NSND Kim Cương cho rằng sự ra đời của Quỹ Học bổng Trần Văn Khê vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (24.7.1921 - 24.7.2021) rất ý nghĩa. "Tiếc rằng kế hoạch này đành phải gác lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù ông đã rời xa cõi tạm 6 năm nhưng quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP HCM cấp phép thành lập, dù muộn nhưng đây là hoạt động rất có ý nghĩa. Tôi kỳ vọng quỹ ra đời sẽ góp phần khuyến khích học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đóng góp và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc".
NSND Ngọc Giàu, họa sĩ Sỹ Hoàng, NSND Kim Cương trong lễ mừng thọ GS-TS Trần Văn Khê
Theo NSND Kim Cương, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê sẽ tiến hành trao giải thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động âm nhạc truyền thống và cấp học bổng cho những em theo đuổi dòng nhạc này. Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Riêng năm 2021, sẽ xét tặng giải cho khu vực Nam Bộ. Trường Đại học Văn Lang chịu trách nhiệm thành lập quỹ này.
NS Hồng Nga và GS-TS Trần Văn Khê trong chương trình "Làn điệu phương nam"
Nghệ sĩ Hồng Nga không quên lần hội ngộ cùng GS-TS Trần Văn Khê tại Nhà hát Thành phố: "Đó là năm chương trình "Làn điệu phương nam" tổ chức mừng thọ soạn giả Viễn Châu 89 tuổi. Lần đầu trong đời, tôi ca vọng cổ được hai danh sư đệm đờn là thầy Trần Văn Khê và thầy Viễn Châu. Công lao của thầy Trần Văn Khê rất lớn, đưa âm nhạc Việt ra thế giới và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay yêu âm nhạc, cải lương".
NSND Ngọc Giàu và GS-TS Trần Văn Khê
NSND Ngọc Giàu xúc động nhắc lại sự kiện trước khi GS-TS Trần Văn Khê qua đời (24-6-2015), ông đã để lại di nguyện, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng. Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê gồm GSTS Trần Quang Hải - con trai GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, ông Hồ Thủy Tinh, TS Nguyễn Nhã, doanh nhân Lê Quốc Ân, ông Trần Bá Thùy, bà Lê Ngọc Hân… đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang.
"Tôi mong rằng bên cạnh sự hoạt động tích cực của Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, TP cần xây dựng một không gian văn hóa mang tên ông" - NSND Ngọc Giàu bày tỏ.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, tác giả Lê Duy Hạnh, NSND Bạch Tuyết và GS-TS Trần Văn Khê trong chương trình "Làn điệu phương nam"
Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã tiếp nhận và phân loại 435 kiện sách, hiện vật âm nhạc quý mà GS-TS Trần Văn Khê hiến tặng. Trong đó, hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.
"Đó là một gia tài quý để lại cho đời, giúp cho nhiều thế hệ nghiên cứu sinh muốn tham khảo, học tập từ những công trình nghiên cứu của GS-TS Trần Văn Khê. Tôi tin tại không gian mang tên ông khi được đi vào hoạt động sẽ là điểm đến của số đông công chúng, bạn trẻ yêu âm nhạc dân tộc" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và GS-TS Trần Văn Khê
Theo Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, GS-TS Trần Văn Khê đã trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. "Từ đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của thầy đã được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ… Công lao của thầy rất lớn" - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan chia sẻ.
MC Quyền Linh và GS-TS Trần Văn Khê
MC Quyền Linh xúc động cho biết mỗi khi nhớ tới GS-TS Trần Văn Khê, anh luôn nhớ về một người thầy đáng kính, một trái tim luôn hướng về Tổ quốc. Cuộc đời ông luôn đau đáu làm sao để âm nhạc Việt Nam được lan tỏa, được đóng góp vào di sản âm nhạc chung của thế giới.
"Tôi vinh dự được sinh ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cũng là quê hương của thầy" - MC Quyền Linh chia sẻ.
Một số giải thưởng tiêu biểu của GS-TS Trần Văn Khê
1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).
1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc.
1991: Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp.
1993: Cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.
1998: Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam.
1999: Huân chương Lao động Hạng nhất.
2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.
2011: Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu.
Bình luận (0)