xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngư phủ núi xa

Bài, ảnh NGUYỄN HÀNG TÌNH

“Tỉnh giấc nhìn quanh rừng nước đổ Sơn hà rơi rụng bến ngao du”

Lá bép, lá nân, nấm lùn, nấm cao, nấm trắng, nấm nâu, nấm xám, măng le, măng lồ ồ, con mối, con ong, con cua, con ốc..., ngài đều ăn sạch. Thứ gì bay trên trời, cây gì mọc trên đất, con gì bò trong cây, bơi trong nước mà không độc, ngài đều thực nghiệm, xơi cả. Ngài tinh tường, rành lõi, điệu nghệ thức ăn của rừng như dân thượng bản địa. Đó là "quả" của một cuộc lưu đày.

MỘT CÕI HỒ RIÊNG

Ngài tự lưu đày vào những hố nước giữa rừng hoang như thế này. Hết con hồ này đến con hồ kia, mà toàn phải hồ trong rừng ngài mới thích. Ngài sống ở đấy, cho đến khi có những con hồ tự nhiên hóa thành cái ao, phố thị mọc lên, phân lô bán nền sục sôi, vây quanh, ngài vẫn cứ đánh. Khi nhận thấy bê-tông bên trên mặt nước kia trở thành thứ gì đó quá nhiều và xa lạ, ngài lặng lẽ chở chiếc xuồng ra đi. Ngài đến hồ nào cũng tự nhiên mà ra đi cũng tự nhiên, tất nhiên ngoại trừ những con hồ thiên nhiên bỗng một ngày hóa có chủ, thành của tư nhân "nhà đầu tư". Ngài cũng chả cần biết lý do gì một hồ nước ông trời tạo ra, ngàn triệu năm, phúc lợi chung, nó lại trở thành của riêng một người. Ngài vẫn cứ nghĩ là, kệ, cứ đi đánh cá cho đến khi không còn hồ nước nào là của chúng sinh. Ngài hiểu thế giới hồ trong rừng mà không hiểu gì thế giới thế gian. Đến một mặt nước lạ, thả xuồng thong dong, ngài nhận ra đã có tay đánh cá nào đụng vào đây chưa. Lặn xuống một lòng hồ lạ, sau vài buổi như thế, ngài biết hồ này chủ yếu những cá gì sinh sống. Đường nào lóc đi, chỗ nào chép tụ, luồng nào tôm tép chạy…, ngài cảm được ngay. Vài ba cơn mưa đổ xuống, ngài bắt đầu ngồi cười như trẻ thơ, vì ngài biết chắc cá sẽ theo luồng nước đục dồn về đó để đi ăn. Y như rằng, sáng ra ngoài xách một lúc hai giỏ cá rời khỏi mặt hồ,vào bất cứ chợ bon (tương đương "làng" của người Kinh), xóm, xã nào mà bán.

Ngư phủ núi xa - Ảnh 1.

Ảnh: VÕ TRANG

Ngư phủ núi xa - Ảnh 2.

Ngài làm rung vang le lói cái hoang lạnh thường hằng của núi rừng.

Nhưng đời thế có buồn không, ngài!? Lẻ loi quá, quạnh quẽ quá, cô đơn quá. Như những buổi chiều tà mưa đổ xuống từng sợi nước như màn trúc nơi ở chòi giữa mênh mông nước và lòng hồ mù sa không thấy gì bên trên nữa, ngài nhìn ra. Cái nhìn đó, là nhìn vào vật thể nào, điều gì vậy. Là những đêm, bóng đen trùm xuống núi rừng, tất cả là một khối ẩm khổng lồ chế ngự, cùng tiếng côn trùng, quái thú dưới nước, trên bờ cùng tấu lên như thế ngài không thấy buồn sao!? Ngài đem cái tấm thân bèo bọt của ngài nhúng vào nó như người ta nhúng thịt trong nồi giấm. Ngài đã thành người M’nông bản địa, ở cao nguyên M’nông (tỉnh Đắk Nông) này rồi. Mà ngài sống còn heo hút hơn cả họ. Hằng ngày, họ vào rừng rồi về lại bon, ngài thì ở luôn ở đó. Nhiều khi cứ nghĩ chiếc bè của ngài cất trên mặt hồ như cái cốc của một tu sĩ Phật giáo.

