Quá đẹp! Quá bất ngờ! Nhiều người cũng nghĩ như tôi: "Đi xem trang phục của Sân khấu cổ tích IDECAF thôi đã gần đủ tiền vé!". Những câu chuyện cổ tích trên sân khấu IDECAF bao giờ cũng hấp dẫn và lộng lẫy. Trong đó, những nàng công chúa, chàng hoàng tử, mụ phù thủy… cứ hiện lên xinh xắn và thú vị qua những chiếc áo đầy sức tưởng tượng bay bổng. Chàng trai đã làm nên những chiếc áo ấy không ai khác là Ngọc Tuấn, người dường như không có tuổi, cứ trẻ mãi với thời gian…
Mơ mộng cùng con trẻ
Nhìn gương mặt của Tuấn, không ai nghĩ anh là một nghệ sĩ bởi rất bình thường, dễ lẫn trong đám đông. Bề ngoài giản dị vô cùng, vậy mà trong con người ấy chứa đựng một tố chất nghệ sĩ đến lạ. Giờ anh đã ở tuổi 50, vẫn đầy sức sáng tạo và thấp thoáng chất trẻ thơ trong giọng nói tiếng cười. Thì vậy, Ngọc Tuấn vẫn mặc áo cho những công chúa, hoàng tử, làm sao mà già cho được!
Chính trong cái chất trẻ thơ ấy, Ngọc Tuấn vẽ ra biết bao nhiêu kiểu trang phục cho nhân vật cổ tích do mình tưởng tượng. Điều này không phải nhà thiết kế nào cũng làm được, đặc biệt trang phục cho những nhân vật thú thì rất hiếm người chạm vào.
Ngọc Tuấn (phải) với mẫu thiết kế trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa 31" của Sân khấu IDECAF
Ngọc Tuấn đúng là "của báu" ở Sân khấu IDECAF. Sân khấu này thật sự rất "cưng" Ngọc Tuấn, tạo điều kiện cho anh tha hồ sáng tạo. Ngọc Tuấn cũng yêu thương ngôi nhà IDECAF, tận lực làm việc, tiết kiệm tối đa cho sân khấu này, không hề ỷ thế làm eo. Bởi với anh, ở đó còn là câu chuyện dài về tình nghĩa: "Ngày xưa, tôi là diễn viên múa cùng thời với Tấn Lộc. Gặp Huỳnh Anh Tuấn, anh kéo tôi về Đoàn Múa rối TP HCM làm vài năm. Khi anh thành lập Sân khấu Kịch IDECAF, tôi cũng theo luôn. Tôi tham gia diễn rối, dựng các màn múa nhưng vì thiếu người nên mon men làm thử trang phục. Ai ngờ làm ra coi cũng được, vậy là được giao luôn".
Kịch IDECAF thành lập 22 năm, cũng chừng ấy năm Ngọc Tuấn theo nghề thiết kế trang phục cho nhân vật vở diễn. Mỗi ngày anh càng sáng tạo hơn, giỏi nghề hơn. "Tôi có thuận lợi là diễn viên múa nên biết các động tác nào sẽ làm căng vải, nghệ sĩ không thoải mái. Tôi chọn những loại vải và vẽ kiểu cho phù hợp. Có lần, nghệ sĩ Thành Lộc đóng vai con tôm, khi diễn xong, mồ hôi ướt cả người. Tôi thương quá, nhất định phải tìm chất liệu khác để may thay thế. Tôi cố gắng cải tiến sao cho anh em nghệ sĩ thoải mái nhất khi diễn. Chỉ khổ là khi làm trang phục cho các con thú phải dùng những vật liệu như mouse, giấy, nhựa, để định hình đường nét. Nếu thấy nóng nực thì phải nghĩ cách xẻ làm sao cho có những khoảng hở để nghệ sĩ mát hơn" - anh bộc bạch.
Khi thiết kế cho các vở kịch lấy bối cảnh Thái Lan, Campuchia, Nga, Nhật, Trung Quốc hay các nước phương Tây…, Ngọc Tuấn thường làm khán giả ồ lên thích thú. Anh quan sát và tìm tòi, học hỏi từ tư liệu nhưng phải "phăng" thêm rất nhiều mới gọi là sân khấu. "Phăng" làm sao cho đúng với văn hóa quốc gia đó nhưng lại phải bay bổng, phong phú thêm lên.
