Gánh Tạ Hiển nghe đâu phải bỏ ra quá nhiều chi phí để thuê tàu, sang Nhựt còn phải thuê rạp, lo chạy quảng cáo, lại còn phải lo ăn lo uống cho mấy chục con người, bao nhiêu chi phí đổ đống vào đấy. Người Nhựt thì có vẻ như còn e dè, chưa tin vào cái gánh xiếc rong của mấy người khách An Nam nên khách tới xem xiếc ngày càng rơi rụng dần. Mà đâu có phải dở cho cam. Trước khi đi lưu diễn tận ngoại quốc, đoàn đã tập thêm bao nhiêu tiếc mục mới đặc sắc, nhất là các tiết mục xiếc thú, lại còn phải ra sức hoàn thiện các tiết mục cũ. Trước khi đi, ông Tạ Hiển, chủ gánh, bảo sang đó chắc chắn dân Nhựt Bổn sẽ lé mắt cho mà xem. Vậy mà mọi thứ cứ tàn dần như ngọn bấc cạn dầu. Ông Tạ Hiển nhiều đêm lắc đầu ngao ngán, rồi cái gì đến sẽ đến, ông bảo với mọi người, mình phải quay về thôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Đó là một buổi chiều buồn bã như bao cái buổi chiều buồn bã của đất An Nam đang bị bọn Tây chiếm giữ. Họ lếch thếch kéo nhau về nước. Ông Tạ Hiển phải bán hết mấy căn nhà cha mẹ để lại, phải vay thêm tứ xứ mới trả được một phần nợ. Rồi tuyên bố, gánh hát giải tán. Mỗi người đi về một ngả.
Rồi toàn quốc kháng chiến nổ ra, không hiểu sao cái người chăn kiến tài hoa lại lưu lạc đến tận đất Minh Huy khỉ ho cò gáy này, đúng hồi cả làng tôi chạy giặc từ biển lên. Chuyện kể cứ như huyền thoại. Những con người từ tứ xứ gặp nhau nơi đất khách, giữa thời loạn ly, hoàn cảnh na ná, trước lạ sau quen, rồi thân thiết. Buồn tình, nhớ rạp xiếc, người chăn kiến suốt ngày vẽ những đường kỷ hà lạ mắt trên nền đất, rồi mở cái hộp be bé xinh xinh sơn đủ màu sặc sỡ ra. Từ chiếc hộp, những chú kiến tuần tự bò ra. Lạ, những chú kiến xếp thành hàng dài theo đúng những đường kỷ hà ông chăn kiến vẽ sẵn. Rồi ông gõ lên thành hộp những tín hiệu lạ. Lập tức bầy kiến ngoan ngoãn lần lượt chui hết vào hộp nhưng theo thứ tự ngược lại. Rồi ông xóa xóa cái nền đất vừa bài binh bố trận cho bầy kiến, dùng chiếc que tre gạt đám đất bột, tạo ra một nền đất bằng phẳng khác cách xa cái trận đồ cũ. Ông mang chiếc hộp tới. Lại gõ mấy tiếng là lạ rồi mở chiếc hộp. Thật lạ, cái đàn kiến ấy lại đi như lặp lại nguyên xi những đường kỷ hà vừa vẽ ra lúc nãy.
Ba tôi tròn mắt ngạc nhiên đứng ngó trân trân. Ông chăn kiến bất giác tiến lại gần, vỗ vào vai ba tôi: "Thích lắm hả? Muốn học không?". Sau mấy giây sửng sốt trợn mắt nhìn ông ta, ba tôi lia lịa gật đầu. Vậy là ngoài mấy buổi được ông già dạy xiếc dạy chữ chung với đám trẻ con vừa tản cư vừa dân bản địa, ba tôi còn theo ông thầy học thêm nghề "chăn kiến"… Rất tiếc, ba tôi chỉ lãnh hội được cái nghề khác chứ không phải nghề chăn kiến. Bù lại, người chăn kiến đã có người học trò khác là bạn của ba tôi.