Tôi không hiểu ngài đang đi đánh cá hay thiền định, chánh niệm về rừng núi, vũ trụ, kiếp người. Dĩ nhiên, ngài không thể thoát tục, vì ngài vẫn còn đánh cá, nghĩa là sát sanh và vẫn đi chợ, uống rượu, ăn mặn. Với cái cuộc sống và thế nhân nhiều ô trọc như bây giờ, như ngài đã là cuộc đời quá thiện, quá chân chính, quá lành và quá thật. Ngài chỉ lẩy, nhặt lấy những con cá lớn dưới nước kia để kiếm sống, mà cá trong rừng thì là của rừng, lớp này già đi, lớp kia sinh ra trong chu kỳ khá ngắn. Và ngài còn biết thả những con cá nhỏ xuống cho nó sống, chỉ bắt những con cá to, thế đã là biết sống. Vì vậy mà ngài đánh cá bằng câu, chỉ nhằm vào cá lớn, mà không dùng lưới, chích điện, chài, rớ. Ngài là người duy nhất trong rừng chuyên làm cái việc không ai để ý là chôn xác thú chết, trâu, heo và cả những hài nhi mỗi khi thấy nó lình phình thối rữa trên mặt nước. Lý do của những xác chết không cần biết, chỉ biết là nên chôn.

***

Hằng ngày, ngài loay hoay trên hồ nước lạ. Buổi sáng, ngài đi bán cá ở các chợ chồm hổm ở bon, xóm, xã, thị trấn cách nơi ngài đánh cá mười đến hai lăm cây số. Nửa buổi, ngài quay về đi thả rúm, đú để kiếm con mồi và chỉnh lại dàn câu. Cá trắng, tôm đi ăn cả ban ngày, khác với cá lớn chỉ đi ăn ban đêm. Qua trưa, ngài thả xuồng đi xổ tôm, cá trắng trong các cái rúm, đú để mang về. Ngài ngồi giã ra làm mồi. Ngài tranh thủ uống chút rượu vào những lúc mỏi tay, ngồi nhìn ra hồ nước. Những con lóc, con bống tượng chết, không thể bán cho người ta trở thành khô để ngài nhâm nhi những lúc này. Có khi là một mình ngài với nồi lóc nấu măng rừng, lá rừng. Những giọt rượu đó có thành tiên tửu, hay sầu miên man tửu chỉ ngài mới rõ. Kẻ cơ hàn ngồi uống rượu mà cứ như tiên ông trên hồ nước ở thiên đường. Trạng thái ngồi độc ẩm năm này tháng nọ là thượng thừa lắm đó. Mà cũng chẳng hiểu sao, thi thoảng có những cô gái giang hồ ở bên trời biên viễn, từ các công trình khai khoáng, thủy điện, thị trấn "đặt vấn đề" khi thấy ngài đi bán cá bên ngoài, mong xuống xuồng cùng ngài uống rượu, vì họ cho rằng ngài và họ đồng cảnh ngộ. Một bóng hồng trên chòi cô liêu này cũng lung linh ra phết chứ! Thế mà bao giờ ngài cũng lắc đầu cảm ơn, nói "không". Gái giang hồ dạt lên núi này xin cá để ăn thì ngài cho, thậm chí lựa con cá tươi ngon nhất, như ngài thường dành cho những người M’nông bản địa vậy.

Ngài khóa con người của mình lại, bằng cái ổ khóa là không coi cái gì tham cầu.

Cái chòi trên mặt nước kia đi đâu đó chừng một tuần quay về là mọi thứ đồ đạc không đáng giá kia vẫn biến mất. Cứ mỗi lần thế, ngài đều biết ngay kẻ lấy là tay người Kinh nào đó nhập cư mới từ phía Bắc vào. Người M’nông bản địa rất ghét trộm cắp, chẳng bao giờ lấy của không phải của mình. Loại người mới đến ấy không biết đánh cá, họ vào Tây Nguyên chỉ mục đích có rẫy tiêu, rẫy cà phê thật to, bằng việc phá rừng. Thế mà đùng một cái, một ngày thấy họ cũng thả xuồng đi câu, bằng chính dàn câu của ngài. Rừng núi bao la, hồ nước mênh mông, thế mà họ thả những dây câu sát ngay cái bè của ngài. Người ta còn lặn xuống xẻ thủng cái đú của ngài để cho cá không đọng lại. Sự hung tàn cũng có nỗi đau khổ của nó, là Nghiệp, bỏ qua cho họ đi. Ngài động viên mình. Nhưng giữa Tây Nguyên xáo động như bây giờ, chỗ nào thì vắng họ!? Mất dàn câu, ngài khởi động lại từ đầu, đi mua cước, mua lưỡi, mua chì, phao về ngồi tạo dàn mới.

