Cuốn sách mở đầu bằng bối cảnh đầy ám ảnh từ giấc mơ của đứa con nghe thấy người cha nói chuyện. Điều bình thường nhất ấy hóa ra không thể xảy ra trong thực tế vì nhiều năm người cha bị mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ sau cơn tai biến mạch máu não.
Người cha tiếp nhận và hiểu được ngôn ngữ của người khác nhưng lại hoàn toàn không thể diễn đạt được ý mình, ngoài mấy tiếng a-o-a vô nghĩa. Những đứa con mệt mỏi khi cố chống lại thực tế đó, gắng sức luyện phát âm cho cha nhưng vô hiệu; trong khi người vợ luôn có tâm trạng cắn rứt, không chịu nổi ý nghĩ người đàn ông bình thường là chồng mình bỗng dưng khuyết tật. Nỗi ám ảnh về sự bất bình thường đè nén nặng trĩu xung quanh người vợ tội nghiệp. Bà chẳng khác nào một võ sĩ vung loạn xạ nắm đấm, kiệt sức với bốn bức tường vây kín mà không cách gì đánh đổ.
Bìa cuốn sách "Người cha im lặng"
Không ai trả lời được câu hỏi: Người đàn ông giam mình trong sự yên lặng mất ngôn ngữ ấy là ai? Ông ta thực sự cần gì từ thế giới và những người xung quanh? Bi kịch của một gia đình nhập cư và những thân phận lang thang, vong thân trên khắp thế giới dần lộ ra theo từng trang sách.
Việc mất ngôn ngữ của người cha lại chính là hành trình tìm về nguồn cội, gốc gác, quá khứ, ông bà, tổ tiên của những đứa con. Cũng rất bất ngờ, thế hệ con cái phát hiện những bí mật động trời của gia đình và góp phần hòa giải cho những bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, những xung đột rất đỗi đời thường.
Tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Pháp. Đoàn Bùi là một cây bút được đánh giá cao trên đất Pháp, một trong những niềm tự hào của văn chương Việt bên ngoài biên giới. Năm 2016, Đoàn Bùi đoạt giải Amerigo - Vespucci và giải Porte Dorée với tự truyện "Người cha im lặng". Trước đó, năm 2013, Đoàn Bùi từng đoạt giải Albert Londres với phóng sự "Les fantômes du fleuve" viết về hành trình của những người tị nạn vào châu Âu qua biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Sinh ra và lớn lên tại Le Mans thuộc vùng Pays de la Loire - Pháp, Đoàn Bùi không sử dụng được nhiều tiếng Việt. Sự nghiệp báo chí và văn học của tác giả hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
Qua cách chuyển ngữ của nhà văn - dịch giả Thuận, những áng văn trong tiểu thuyết "Người cha im lặng" hiện lên vừa mang đầy màu sắc triết lý kiểu François Jullien (nhà văn - triết gia người Pháp) vừa đẹp một cách bi thương, xót xa, đớn đau nhưng vô cùng lộng lẫy.
Bình luận (0)