Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là nhà soạn nhạc có nhiều tác phẩm giao hưởng nhất Việt Nam, với những bản giao hưởng để đời: Bản số 1 - "Tặng đồng bào miền Nam anh dũng" (1972), số 2 - "Uống nước nhớ nguồn" (1972), số 3 - "Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh" (1975), số 4 - "Ađưks" (1986), số 5 - "Mẹ Việt Nam" (1994), số 6 - "Sài Gòn 300 năm", số 7 - "Chuyện nàng Kiều", số 8 - "Đất nước quê hương tôi"...
Ngoài ra, ông còn viết giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng, kịch múa, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật… GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Chiến thắng, huy chương vàng Hội diễn Ca nhạc năm 1995 với tác phẩm vũ kịch "Huyền thoại mẹ", giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tác phẩm Bản giao hưởng số 8 - "Đất nước quê hương tôi". Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.
GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
"Âm nhạc ngấm dần vào tôi từ lúc còn được nghe mẹ hát ru, từ những bài bản đờn ca tài tử của miền Nam, để rồi trong tôi lúc nào cũng âm vang những giai điệu, hướng tôi đến và sống với âm nhạc" - GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam bày tỏ lúc sinh thời.
Tham gia kháng chiến từ năm 1947, hoạt động trong Ban Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, theo học Trường Văn hóa kháng chiến Phan Lương Trực tại Đồng Tháp Mười, vào bộ đội năm 1949, công tác tại tổ quân nhạc khu 8, sau đó chuyển sang Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười, đến năm 1954, tập kết ra Bắc và sau 5 năm chuyển ngành sang Bộ Văn hóa, ông được cử đi học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội). Năm 1966, ông được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Saint Peterbourg (Cộng hòa Liên bang Nga).
Năm 1973, tốt nghiệp Nhạc viện Saint Peterbourg về nước, ông lại được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leningrad và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ 2 ngành: sáng tác và lý luận. Đúng 6 năm sau, ông công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học nước Cộng hòa Cabardine-Boncar và là hội viên chính thức Hội Nhạc sĩ Liên Xô.
Về nước từ năm 1991, ông tiếp tục giảng dạy bậc đại học và cao học chuyên ngành sáng tác, lý luận tại Nhạc viện TP HCM và Nhạc viện Hà Nội.
Không những miệt mài sáng tác, GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam còn trăn trở với sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho giới âm nhạc hàn lâm, các thế hệ học trò đang tiếp bước ông trên con đường phát triển khí nhạc và giao hưởng của nền âm nhạc Việt Nam.
Linh cữu GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3), lễ viếng từ 13 giờ ngày 17-5, lễ động quan lúc 9 giờ ngày 19-5, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Bình luận (0)