Chu kỳ sinh hoạt của ngài cứ lặp đi lặp lại như thế, và ngài chỉ ngủ được hai đến ba giờ trong một ngày, đó là khoảng thời gian tranh thủ chợp mắt để đến những thời điểm phải đi thăm câu, gỡ cá kẻo nó chết. Nên không thể gọi nghề của ngài là nghề không ngủ, mà chỉ có thể là nghề ngủ gật.

DU NGƯ

Cuộc đời này, ngay cả như ngài, mà muốn sống hồn nhiên cũng khó. Chiếc lá cây trên cành mà còn chưa yên, huống chi ngài cũng có di động. Những mặt hồ cùng ngài cộng khổ. Khổ để sống đẹp. Đó là khi bỗng một ngày ngài cũng nghĩ ra cách để đánh cá ở một con hồ lạ được yên, là phải biết lấy cá để hối lộ người đời. Ngài đã mang cá biếu cho loại người thảo khấu, kiểm lâm, chủ các lâm trường đang có nhiệm vụ quản lý những không gian rừng đó, trưởng thôn, chủ bon và chủ các rẫy nương ở bên trên. Bọn xấu cũng bao lần mang xuồng của ngài giấu đi, mà với ngài đó là phương tiện để xuống nước. Sau bao năm thấm đòn, giờ mỗi lần muốn lên bờ là ngài mang xuồng đưa ra xa nhận chìm. Khi về thì bơi ra lôi xuồng lên.

Ngài cũng không thể đáp một chiếc thủy phi cơ xuống được một mặt hồ mà trên đó nó chở được chiếc xuồng đánh cá cùng nồi niêu, can thùng, lều bạt và chiếc xe máy cà tàng đi bán cá nên nhiều khi, nhắm một hồ nước không đánh được nhiều tháng, ngài dựa vào một tàng cây lớn sát bờ để ở. Mưa gió bất ngờ ập tới thì ngài kéo chiếc xuồng lên, tìm điểm tựa ở cây xanh quanh đó và lật úp lại làm mái nhà mà trú. Ngài co ro như con thú gặp mưa. Bây giờ thì nghe mưa tí tách dưới đáy xuồng và nhìn nước nhảy ngoài lá cây. Vậy mà ngài vẫn thấy cảnh sống này bình thường. Bằng chứng là mùa khô, vẫn thường kéo chiếc xuồng lên làm nhà như thế, che nắng để nghỉ trưa.

Phần nhiều là ngài du ngư. Chỗ nào khó sống quá ngài lại ra đi, tìm cái hồ ở nơi xa hơn, rừng sâu hơn. Thì ta cứ lụi xuống để cho người đời chói sáng. Hung tàn thường mạnh và thu lợi hơn thiện lành. Mỗi lần di chuyển hồ là để lại một căn chòi bé con thân thương như thế. Ngài tan biến. Đi như thế, ai bảo mặt hồ kia không buồn. Là, ngài bỏ tất cả thứ gì cần thiết nhất trên chiếc xe máy để chở đi. Tới vùng rừng núi nào thì đốn lồ ô làm một cái chòi mới trên mặt nước. Chưa cất được chòi thì bơi ra cù lao giữa hồ trải tấm ni-lông mà nghỉ, ngủ. Rắn rết hình như ngửi thấy mùi của ngài giống nó nên hiếm khi ngài bị cắn. Chỗ nào dù rừng núi mênh mông, sở hữu toàn dân thì dễ nhưng nếu chen vào dăm ba nương rẫy của người ta thì khó đây! Thế nên, nhiều con hồ ngài phải "mua đường" xuống mặt nước, dù đường đi chỉ cần rộng đủ lọt bàn chân, kể từ đỉnh đồi. Đánh cá chỗ có rẫy người Kinh, họ nghi ngờ ngài vì sự đột nhiên xuất hiện của ngài và không tin vào sự thường trực của ngài ở hồ nước dưới kia, lại còn thêm cái hình dạng khắc khổ dị tướng của ngài nữa. Ngài lạy họ, thề ở sự trong sáng của mình, chỉ đánh cá thôi. Nghiệt ngã vậy mà chẳng hiểu sao ngài cứ vượt qua tất cả, đến giờ vẫn kiếp du ngư được, vẫn lù lù trên những con hồ miền thượng. Những trái sầu riêng, bơ, măng cụt, xoài, ổi… rụng ngay sát chỗ ngài cắm xuồng vẫn còn nguyên, thì loại người nào trên đời còn có thể nghi ngại ở ngài nữa. Chẳng thế mà có thời kỳ quá nhiều nơi xua đuổi, ngài còn liều thân nhảy vào hồ ở trong vùng cấm ở biên ải Việt Nam với Campuchia để đánh cá kia mà.

