Phóng viên: Trong bối cảnh Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về "đường lưỡi bò" phi pháp, từ đưa vào sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, ấn phẩm du lịch, quả địa cầu, bản đồ, hàng hóa…, việc ông yêu cầu Ban Tổ chức Triển lãm Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á (Polyphony: Southeast Asia), diễn ra tại TP Nam Kinh - Trung Quốc, phải thay poster có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp khiến nhiều người khâm phục. Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu này của mình?
- Nghệ sĩ TRẦN LƯƠNG: Trước ngày triển lãm "Polyphony: Southeast Asia" khai mạc, tôi phát hiện "đường lưỡi bò" phi pháp in trên poster. Ngay lập tức, tôi thông báo với các nghệ sĩ Đông Nam Á vì mọi người không nhìn vào chi tiết của poster nên không nhận ra. Tất cả đều nhất trí là phải đề nghị xóa "đường lưỡi bò" phi pháp này. Sau đó, tôi thông báo với đối tác Trung Quốc là phải xóa ngay và xóa hết ở mọi ấn phẩm liên quan thì đoàn Việt Nam mới sang dự. Một số nghệ sĩ Đông Nam Á cũng đồng ý như vậy, vì nếu còn để sót lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cộng đồng nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và Trung Quốc.
Nghệ sĩ Trần Lương (phải) bên poster triển lãm tại Nam Kinh không còn “đường lưỡi bò” phi pháp
Lúc ấy ông có tin là yêu cầu của mình sẽ được đáp ứng?
- Thực ra, lúc đó tôi không chắc ban tổ chức sẽ sửa, vì nghĩ có thể có chỉ đạo từ chính phủ của họ. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần là phải hủy chuyến đi, tức là hủy nhiều công sức chuẩn bị tác phẩm, kinh phí của triển lãm...
Để quyết định như vậy cũng khó khăn lắm, vì tôi biết phía bạn, các curator (người tổ chức triển lãm - PV) và nghệ sĩ Trung Quốc rất cầu thị và mất nhiều công sức cho triển lãm này. Họ chủ ý muốn bày ra những gì trung thực nhất có thể về tình trạng thái độ từ Đông Nam Á…
Poster mới của triển lãm (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Rất mừng là chỉ 2 ngày sau, toàn bộ ấn phẩm, poster được thay mới và rất sạch. Họ giải thích "đường lưỡi bò" rất phổ biến ở Trung Quốc, ai cũng nghĩ nó là hiển nhiên (do tuyên truyền và bị biệt lập thông tin, Google, Facebook, YouTube... không thể vào mạng ở Trung Quốc) vì thế, bộ phận thiết kế tự nhiên đưa vào. Khi tôi gửi các đường link về "đường lưỡi bò" phi pháp, về phản ứng quốc tế từ Malaysia, Philippines…, họ hiểu ra và sửa ngay tức khắc. Tôi không chắc là có chủ trương cài hình bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp từ chính phủ của họ hay không nhưng những người làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ Đông Nam Á thì rất cầu thị.
Thực lòng là họ rất công tâm để triển lãm có thể diễn ra.
Nhận được sự ủng hộ của các nghệ sĩ Đông Nam Á, ông có thấy đó là một niềm vui?
- Tôi nghĩ sự đồng tình của các nghệ sĩ Đông Nam Á là hiển nhiên vì họ cũng muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia mình. Tất nhiên là tôi ấm lòng vì sự ủng hộ đó.
Dư luận trong nước mấy ngày qua lên tiếng bày tỏ sự khâm phục bởi thái độ và hành động của ông. Ông nghĩ gì về điều đó?
- Việc tôi làm là rất bình thường như vốn dĩ con người tôi thôi. Tôi đã từng bị giữ hộ chiếu và thẩm vấn ở Quảng trường Thiên An Môn năm 2007. Hành động của tôi rất tự nhiên, tôi coi nhân cách là điều quan trọng nhất của một con người nói chung và một trí thức nói riêng. Điều tôi muốn nói là chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời, nó rất ngắn ngủi nên hãy sống cho ra sống!
Triển lãm "Polyphony: Southeast Asia" có gì hay, thưa ông?
- "Polyphony: Southeast Asia", khai mạc chiều 9-11 kéo dài đến ngày 20-12, được đánh giá là hoạt động nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên của các nghệ sĩ Đông Nam Á tại Trung Quốc. Nhiều nghệ sĩ tài năng đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á: Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Việt Nam đã có mặt tại triển lãm này. Đoàn nghệ sĩ Việt Nam gồm tôi và 3 nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Huy An, Trần Tuấn, Nguyễn Phương Linh.
Ông có thể bày tỏ thông điệp mà những tác phẩm được các nghệ sĩ Việt Nam mang đến triển lãm này?
- Các tác phẩm của Việt Nam đề cập đến chống chiến tranh như "Ngón trỏ" của Trần Tuấn. Những giá trị đáng trân trọng của chiều sâu lịch sử và văn hóa Trung Hoa cũng như những khoảng tối tiêu cực của nó như độc tài, độc tôn, nam quyền... trong tác phẩm "Cái vũng lớn" của Nguyễn Huy An (một hồ mực Tàu lớn có hình một bóng của cái bàn). Về sự liên quan lịch sử tay ba trong sự kiện từ năm 1975 đến 1984 ở Campuchia qua tác phẩm "Ông đi qua, bà đi lại"…
Có tác phẩm trong nhiều bảo tàng danh tiếng
Nghệ sĩ Trần Lương tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1983. Ông được biết đến với vai trò họa sĩ và nhà tổ chức các không gian sáng tạo nghệ thuật đương đại. Trần Lương là nghệ sĩ tiên phong trong cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam; là đồng sáng lập Nhà sàn Studio, Hà Nội và là thành viên của nhóm Gang of Five gồm 5 thành viên: Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh. Ông tập trung phần lớn thời gian và công sức của mình vào việc giúp đỡ những họa sĩ trẻ thực hiện các ý tưởng của họ để cuối cùng có thể mang những ý tưởng đó đến với các triển lãm từ lúc lập nhóm đến nay.
Trần Lương cũng là nghệ sĩ có lịch sử triển lãm sâu rộng. Một số triển lãm tiêu biểu gần đây của ông bao gồm: "No Country: Contemporary Art for South and Southeast Asia" tại Bảo tàng Guggenheim (Mỹ) và Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (CCA), Singapore, 2014; "Medium at Large" tại Singapore Art Museum, Singapore, 2014; "Welcome to the jungle/ Welts" tại Bảo tàng Nghệ thuật Yokohama và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Kumamoto, Nhật Bản, 2013; "The Future of Imagination 8", Singapore, 2012... Tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng danh tiếng: Solomon R. Guggenheim Museum (New York, Mỹ), Singapore Art Museum (Singapore), Fukuoka Asian Art Museum (Nhật Bản).
Ông cũng đồng thời là người tổ chức triển lãm cho rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Sau nhiều năm tiếp cận với công việc này, ông được nhiều họa sĩ đánh giá là người có khả năng với công việc bởi ham học hỏi và đi nhiều, khám phá nhiều qua kinh nghiệm của các đồng nghiệp bên ngoài Việt Nam.
Bình luận (0)