, từng theo học lớp truyền nghề do tôi tổ chức để nắm vững hơn về kiến thức cơ bản của vũ đạo, võ thuật và phục trang của sân khấu hát bội, tuồng cổ. Hôm nay, là vàng lại khóc lá xanh rơi. Tôi rất buồn vì chị ra đi do căn bệnh mà đại dịch ập tới trong nỗi buồn của nhiều đồng nghiệp" - NSND Đinh Bằng Phi nói.
NS Kim Phượng chuẩn bị phục trang, mũ mão cho bức tượng sáp của NSND Đinh Bằng Phi
NS Kiều Lệ Mai, Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành ở Paris - Pháp đã gọi điện thoại về chia buồn với gia đình NS Kim Phượng. NS Lý Kim Thành cho biết: "Chị qua Pháp nhiều lần vì con gái định cư tại Paris. Sang thăm con nhưng đồng thời cũng mang phục trang qua để hỗ trợ cho chúng tôi biểu diễn các trích đoạn cải lương tuồng cổ phục vụ kiều bào. Có lần, chị cùng đi với NSND Ngọc Giàu và cố diễn viên hài Anh Vũ. Chị hết lòng lo lắng cho từng thành viên trong đoàn với nghĩa cử tận tâm, làm việc chuyên nghiệp. Tôi thường về nước đặt cho may những bộ phục trang để mang qua Pháp biểu diễn. Chị là một chuyên viên giỏi, có tâm, có óc thẩm mỹ cao trong việc sáng tạo nhiều bộ phục trang đẹp, đúng niên đại của lịch sử, nhất là am hiểu về kiến thức văn hóa nên chị làm việc không để ai phàn nàn" - NS Lý Kim Thành chia sẻ.
NS Lý Kim Thành và NS Kim Phượng trong ngày Giỗ Tổ sân khấu tại Pháp
NS Bo Bo Hoàng (HCV giải Thanh Tâm 1968) tâm sự: "Chị ra đi để lại nhiều thương tiếc cho nghệ sĩ đồng nghiệp và khán giả. Chị là một người tận tụy với nghề. Gần đây, khi HTV tôn vinh nghề may phục trang, chị em chúng tôi đã gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm làm đẹp cho nhân vật trên sân khấu. Không thể ngờ chị ra đi đột ngột, thật nhiều cảm xúc khi nhắc đến cô đào một thời của đoàn Huỳnh Long".
NS Kim Phượng, Bạch Mai, Bạch Lan và mẹ của NSƯT Ngọc Huyền trong dịp sinh nhật của NSƯT Ngọc Huyền tổ chức tại TP HCM
NSƯT Ngọc Huyền cho biết những khán giả đã từng đến xem các vở diễn của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đều biết rõ về nghệ sĩ Kim Phượng. "Bà không chỉ diễn các vai phụ khi sân khấu cần, mà còn là người chăm lo cho suất hát đạt hiệu quả về mọi mặt. Sau này khi NS Bình Tinh đứng ra tái dựng lại thương hiệu Huỳnh Long, bà là người yểm trợ hết lòng cho cháu gái. Tinh thần lao động nghệ thuật của bà là một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo" - NSƯT Ngọc Huyền tâm sự.
NS Kim Phượng, NS Bo Bo Hoàng, NSƯT Ngọc Khanh và NSND Đinh Bằng Phi trong ngày tổ chức triển lãm và tọa đàm tại Hội Sân khấu TP HCM
NSƯT Ngọc Khanh (hát bội) cho rằng sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long mất đi một nghệ sĩ và chuyên viên phục trang tài năng, đạo đức, phong cách làm việc với tinh thần dấn thân. "Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cứ đều đặn dăm bữa nửa tháng, bà lại tổ chức trao quà từ thiện cho nghệ sĩ nghèo khó. Mỗi khi chuẩn bị cho một "đứa con tinh thần" ra đời, bà luôn nói vở diễn đó như được rứt ra từ máu thịt nên bà rất lạc quan sẽ có đông khán giả đến xem. Gia tộc Huỳnh Long đã được công chúng yêu mến, tình cảm đó được nuôi lớn từ việc chăm chút trong từng khâu mà nghệ sĩ Kim Phượng hầu như đều chạm đến" - NSƯT Ngọc Khanh bộc bạch.
NSND Minh Vương và các nghệ sĩ đoàn cải lương Huỳnh Long
Cuộc đời biểu diễn từ một diễn viên múa đến những vai đào "dàn bao", cho đến khi làm nghề may phục trang, thiết kế đạo cụ, bà đã cống hiến cho công chúng gần 200 vở diễn.
Bàng hoàng trước tin đau buồn, các thế hệ nghệ sĩ đồng nghiệp lại nhớ đến những dấu ấn, kỷ niệm thân tình, tươi nguyên với nghệ sĩ Kim Phượng. Nghệ sĩ Bình Tinh xót thương chia sẻ từ nay, cô mất đi một chỗ dựa tinh thần vững vàng, giúp cô lèo lái đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đi vào hoạt động. "Tôi sẽ nỗ lực không ngừng, hoàn thành tốt tâm nguyện mà dì tôi, nghệ sĩ Kim Phượng đã từng mong đợi, đó là tổ chức biểu diễn để phục vụ công chúng nhiều tác phẩm hay xứng đáng với tình thương mà họ đã dành cho gia tộc Huỳnh Long" - NS Bình Tinh xúc động nói.
NSƯT Ngọc Huyền và các nghệ sĩ Kim Phượng, Bạch Mai, Phương Nga
Một trong những đóng góp lớn của nghệ sĩ Kim Phượng là công tác thiện nguyện. Bà luôn cười rổn rảng, hào hiệp, sẵn sàng vét túi đến đồng còn lại để lo cho đồng nghiệp đang gặp cơn túng thiếu hoặc bệnh tật.
Nghệ sĩ Điền Phong xúc động: "Khi tôi nằm trên giường bệnh. Người đầu tiên tôi nghĩ đến có thể cứu mình là NS Kim Phượng. Vậy mà hôm nay chị đã bỏ tôi mà đi. Chúng tôi - những nghệ sĩ lão thành bệnh tật đều nhớ ơn của chị" - NS Điền Phong đã khóc.
NS Bình Tinh và NS Kim Phượng
NS Thanh Thế cho rằng hành trình chiến đấu với bệnh tật của bà cũng nhờ có sự động viên của NS Kim Phượng. Bà luôn mang ơn nghĩa cử to đẹp đó. "Giờ thì Kim Phượng đã yên nghỉ thật rồi! Vĩnh biệt một người người em tinh thần đáng kính, một nghệ sĩ tài hoa làm đẹp cho sân khấu và truyền năng lượng tích cực đến thế hệ diễn viên tuồng cổ trẻ để họ cũng sẽ sống đẹp như chị!" - NS Thanh Thế bày tỏ.
NS Kim Phượng và NS KIm Lệ Mai tại Pháp
Bình luận (0)