***

Tôi biết ngài là dân miền Tây dưới hạ nguồn Mê Kông kia. Nghĩa rằng, đánh cá là chuyện nhỏ. Nhưng hai mươi năm vật lộn với núi rừng cao nguyên, ngài mới nhận ra thế giới non nước miền thượng mới thật sự là bí ẩn, muôn hình trạng thái. Nó không có quy luật nào cả ở mỗi con hồ, mỗi cánh rừng, mỗi thung sâu, mỗi sinh cảnh và mỗi làng người. Ngài không thể nối hàng trăm con hồ ở cao nguyên M’nông này lại. Nó không thẳng băng một con nước và cứ vậy mênh mông như dòng sông Nam Bộ. Cá ở rừng, đâu giỡn chơi.

KIẾP ĐÁNH CÁ

"Chim trời, cá nước", trước một kẻ vô sản, sống nơi trùng điệp núi rừng nhưng không sở hữu được tấc đất nào. Truyền thông nhà nước hay đưa tin, rằng kẻ này kẻ nọ nhập cư lên Tây Nguyên màu mỡ, xúi đồng bào bản địa đi phá rừng để bán miếng đất lòi ra cho mình mở rẫy. Vài mùa, là họ hữu sản, có vườn tiêu, rẫy điều, cà phê to. Nhưng ngài không làm thế. Ngài ngốc dại, thiếu thực tế.

Ngư phủ núi xa - Ảnh 3.

Nhưng ngài có mặt ở Tây Nguyên không phải vì cá mà cũng chẳng vì mơ sơn mộng thủy. Cú bạt tai vào mặt vị bí thư xã, rồi bạt tai tiếp tới vị bí thư huyện bởi các ông lấy phần đất "10%" (vào thời bao cấp) của ngài khi ngài nhập ngũ, ra chiến trường, đi bộ đội, để giao cấp cho người khác khiến ngài tự bứng mình ra khỏi cội quê, dù đất đó là của ông bà ngài lâu đời bị sung vào tập đoàn sản xuất. Ngài cho đó là bất công. Người lính chiến trường K oai dũng, từng tự viết thư xin đi lính, đi đánh lũ diệt chủng Pôn Pốt cứu dân nước khác nhưng không cứu được 1,5 sào đất chỉ tiêu của mình, trên quê hương mình, vào ngày trở về, xuất ngũ và chứng kiến sự thật.