Trong sự thành công của mình, Ngọc Tuấn không quên ơn đạo diễn Đoàn Khoa: "Chính anh ấy cho tôi chiếc chìa khóa làm nghề. Đoàn Khoa dựng rất nhiều vở cổ tích cho IDECAF lúc mới thành lập. Anh nói với tôi rằng em đừng tham quá, đừng rườm rà, chỉ cần nhấn một điểm mạnh là sẽ nổi bật. Tôi mang ơn anh vì điều đó".
Những bộ trang phục cầu kỳ, bắt mắt do Ngọc Tuấn thiết kế cho " Ngày xửa ngày xưa 31"
Thử thách nhân vật lịch sử
Ngọc Tuấn nói không nhớ rõ mình bước sang thiết kế trang phục cho các vở kịch người lớn tự hồi nào. Hơn 200 vở từ rối cho tới cổ tích và người lớn, làm sao nhớ hết. Chỉ ấn tượng với những vở kịch lịch sử như "Bí mật vườn Lệ Chi", "Ngàn năm tình sử", "Vua thánh triều Lê", "Tiên Nga" và những vở khác: "12 bà mụ", "Tấm Cám", "Đèn lồng đỏ cao cao", "Người đàn bà đức hạnh"… Anh chuyển tông từ màu sắc rực rỡ của trẻ con sang thanh nhã, sang trọng, cứ như một nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Trang phục nhân vật trong "Bí mật vườn Lệ Chi" với hai màu đen trắng rất đẹp, khiến họa sĩ Sĩ Hoàng ưng ý, bèn góp một tay là vẽ những họa tiết trên áo. Ở "Ngàn năm tình sử", đạo diễn Thành Lộc đòi chất liệu lụa cho mềm mại. Tuấn suy nghĩ lụa thường rạn ở đường may, thế là anh lang thang đến các chợ tìm chất liệu thay thế. Thấy vải phi, lộn bề trái lên sẽ không bị bóng mà vẫn mềm mại như lụa, trông sang trọng vô cùng, giá lại rất rẻ, anh mừng quá mua về. Thành Lộc lại đòi cảnh mở màn lấy bối cảnh làng gốm thì trang phục phải mang màu của gốm, còn khi vào triều thì phải màu vàng của hoàng gia. Ngọc Tuấn bèn nhuộm tất cả 6 màu cho 600 m vải, từ tông xanh của gốm tới tông màu vàng kem của triều đình. Lung linh và thanh nhã.
Ngọc Tuấn luôn cảm ơn Tổ nghiệp đã phù hộ anh, cảm ơn những nghệ sĩ giỏi đã gợi ý cho anh như: Thành Lộc, Đình Toàn… Những gợi ý đó giúp người thiết kế hiểu ý đồ đạo diễn, hiểu vở diễn hơn, dễ thành công hơn. Ngọc Tuấn biết ơn cả những tiền bối như Công Minh đã giúp anh khi thực hiện đúng đường kim mũi chỉ, may ráp rất đẹp.
Ham học hỏi
Ngọc Tuấn thường xuyên đi xem kịch, cải lương lẫn hát bội. Hầu như vở nào phúc khảo cũng có mặt anh. Còn hội diễn thì Ngọc Tuấn bám sát từng buổi, thậm chí tổ chức ở miền Bắc anh cũng theo ra xem cho bằng được. Anh cười tươi: "Tôi mê sân khấu chứ không chỉ mê thiết kế. Xem đồng nghiệp diễn để học hỏi, biết sân khấu đang trong tình trạng thế nào. Tôi còn qua Mỹ xem nhiều sô diễn nữa. Mình làm nghề thì yêu cho tới chết!". Trong nụ cười của Ngọc Tuấn luôn sáng ngời nét vô tư, không phân biệt sân khấu của mình hay của bạn. Anh cứ vô tư yêu, vô tư khen ngợi và vỗ tay nhiệt tình.
Bình luận (0)