Tối 26-11, tại Nhạc viện TP HCM, chương trình giao lưu nghệ thuật "Cùng chung tiếng nói" giữa Nhạc viện thành phố và Đoàn Nghệ thuật Deobureo Sup - Hàn Quốc sẽ chào đón khán giả yêu âm nhạc. TS-NSƯT Hải Phượng đồng hành với chương trình ý nghĩa này, không chỉ với vai trò nghệ sĩ biểu diễn mà còn là Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống - Nhạc viện TP HCM.
Nghệ sĩ Hải Phượng.
Khơi dậy niềm đam mê
Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết đây là chương trình giao lưu âm nhạc Việt - Hàn tiếp nối của chuỗi chương trình giao lưu giữa Nhạc viện TP HCM và Đoàn Nghệ thuật Deobureo Sup. "Đây là dự án không chỉ giao lưu giới thiệu âm nhạc mà còn là một mối giao hảo thân tình giữa nghệ sĩ của hai nước. Những ngày qua chúng tôi đã cùng tập luyện để có những bài biểu diễn chung. Tuy rằng giai điệu và cách hòa âm của hai nước có khác nhau nhưng chúng tôi đã tìm ra những điểm tương đồng để có thể "cùng chung tiếng nói". Tuy nhiên vẫn phải giữ được bản sắc riêng của mỗi nước" - nghệ sĩ Hải Phượng bày tỏ.
Là nhà giáo dạy âm nhạc dân tộc, TS-NSƯT Hải Phượng luôn đau đáu việc khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong giới trẻ. Chính vì thế, ở nơi nào cần tiếng đàn tranh của chị, cũng như cần những buổi giao lưu, trò chuyện để truyền năng lượng tích cực đến học sinh, sinh viên nhằm khuyến khích, động viên các em làm quen với nhạc cụ dân tộc là chị luôn sẵn sàng góp mặt. Bởi đối với chị, âm nhạc dân tộc không phải là dòng nhạc phổ biến như nhiều loại hình nghệ thuật khác nên sự tiếp cận với khán giả, trong đó có giới trẻ, vẫn còn không ít trở ngại.
Nghệ sĩ Hải Phượng. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Song chị vẫn tin rằng mỗi ngày một chút, rót cho thật đầy những đam mê cháy bỏng, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc qua từng tiếng đàn tranh, rồi sẽ có đông bạn trẻ đến với con đường mình đã chọn. Điều đó không phải là diệu kỳ mà hiện hữu ngay từ CLB Tiếng hát Quê hương. Đó là nơi mẹ chị - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan - đã cần mẫn, nhẫn nại ươm mầm biết bao tài năng hơn 40 năm qua, để từ đó nhân rộng hiệu quả đào tạo, truyền nghề. Thông qua Liên hoan Em yêu đàn tranh do CLB tổ chức hằng năm dành cho thiếu nhi, học sinh các cấp, đã có rất nhiều bạn trẻ theo học và yêu thích âm nhạc dân tộc; nhiều bạn đã đi theo con đường chuyên nghiệp.
Là người nghệ sĩ được thừa hưởng từ một nếp nhà gia giáo, có truyền thống đam mê âm nhạc, sự trưởng thành của TS-NSƯT Hải Phượng được giới chuyên môn nhận xét là bước tiếp nối đầy tự hào từ mẹ và người thầy kính yêu của chị - cố GS-TS Trần Văn Khê. NSND Kim Cương đã từng nói nếu khen Hải Phượng đàn hay thì là chuyện quá dễ, bởi cô sống với tiếng đàn tranh từ nhỏ nhưng để nhìn thấy rõ hàm lượng chất xám, nhịp đập trái tim và tâm hồn của cô gửi vào từng ngón đàn thì nền tảng chính là sự khổ luyện không ngừng nghỉ.
Còn với NSND Ngọc Giàu, bà nhớ mãi lần giao lưu tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM, khi đó Hải Phượng đàn tranh, GS-TS Trần Văn Khê đờn kìm, còn bà thì ca "Dạ cổ hoài lang". "Tôi cứ lâng lâng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm trên 30 năm rồi. Âm nhạc dân tộc vận dụng kỹ thuật là bắt buộc nhưng gửi vào đó tâm hồn của người nhạc sĩ mới là quan trọng. Tôi tin rằng từ hình ảnh của Hải Phượng sẽ có thêm nhiều người trẻ thích và tìm hiểu rồi học nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn tranh" - NSND Ngọc Giàu bộc bạch.
Bên cạnh giảng dạy, TS-NSƯT Hải Phượng còn tích cực tham gia các dự án thực hiện MV ca nhạc, phim điện ảnh, vở diễn trên sân khấu để làm tốt mục đích mà chị canh cánh bên lòng: "Mỗi ngày một chút, rồi sẽ tạo thành một khối đam mê lớn từ những bạn trẻ yêu âm nhạc dân tộc".
Nghệ sĩ Hải Phượng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tạo nét đặc thù cho âm nhạc dân tộc
Hiện nay, dù có nhiều nỗ lực song công tác quảng bá và đưa âm nhạc dân tộc đi vào đời sống theo tiêu chí bảo tồn, gìn giữ và phát triển vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Vài năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã đưa âm nhạc truyền thống vào chương trình học ngoại khóa cũng như Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã tổ chức mô hình "Sân khấu học đường" giới thiệu hát bội, cải lương, kịch, dân ca đến các em học sinh ở nhiều trường tiểu học, THCS và THPT. Theo TS-NSƯT Hải Phượng, những hoạt động kể trên là rất tích cực nhưng khi đã tạo sự lan tỏa ở bề rộng thì cần đi vào chiều sâu.
"Để việc giảng dạy âm nhạc dân tộc trong trường học đạt chất lượng cao, cần đặc biệt quan tâm khâu đào tạo giáo viên dạy âm nhạc dân tộc, để họ đủ sức truyền niềm đam mê và những bài học cơ bản, chuẩn mực đến các em" - TS-NSƯT Hải Phượng nói.
Tín hiệu vui là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã phối hợp với các trường dàn dựng các tiết mục, mở lớp dạy âm nhạc dân tộc. Một số trường tiểu học như Nguyễn Thái Sơn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đã đưa âm nhạc dân tộc vào trong chương trình học ngoại khóa. Trường ĐH FPT đã đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo.
Theo TS-NSƯT Hải Phượng, không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác đều có chiến lược gìn giữ và quảng bá âm nhạc dân tộc. Khi quảng bá, cần chú ý đến sự tươi trẻ trong hòa âm, phối khí để nhạc truyền thống vẫn giữ được vóc dáng cội nguồn dân tộc nhưng lại mang hơi thở cuộc sống hôm nay. Thực hiện những chương trình quảng bá dòng nhạc dân tộc đương đại cần gắn với hội nhóm, câu lạc bộ, nghệ sĩ chuyên nghiệp theo xu hướng hiện đại, gần gũi nhu cầu giải trí của lớp trẻ.
"Muốn phát triển âm nhạc dân tộc thì phải phân khúc thị phần khán giả. Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa, khán giả có nhu cầu giải trí đa dạng. Do vậy, để có những sản phẩm giải trí mang nét đặc trưng của âm nhạc dân tộc thì dòng âm nhạc này rất cần tạo được nét đặc thù" - TS-NSƯT Hải Phượng nêu ý kiến.
Bình luận (0)