Sau đó, làng bị tàu bay Tây đến bỏ bom. Nhà cửa cháy gần hết. Xóm có mấy người chết. Thầy bị Việt Minh bắt đi vì nghi… làm nội gián cho Tây. Hỏi, người ta bảo thì hắn đã vẽ ra những ký hiệu đặc biệt cho bọn Tây đem máy bay đến bỏ bom! Trời ạ, máy bay mà nhìn ra cả đàn kiến bò trên đất thì quả là kiệt xuất. Có điều ông thầy vẫn cứ bị. Mấy tháng sau, ông được thả về nhưng không còn dạy kiến nữa. Cái hộp cũng bị ai lấy mất. Gần đầu tháng 1 năm 1948 thì ông bỏ đi mất. Có người bảo ông về theo gánh xiếc Tạ Hiển mới khôi phục và đang lưu diễn ở mấy vùng tự do ngoài khu Bốn.
2. Sinh thời, ba tôi hay nhắc đến cái làng quê hồi ông chạy tản cư giặc Pháp ấy. Cả ông bạn là học trò của thầy chăn kiến lạ lùng. Là nó đây! Là cái làng mà một thời ông với mấy người bạn cùng lớp đi học năm cuối tiểu học từng kéo nhau chạy để lừa máy bay bọn Tây, để rồi tất cả cùng chui hết vào một cái cống sâu hun hút trên quốc lộ đến khi bọn máy bay quần đảo một thôi, bắn súng máy um trời rồi cũng bỏ đi. Đến lúc quay lại thì ôi thôi, gạo muối tung tóe, các hũ mắm định mang lên trường ăn mấy tháng đã vỡ toang hoác. Mọi thứ vung vãi mỗi thứ mỗi nơi như bao nhiêu cái viễn cảnh tơi bời của những ngày đói khổ sắp tới. Ra là nơi ấy cũng gần quốc lộ thôi, chỉ hơi hoang vắng và toàn đồi đất đỏ lúp xúp.
Thằng bạn học tôi bảo lên cái đồi sau nhà tau nhìn xuống thấy cả biển Ngang! Tưởng mi đi khảo sát để làm du lịch chứ?... Tôi bảo, sao mi nói vậy? Hắn bảo, thì có mấy "ông quan" lên đây nhắm nhắm ngó ngó và phán rằng sẽ làm du lịch, rằng mi đây sẽ thu bộn tiền. Rứa là bọn dân ngu khu đen bọn tau cứ ngóng miết xuống… đường Một.
Thân thiết với hắn bao nhiêu năm kể từ ngày gia đình hắn tản cư xuống Hội An. Quê hắn xa nhất, tận đâu phía Nam của tỉnh, không hiểu sao lại tản cư ra tận Hội An? Mấy lần định hỏi căn cớ nhưng rồi lại quên mất. Có đôi khi chỉ một câu hỏi người ta lại quên đến bốn - năm chục năm trời, đến khi kịp nhớ đã thành chuyện… trăm năm, chẳng còn giá trị gì, có khi còn nhạt nhẽo và vô duyên nữa. Thằng bạn chở tôi chạy dọc theo mương thủy lợi rồi rẽ vô mấy con đường đất chạy loằng ngoằng quanh các đồi trồng bạch đàn xen lẫn keo lai. Nơi đây hồi xưa bà con dưới mình chạy lên tản cư đó, họ ở khắp các triền đồi, tiếng hắn bạt trong gió. Dưới mình nào? Giọng hắn lạc đi, thì dưới quê! Quê nào? Ừ, thì ông già tau quê Duy Xuyên mà, cùng quê với mi, cũng gần biển đó, mi không biết sao? Hồi chạy tản cư qua Hội An là vì rứa. Câu trả lời cho năm mươi năm trời đơn giản là vậy. Ông già tau biết ông già mi đó? Sao biết? Thì cùng ở trong đám học trò chọc bọn tàu bay Tây bắn… nát hũ mắm hồi ấy mà! Hắn vừa nói vừa cười. Mấy ông già hồi xưa liều mạng thiệt.
Nghe hắn nói sao mà giống như tôi đang nói về ba tôi vậy! Tôi đảo mắt trông về phía đường Một. Cây xanh ngút ngát chẳng thể nào nhận ra nổi mức độ xa gần nhưng với thời gian tôi chạy xe máy từ quê vô đây nếu quy ra… đi bộ thì cũng ngút ngàn. Vậy mà hồi ấy toàn chạy bộ, còn quang gánh trên vai nữa. Cả gia tài chất hết lên đó. Giỏi thiệt. Chỉ có mi là tệ, bây chừ mới tới được đây! Tôi cười chống chế, nói tau bận quá! Bận gì, đã ngần ấy năm trời. Hồi ấy trai trẻ là thế, giờ đứa nào đứa nấy tóc bạc trắng cả rồi. Hồi ấy hắn vừa nhắc là hồi mới học sư phạm ra trường ấy mà. Cũng tổ trưởng tổ phó, hiệu trưởng hiệu phó nhì nhằng, rốt cuộc về làm anh giáo làng. Là vì ông già tau bịnh, nằm một chỗ mấy năm trời. Cái nghề chăn kiến, luyện phép hồi chạy Tây chẳng giúp được gì cho ông cả.
Hai tiếng "chăn kiến" rớt vô tai tôi nghe lùng bùng. Mi nói sao, chăn kiến à? Hắn cười ha hả, ừ chăn kiến, là biệt danh của ông già tau đó, còn thêm nghề hốt thuốc nam mấy chục năm nữa, khi ngã bịnh thì bảo, không khá nổi, giờ hết tin rồi! Rứa hả? Tôi buột miệng nhưng lòng lại nghe chao chát đắng. Giờ mình định đi đâu đây? Cho mi gặp một người! Ai? Người sinh thời muốn gặp mi đó mà chẳng gặp được. Tôi bỗng chợt nghĩ đến một người và đoan chắc rằng linh cảm của mình đúng nên buột miệng: Là ông già mi chứ gì? Ừ, ổng định gặp ông già mi nhưng rồi nghe tin ông già mi mất, ông già mất sớm quá nhỉ, nên thôi! Có gì không? Ổng định nói với ông già mi về bí quyết để…. huấn luyện kiến gì đó mà! Gạn hỏi mấy lượt ổng chẳng trả lời nên thôi. Tau có nhắn mấy lần sao mi chẳng thấy tới? Tôi ậm à cho qua chuyện bởi chẳng nhớ vì lý do gì mà mình chẳng tới được nữa. Tiếc thật, có khi biết được bí quyết này mi giàu lên không chừng, ít ra cũng được nổi tiếng! Tôi bật cười. Bao nhiêu thứ ngon lành hơn còn chẳng ăn thua gì, sá chi cái chuyện… chăn kiến! Giỏi lắm chỉ để làm xiếc thôi, mà cái nghề xiếc chừ cũng bạc lắm rồi! Hắn cười theo. Thế hệ ông già của hai đứa mình có khác, họ quan tâm những chuyện mình không thể hiểu được. Có khi cuộc đời họ chỉ có chừng ấy, chỉ là những vết gợn nhỏ nhoi chợt vồng lên nên họ còn bị ám ảnh, còn tụi mình thì đủ thứ, nhớ sao hết?
Hai đứa bỏ xe lại ở một khúc quanh, đi bộ lên đồi. Mộ ba hắn táng trên sườn đồi thoai thoải, hai bên là hai ngọn đồi khác xanh um những keo tai tượng. Nhìn sâu xuống, bên kia mương thủy lợi là một hồ nước lớn. Hồ đầy sen. Đang mùa, sen nở ken dày khắp mặt hồ, hồng lên rực rỡ dưới nắng chiều. Tôi đứng lặng người. Một thế đất thật đắc địa dành cho thân phụ của một anh giáo làng kể cũng lạ. Tôi cùng hắn thắp hương, lại có cảm giác như đang thắp hương cho ba tôi vậy. Rồi hai đứa đứng im lặng vòng tay trước ngực nhìn xuống phía hồ sen. Mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ riêng. Lát sau, tôi buột miệng, hỏi: Nè, mi có nhận xét gì về cuộc đời ông già mi không? Hình như nó sựng người một lúc rồi thở hắt ra. Cái ông thầy dạy kiến ngày ấy đã vận cái xui xẻo vào cuộc đời của ông già tau, mi ạ! Hình như ổng đã tự vẽ ra những đường kỷ hà lạ hoắc rồi suốt đời cứ luẩn quẩn trong những gì mình đã vẽ ra. Tôi giật mình. Thốt nhiên mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả người. Là nó đang nói về cuộc đời của ba tôi hay sao? Của tôi nữa! Và, có thể cả hắn, biết đâu đấy?
Bình luận (0)