Theo các nhà chuyên môn, do dịch bệnh nên hiện nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có khoảng lặng để suy ngẫm về tiềm năng và lợi thế phát triển sau khi đại dịch được đẩy lùi. Ngoài sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chính bản thân nghệ sĩ phải đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội.
Đến gần hơn với khán giả
Các chương trình sự kiện văn hóa nghệ thuật quảng trường, sân khấu thực cảnh như: "Ký ức Hội An", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức làng chài"; hoặc các chương trình nghệ thuật xiếc, âm nhạc như: "À ố show", "Show Charming, Đà Nẵng", "Hồn Việt"... là những loại hình nghệ thuật đặt người làm nghề phải suy nghĩ vì khán giả đã ngày càng khó tính hơn, khán giả giờ đây khó chấp nhận những chương trình giải trí trung bình, mà muốn xem những tác phẩm, chương trình được đầu tư chất lượng.
Một cảnh trong vở cải lương “Rạng ngọc Côn Sơn” do NSƯT Kim Tử Long dàn dựng
Số lượng và quy mô chương trình, sản phẩm NTBD cần phải được đầu tư hơn về chất, đặc biệt là các bộ môn: ca múa nhạc, kịch nói, hài, cải lương, xiếc, ảo thuật đòi hỏi phải mang tính giải trí cao mới thu hút được người xem.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng các loại hình nghệ thuật phải chuyển mình nâng cao cách tiếp cận với công chúng và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội.
"Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình NTBD sân khấu đến gần hơn với khán giả" - NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định.
Tuy vậy, NTBD hiện nay vẫn còn những mặt hạn chế. Nghệ thuật sân khấu đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. "Thực trạng thưa vắng khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Không ít sàn diễn kịch cứ trả vé, do dưới 50 vé không đủ "sở hụi" thì mở màn sẽ lỗ, đã khiến những khán giả nhiệt thành cũng hoang mang" - đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc tâm tư.
Một nghịch lý khác là một số ca sĩ, nghệ sĩ nghiệp dư hiện nay đã "thành danh" nhờ vào công nghệ tự lăng-xê. NSƯT Lê Tứ tâm sự: "Muốn phát triển NTBD thì phải xem trọng tính chuyên nghiệp. Khi nguồn lực không tương xứng thì khó mà phát triển".
Thực tế cho thấy đã có không ít chương trình nghệ thuật có nội dung sơ sài, rẻ tiền, thiếu tính giáo dục, thậm chí hết sức phản cảm nhưng lại đem đến giá trị thương mại rất cao. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và một số sân khấu xã hội hóa tại Hà Nội, TP HCM chưa được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn một cách tương xứng. Những bất cập này rất khó để đáp ứng mục tiêu nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn: "Các giải pháp phải dựa trên thực tế của từng địa phương, phải đi vào thực tế từng bộ môn nghệ thuật, để từ đó chọn đúng trọng tâm để đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc, đáp ứng ngay những điều kiện để phát triển".
Cơ hội quảng bá toàn cầu
Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Hoa cho biết cơ chế chính sách đối với nghệ sĩ đang có rất nhiều nghịch lý. Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người được tuyển dụng công chức, viên chức… một số loại công việc đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ tuyển dụng tối thiểu là đại học. Trong khi diễn viên múa ballet, chỉ cần mức trung cấp hoặc cao đẳng. Nếu để học xong đại học mới tuyển dụng thì thời gian cống hiến sẽ còn rất ít vì tuổi nghề diễn viên múa thấp.
Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM nếu tuân thủ theo nghị định tuyển công chức, đòi hỏi nghệ sĩ phải có bằng đại học mới có mức lương ổn định, làm sao trong thời buổi hiện nay có nghệ sĩ hát bội chọn nghề đồng thời cũng chọn hoàn tất đại học?
NSND Đinh Bằng Phi cho biết theo quy định hiện hành, diễn viên đóng vai chính trong vở hát bội cũng như các nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối… được chi trả 80.000 đồng/buổi tập. Diễn viên đóng vai thứ chính, nhạc công chịu trách nhiệm trong dàn nhạc… được trả 60.000 đồng/buổi tập. Diễn viên đóng vai phụ là 50.000 đồng/buổi tập. "Chế độ bồi dưỡng biểu diễn hiện nay không thể gọi là đủ sống, thì phát triển NTBD và công nghiệp văn hóa (CNVH) là không khả thi" - NSND Đinh Bằng Phi nêu ý kiến.
Bàn về sự phát triển của NTBD trong CNVH, NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại các cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại các giá trị lớn trên các nền tảng số.
"Không thể để các doanh nghiệp khởi nghiệp, các sân khấu xã hội hóa thuộc ngành CNVH cứ loay hoay tự bảo vệ mình trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền ngang nhiên. Chưa kể đến việc cho phép tồn tại trên nền tảng số nhiều sản phẩm ngoại lai, phản cảm với cảnh nóng, cổ xúy bạo lực và các chương trình game show, hài kịch dung tục trong nước cứ thâm nhập vào tận ngôi nhà của công chúng, thì sẽ rất khó mà phát triển CNVH" - NSƯT Ca Lê Hồng bức xúc.
Để đưa ngành NTBD phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể của từng lĩnh vực, trên cơ sở đó việc đề xuất các giải pháp sẽ thực tiễn và hiệu quả hơn.
Bình luận (0)