Hôm trở thành giảng viên của Trường Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh, con gái tôi cứ một hai đòi ba vào mừng cho nó. Tuấn, bạn tôi nghe biết gọi điện bảo tôi đến dự cuộc gặp mặt hội đồng hương làng cho vui. Hẳn anh đã nói trước nên vừa thấy tôi các cháu ùa đến. "Bác có nhớ cháu không ?". "Ông có còn nhớ cháu ?". Tôi ngơ ngác giữa những đôi mắt long lanh, những gương mặt xinh xắn. "Chịu thôi, các cháu phải nói tên cha, mẹ thì bác mới biết". "Cháu là con ông… là cháu bà…", Những con người với những cảnh đời như tia chớp vụt lóe trong tôi. Bao nhiêu cái tên đã cùng chung với tôi một thời thơ ấu nhọc nhằn…
Làng Minh Lệ (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) của tôi, chẳng rõ thuở khai thiên lập địa cha ông đã mưu sinh bằng nghề rừng chưa, nhưng bước chân vào rừng tôi đã thấy những lối đi nhẵn mòn sỏi đá. Đi rừng kiếm cái ăn, làng tôi gọi là "đi rú": Rú củi, rú mây, rú lá... Đàn ông, đàn bà, những đứa trẻ mới lên tám, lên mười cho đến những ông già sáu, bảy mươi tuổi, nếu sống ở làng thì chẳng ai thoát đời "đi rú". Tuy nhiên trong cái nghề kiếm ăn mướt mồ hôi và máu ấy, đứng đầu phải kể tìm trầm. Những cánh rừng dọc biên giới Việt – Lào hay tận Tây Nguyên, nước xiết sông sâu, vách lèn thăm thẳm; khoét gốc chuối rừng, chặt rễ cây gạn từng giọt nước…, chẳng gian khổ, hiểm nguy nào ngăn nổi bước chân của dân tìm trầm. Nhưng rồi chẳng thấy ai giàu có mà tang thương cứ nối tiếp tang thương. Một miền quê nhỏ bé mà đã có hai chục người bỏ mạng vì trầm!
Làng Minh Lệ ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình
Rồi công cuộc đổi mới cũng mở ra. Làng tôi cũng đường ngang ngõ dọc trắng phớ xi măng; điện về từng ngõ nhưng cái nghiệp rừng rú vẫn chưa có gì đổi khác. Có ai đó nói rằng đi rú với người làng tôi đã thành nghiệp. Mà đã là "nghiệp" thì khó cởi. Bởi thế nên tìm trầm như săn bóng thì người ta vẫn cứ lao vào… "Chớ biết làm chi giữa cái làng Minh Lệ bây chừ? Hột lúa làm ra may chỉ đủ ăn, con cái học hành và bao nhiêu chuyện nữa, không đi rú thì biết lấy đâu?". Bao nhiêu người nghe tôi khuyên bỏ nghề rừng đều hỏi lại tôi câu ấy. Một câu hỏi mà tôi không thể trả lời…
Nhưng may thay đã có người góp sức giúp dân làng trả lời câu hỏi đó. Một trong những người công đầu là ông Hoàng Hữu Ban. Từng công tác ở Bộ Công nghiệp nặng rồi chuyển vào phụ trách văn phòng Ban Kinh tế Trung ương phía Nam, mỗi lần có dịp về làng ông lại khuyên con cháu vào TP HCM lập nghiệp. Và bây giờ…
*
Đang líu ríu giữa đám trẻ, một bàn tay từ sau lưng bưng lấy mắt tôi. Quay lại, tôi nhận ra cháu Thảo! Dễ đến 6 năm rồi cậu cháu chưa gặp nhau…
Cháu là con thứ 2 của em gái tôi. Ba nó từng làm nghề buôn trầm, thua lỗ rồi đâm ra chán nản sa vào rượu chè. Mình mẹ nó cực nhọc với mấy đám ruộng nuôi ba đứa con. Thương mẹ, con bé quyết chí học hành. Khác với đám bạn vẫn chọn các trường đại học ở miền Trung, mình nó đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ngày lên đường nhập học, mẹ nó khóc nức nở vì thương con. Thương nó lần đầu ra khỏi lũy tre làng đã phải dấn thân vào một cuộc sống xa lạ đã đành, nhà nghèo, rồi đây biết lấy gì nuôi nó học… Em tôi đã không biết rằng con bé qua bạn bè đã quyết chọn thành phố vì ở đó cháu mới có điều kiện vừa làm vừa học. Để mẹ khỏi lo, đều đặn mỗi tháng cháu viết thư về kể đủ những chuyện "gặp may": Này là chuyện bà chủ quán ăn nơi nó làm thuê, biết nó là sinh viên, cứ mỗi tối bà lại cho về trước nửa giờ để học bài, không quên để cho khi bát bún, khi đĩa bánh cuốn để ăn khuya. Này là chuyện mấy đứa bạn dân TP HCM cùng lớp, biết nó phải tự lập thì thương, tháng tháng lại dúi cho ít vật dụng con gái để nó đỡ mua… Rồi chuyện ông già chỗ nó dạy kèm mấy đứa cháu, cứ hết giờ là đích thân chở nó về nhà trọ, nói là để cho an toàn lại đỡ tốn tiền xe… Nghe con kể, lần nào mẹ nó cũng rơm rớm nước mắt… Đau đáu từng ngày rồi cháu cũng tốt nghiệp đại học. Niềm vui chưa vơi thì hơn tháng sau cháu gọi điện về báo tin nó đã trúng tuyển viên chức Cục Thuế thành phố. Mẹ cháu chân tưởng không bén đất, đi khắp xóm để khoe. Ai nghe cũng mừng thay: "Trời thương cảnh nhà nên xui nó vô trong nớ đó các ông, các bà. Chớ ở ngoài mình học xong mà có việc ngay, lại không tốn ly nước thì có mà mơ !"
Vậy là bây giờ cháu đã trở thành công dân thành phố Hồ Chí Minh, góp thêm cho hội đồng hương làng một hội viên. Ông Ban nói rằng hiện tại, làng tôi đã có hơn 150 công dân thành phố với đủ thành phần: Công nhân, sĩ quan công an, quân đội, thạc sĩ, tiến sĩ… Mừng nữa là khoảng 30% đã mua được đất, nhà. Hơn thế có ông làm nghề kinh doanh bất động sản, vốn liếng ước đến vài trăm tỉ đồng… Một cái làng có hơn bốn ngàn dân, ở nơi xa xôi chẳng mấy ai biết đến mà được thế, sao lại không thể nói là nhờ vượng khí của mạch đất thành phố?
Tiễn tôi ra xe, trong cái âm thanh "trọ trẹ" quen thuộc của làng quê là ríu ran âm thanh của những nàng dâu, chàng rể nghe đủ mọi vùng miền. Lại đám cháu nhỏ còn hôn lên má để "gửi về quê cho ông nội". Chợt thấy mắt mình cay cay… Đúng là tuổi già mau nước mắt!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)