Tối 17-9, nghệ sĩ Trung Dân đã trò chuyện cởi mở với khán giả trẻ tại Đài Truyền hình TP HCM.
Nhiều khán giả yêu mến nghệ sĩ Trung Dân bởi sự khôi hài, dí dỏm của anh. Trung Dân thường xuất hiện trên truyền hình với sản phẩm quảng cáo thuốc trừ sâu nên bà con ở nhiều vùng miền thường gọi anh trìu mến bằng cái tên: "anh thuốc trừ sâu", "anh diệt cỏ cháy"… Tâm sự với khán giả, Trung Dân nói nếu số phận không đưa đẩy đến với sân khấu thì anh đã là một thầy giáo làng hoặc một nông dân.
Đến nay, Trung Dân đã có hơn 40 truyện ngắn và hàng chục kịch bản, truyện dài như: "Chuông ở thánh đường", "Tiếng lục lạc trong sương", "Người đàn bà bên kia sông", "Sợi dây luộc ngang trái", "Nước phèn", "Khi hoa xương rồng đợi mưa", "Nước phèn", "Cái hủ chao"… Trong đó, kịch bản "Tiếng vạc sành" được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Nghệ sĩ Trung Dân
"Tôi chủ trương ngay từ đầu rằng đã viết sách thì không sợ đụng chạm. Do đó, tôi chưa muốn phát hành bởi trong đó tôi viết rất thật về hậu trường sân khấu, về những đắng cay của nghề diễn viên. Tôi thường nói vui với vợ con hễ sách này mà được in thì đám tang của tôi sẽ ít người đến thắp hương. Nhưng tôi không buồn điều đó. Tôi tin những gì mình viết sẽ để lại cho các bạn diễn viên trẻ những bài học kinh nghiệm khi dấn thân vào nghệ thuật" - anh chia sẻ.
Nghệ sĩ Trung Dân tiết lộ những trang sách của anh viết về những con người chầu chực bên đạo diễn để xin được đóng dù chỉ là vai quần chúng. Thế rồi, khi trở thành đạo diễn có tên tuổi thì họ đã gợi ý diễn viên "lên giường trước khi lên phim".
"Tôi thường tìm cách châm chọc cho đối tượng nổi cơn thịnh nộ, để họ "xù hết những cá tính". Từ đó, tôi quan sát và đưa vào trang sách của mình. Thay vì khi diễn, họ dùng kỹ thuật để đánh tôi thì họ đánh thật khiến tôi đau điếng ngay trên sân khấu. Nhưng không sao, tôi chịu đựng rất giỏi để có những trải nghiệm cho đời" – nghệ sĩ Trung Dân kể.
Nghệ sĩ Trung Dân và Kiều Mai Lý
Nói với sinh viên trẻ đang theo học ngành diễn viên và đạo diễn tại ngôi trường mà anh đã về dạy được 15 năm, Trung Dân cho biết ngày mới tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM), anh cũng lâm cảnh thất nghiệp, theo các diễn viên đàn anh tấu hài để kiếm sống.
"Nghệ thuật mà theo lý thuyết của nhà trường sẽ xa vời với thực tế. Nhưng tôi không nản, lao vào công việc và phân định rất rõ đâu là điểm nhấn nghệ thuật, đâu là sô diễn kiếm cơm qua ngày. Bây giờ thời buổi công nghệ, các bạn nhanh nổi tiếng, dễ có việc làm nhưng chiều sâu và nền tảng làm nghề thì chơi vơi lắm" – nghệ sĩ Trung Dân nhấn mạnh.
Bình luận (0)