Từ đó, ngài bỏ quê xứ Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre; bỏ luôn nghề đánh cá trước đó mà lênh đênh đi làm ruộng thuê tận miệt Bạc Liêu, rồi đáo lên Long An nhiều năm trời. Ngài định sống luôn kiếp tá điền, vậy mà một ngày nhận được thư nhắn của người con gái cùng làng xưa giờ theo cha lên cao nguyên mở rẫy gửi về nói vẫn còn thương nhớ ngài. Vốn bản lĩnh, thế mà ngài nhảy núi ngay vì tình. Thôi thì thoát khỏi sông nước, từ nay được sống trên cạn, làm rẫy, trồng cà phê, không phải đánh cá nữa. Ngài sống như kẻ làm thuê ở rẫy nương của bên vợ. Năm năm lấy nhau, hai đứa con trai ra đời, nàng bỏ ngài. Ngài bảo: "Ta đã sập bẫy tình"! Ngài nhảy xuống hồ Nhơn Cơ… đánh cá kiếm cơm. Bỗng một ngày hồ Nhơn Cơ thành bể hứng đại công trình khai khoáng bauxite Nhơn Cơ, ngài cõng con và cõng xuồng đi tìm con hồ thật xa để đánh, cho đỡ nhục. Đầu tiên là hồ Thọ Sơn ở Bình Phước. Hồ Thọ Sơn quá bé để đủ cơm áo cho cha con ngài, ngài tìm cảnh nổi trôi ở hồ Thác Mơ. Nước có thủy công, hồ có hà bá, ma cũ bắt nạt ma mới, ngài bị xua đuổi khỏi Thác Mơ, bởi "đồng nghiệp". Ngài quay lại cao nguyên M’nông, tìm vào những hồ trong rừng thật sâu, sát với biên giới Campuchia. Và ngài nhận ra chỗ heo hút mới là không gian dành cho người hồn nhiên, lương thiện, không khả năng tranh chấp. Ngài "quy hoạch" đời mình đúng thật, hai mươi năm qua, ngài sống được hồn nhiên. Ba cha con ngư phủ của ngài hẳn đã làm lay động bao cánh rừng, con hồ, trong những năm tháng cùng nhau trên nước. Ngài tự thấy không thể để hai đứa con bồng bềnh theo thế nữa, và mù chữ, rồi ngài đã cho nó được "định cư" trong một căn nhà cấp bốn cất nhờ trên đất người ta ở Nhơn Cơ, sau khi thấy đứa đầu đủ lớn để chăm đứa nhỏ. Ngài chỉ việc đánh cá và chuyển cá thành tiền, vào thẻ ATM để nó tự đi rút chi tiêu. Ngài càng vắng nhà thì chúng nó còn có cơm để sinh sống. Ngài bảo một ngày không đi đánh cá là một ngày không bơm được dinh dưỡng từ xa về cho con.

Ở đâu đó, có bóng dáng lý do ngài sợ đàn bà.

Ngài không để ý đến tuổi năm mươi ba của mình.

Có hai con người trong ngài, một là kẻ muốn siêu thoát, một là thằng đàn ông nặng nợ đời và con. Nên đi đánh cá, ngài vừa như giỡn, bất cần vừa như rất cơ cầu, chú tâm; vừa mơ và vừa hiện thực. Những hồ nước lẻ loi ở cao nguyên M’nông này cứu cha con ngài. Mà không chỉ cứu, nó là bạn, là tri kỷ, vỗ về tâm hồn mong manh của ngài.

***

Hơn trăm con hồ đã in bóng của ngài, nào Ea Bột, Đắk Nhau, Đắk Ngo, Quảng Trực, Minh Hưng, Sông Lấp, Ngã ba Đông Dương, Bảng Trắng, Đắk Ha, Đắk B’lao, Đắk Búk So, Cư Jut, Đắk Nông, Nâm N’jang, Đức Mạnh, Trường Xuân, Đắk Rung, Quảng Khê, Đắk Mil, Đắk Nia, Đắk Song, Đắk Glong..., và bao nhiêu hồ không tên khác. Có những con hồ ngài bất ngờ quay lại, có những con hồ ngài vĩnh biệt luôn. Con hồ nào ngài vĩnh biệt, biết ngay là con hồ ngài quá đau khổ ở đó.

Làm sao tôi quên những đêm hai giờ sáng đi đánh cá với ngài ở các hồ vùng biên giới giáp Campuchia. Chiếc xuồng con kia cố đi về phía thượng nguồn, chen qua những rặng sung, lộc vừng, tiệm cận cho được đám lau sậy, cỏ lùng, cỏ voi nước, trâm nước, dâu đất um tùm để tìm con lóc. Mưa nguồn trút nước, ngài như con chuột lột, thèm điếu thuốc mà không thể đốt và núi rừng hoang vu tím tái sầu. Ngài lầm lũi thả câu, mắc mồi, rồi gỡ cá. Cá nhảy tưng lên, vậy mà vẫn không xua được sự quạnh quẽ. Tôi không thể sống năm này tháng nọ như thế ngài ạ. Ngài thì bảo, đời thế mới vui!

Vui ư, thế mới thấu thì có. Một cuộc đời ngoạn mục. Nguyễn Thanh Sơn à, cho tôi được gọi ông là ngài vậy, vì chưa hẳn các chính trị gia, tổng thống hay những tỉ phú đạo mạo, diễn kịch lý trí trên mặt đất này sống đúng với tâm hồn mình, có tư cách rốt ráo của một con người, xứng đáng để tha nhân gọi là ngài.

Kẻ cơ hàn ngồi uống rượu mà cứ như tiên ông trên hồ nước ở thiên đường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo