GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam từ trần hôm 17-5 tại nhà riêng, do tuổi cao, hưởng thọ 88 tuổi. Ông là nhà soạn nhạc có nhiều tác phẩm giao hưởng nhất Việt Nam. Ngoài ra, ông còn viết giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng, kịch múa, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…
Nhạc sĩ Đức Trí và người thầy, GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
Nhắc về người thầy của mình, nhạc sĩ Đức Trí tâm sự: "Tôi may mắn được là học trò của thầy từ những ngày ông mới về nước. Đó là một người thầy dành hết tâm huyết dạy bảo và yêu thương học trò, nhất là đạo đức và sự lễ độ, tiếp đến mới là kỹ thuật, là âm nhạc".
Nhạc sĩ Đức Trí Anh cho biết lúc chưa vào Nhạc viện TP HCM, GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam ở một căn hộ trên tầng cao trên đường Nguyễn Thái Bình. Mỗi ngày, ông đi dạy với chiếc xe đạp lọc cọc. Mỗi lần anh lên nhà thầy học thì thở không nổi nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam vẫn cười: "Đi lên xuống cho khoẻ, hễ bữa nào quên đồ chạy lên chạy xuống hơi mệt tí".
"Thầy không quan tâm mấy đến việc cực nhọc đó, chỉ quan tâm tới cây piano cũ được ai đó mới tặng, ít ra có cái gì đó để viết" – nhạc sĩ Đức Trí nhớ lại.
GSTS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam trong thời gian sáng tác bản giao hưởng số 9
Đối với nhạc sĩ Đức Trí, trong âm nhạc phải kể đến hai vị giáo sư nổi tiếng là GS-TS Trần Văn Khê và GS-TS Nguyễn Văn Nam. Cả hai ông đều để lại gia tài đồ sộ với nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác âm nhạc và là tấm gương trau dồi tri thức cho nhiều thế hệ học trò nối tiếp.
Hình ảnh giản dị của vị GSTS - nhạc sĩ, khi vừa sáng tác, vừa đưa võng cho con ngủ. Ông sống giản dị được các đồng nghiệp yêu quý
NSƯT Hoàng Điệp (nguyên giám đốc Trung tâm Biểu diễn - Nhạc viện TP HCM, giảng viên Nhạc Viện TP HCM) xúc động: "Nhắc tới GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam mà chỉ nói về khía cạnh "nhạc giao hưởng" thì chưa đủ, vì mảng "hợp xướng" cũng là một thế mạnh của ông. Nhớ lắm những buổi sửa bài phối khí tại lớp ở Nhạc viện với những lời nhận xét nghiêm khắc nhưng rất hóm hỉnh của ông. Ông hay dùng từ "u tối" để chỉ những sinh viên chậm tiếp thu và lạm dụng phần mềm máy tính khi làm bài tập mà không chịu tìm hiểu kỹ về tính năng của từng loại nhạc cụ khiến xảy đến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tôi vinh dự luôn được là một trong số ít người đầu tiên được biết tới các tác phẩm "sắp ra đời" của ông".
NSƯT Lê Thiện tiễn biệt vị giáo sư tiến sĩ - nhạc sĩ mà bà quý trọng
NSƯT Hoàng Điệp nhớ lại không khí rộn ràng khi Nhạc viện TP HCM chuẩn bị đợt công diễn tác phẩm "Oratorio" đầu tiên của Việt Nam "Hát cho đồng bào tôi nghe" vào những năm 1993, 1996. "Hợp xướng thiếu nhi "Cái nón xinh xinh" của ông được ra đời tại nhà của ba mẹ tôi (GS-TS – NSND Quang Hải và nghệ sĩ Hoàng Khanh), khi ông chưa chuyển về chung cư Nguyễn Thái Bình. Có sinh viên nào học chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện TP HCM hay từng học môn Hợp xướng những năm 2000 mà không biết tác phẩm "Đi chợ hoa" (trích từ liên khúc Hợp xướng "Mùa Xuân") của ông?" – con gái của cố NSND Quang Hải xúc động.
NSƯT Lê Thiện chia buồn với vợ và hai con của GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
NSƯT Lê Thiện bày tỏ: "Một vị giáo sư sống khẳng khái, luôn bày tỏ tình yêu dành cho âm nhạc. Là thế hệ du học sinh ở Nga, mang kiến thức được học tại nước bạn về áp dụng cho âm nhạc Việt Nam, ông là người có nhiều cống hiến đáng trân trọng. Công lao lớn hơn là đào tạo một thế hệ nhạc sĩ trẻ có tâm, có tài với nghề. Ông là bậc thầy đáng kính của họ. Thương nhất là những lúc sáng tác mà vẫn phải đưa võng con ngũ. Một vị giáo sư sống giản dị, chân thành".
Bình luận (0)