NSUT Hải Phượng xem đàn tranh là cuộc sống thứ 2 của mình
Đến với chương trình "Dấu ấn huyền thoại" (phát sóng trên HTV7), NSƯT Hải Phượng mang đến một không gian âm nhạc cùng những câu chuyện về cây đàn tranh đầy sức hút.
Gắn bó với cây đàn tranh suốt 45 năm qua, Hải Phượng cho biết cô đến với đàn tranh là một cái duyên, một cái duyên thay đổi cả cuộc đời cô.
NSƯT Hải Phượng kể đàn tranh đã cho cô cơ hội chu du khắp nơi trên thế giới, để quảng bá không chỉ đến với khán giả Việt mà người yêu âm nhạc của nước bạn được biết và thưởng thức giai điệu mượt mà từ một loại nhạc cụ mang tên đàn tranh.
Năm 1993, Hải Phượng sang Paris cùng giáo sư Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc mang tên Đàn Tranh Xưa Và Nay của hãng Ocora và giành 2 giải thưởng từ chính phủ Pháp. Bước ngoặt này cũng đánh dấu con đường phát triển mới trong sự nghiệp đàn tranh của cô. Cô được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và tham gia các liên hoan âm nhạc, giao lưu quốc tế. Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, cô đã ghi dấu ấn với những album chất lượng như Tình Ca Quê Hương, Bến Xuân, Tiếng Xưa, Làn Điệu Cội Nguồn, Tiếng Đàn Hải Phượng.
Tiếng đàn của chị đã là một thương hiệu
Khi còn nhỏ, mỗi lần tập đàn, NSƯT Hải Phượng sẽ để một cái đồng hồ cạnh bên, chỉ cần đồng hồ reng là được đi chơi. "Thích lắm. Cứ chờ nhiều khi nhìn sao đồng hồ nó không chạy, nó cứ đứng hoài à" - cô nhớ lại.
Nhưng, càng lớn, tình yêu dành cho đàn tranh của cô cũng lớn dần lên. Nhạc cụ này như là cuộc sống thứ 2 của NSƯT Hải Phượng. Và cũng từ đó cô truyền lửa và vun đắp tình yêu nhạc cụ dân tộc nói riêng và đàn tranh nói chung trong tim của thế hệ trẻ. "Đánh để cho mình cảm và đánh để cho mọi người cảm thì không hề đơn giản tí nào. Và đàn tranh của Việt Nam làm được. Những nhấn nhá của nó có thể nói rằng mình cảm giác là nhấn đứt ruột " - NSƯT Hải Phượng bày tỏ.
Bình luận (0)