Hơn ba mươi năm sinh ra và lớn lên ở thành phố này, dẫu đã đi đến trăm nẻo lạ, qua ngàn dặm xa, tôi vẫn quay về. Bởi mấy ai sống được mà bỏ đi máu mủ ruột rà của mình? Nửa quãng đời đã gieo neo phận mình với bao thác ghềnh dâu bể nơi đây, suy cho cùng trong từng nhịp thở, trong từng thớ da thịt, trong từng dòng huyết quản, thành phố này luôn cuồn cuộn chảy tràn trong tôi.
Má chạy giặc bên Svay Rieng (Campuchia) về đây. Ba từ miệt thứ đồng bưng cũng tìm về mảnh đất này mưu sinh. Tưởng chỉ quá giang một đoạn đường ngắn ai ngờ gá phận mình cả quãng đời dài cho tới bây giờ. Đám con sinh ra rồi lớn lên trên mảnh đất hơn 300 năm tuổi này. Bôn ba tha phương rồi cũng quay quắt nhớ mà tìm về. Lạ kỳ là hổng thể xa cái thành phố này quá lâu.
Xóm nghèo trải từ đầu đến cuối cũng toàn tứ chiếng gặp nhau, run rủi thành láng giềng. Lao động tay chân cũng có, trí thức văn phòng cũng có, từ bình dân cho tới ấm no đều có cả. Xóm ồn ã từ buổi mai thức giấc cho đến chiều hôm ông trời nấu cơm đỏ bầm bếp ấm. Ló đầu ra nghe tiếng í ới gửi nhau mớ hành mớ tỏi đi chợ mua giúp. Ngoảnh lại nghe tỉ tê chuyện ông bà giáo già về hưu con cái đi làm xa, nhà có cái vòi nước hư hổng biết sửa. Ủa vậy để con mua về thay giúp. Chàng sinh viên ở trọ lẹ miệng lanh tay phóng xe cái rào ngang xóm nhỏ.
Cha mẹ của tác giả và các con cháu sống quây quần tại TP HCM
Bận mấy chị miền Trung quang gánh tảo tần gặp hôm mưa chiều nồi chè còn ế. Mấy người xúm lại phụ hợ một tay. Rồi cũng xong. Chòm xóm cứ vậy mà vui. Tối lửa tắt đèn gần kề nương tựa nhau mà sống qua ngày.
Hẻm nhỏ lòn từ đường này ra đường khác. Đường cái lớn trải nhựa thẳng tắp. Mấy bận kẹt xe, thiên hạ chạy vào hối hả hỏi đường. Người trong xóm lật đật chỉ tay. Kệ nó bây, chỉ người ta đặng hổng trễ giờ làm, hay biết đâu người ta đón con chiều tan lớp. Vậy đi cho xong. Chỉ lòng vòng tội nghiệp người ta.
Xóm nghèo mà giàu tình người. Hẻm nhỏ mà rộng nghĩa nhơn. Từ đầu xóm đến cuối xóm ngó thấy tưởng gần mà kỳ thực nó sâu hun hút.
Đất lành được bao quanh bởi bốn ngả đường, trục sống lưng đắc địa nối liền Đông Tây Nam Bắc, nên xứ này hổng phân biệt người Bắc, Trung, Nam, người Hoa, người Khmer, đến ngay cả người ngoại quốc sau này sang đây. Cứ gọi chung là dân thành phố. Cái giao thoa văn hóa xứ sở vùng miền hình thành nếp sống hào sảng bao dung và bộc trực, trượng nghĩa. Lưu dân tứ xứ đổ về, chung tay với chánh gốc thị dân mà trải qua bao biến thiên thời cuộc để thành phố ngày càng rực rỡ lung linh. Từ mảnh đất bờ lau cỏ dại xưa xa thành đại đô thị hào nhoáng. Đất này đâu phụ người ta! Má hay nói vậy mỗi bận thấy pháo hoa ngời sáng trên bến Nhà Rồng.
Má nói thành phố được mang tên Bác là rất đỗi tự hào; là ưu ái, sự đánh giá vị thế của thành phố mình. 45 năm rạng ngời ấy, thành phố thay đổi diện mạo lộng lẫy và đời sống khấm khá hơn. Má hay nhắc mấy chuyện cũ càng hồi mới dọn về đây. Nhắc để thấy xứ này đầy những đãi ngộ nếu mình biết dùng bàn tay và khối óc chung nhịp bước cùng nó. Hồi đó chỗ này chỉ là bãi đất trống giờ thành trung tâm thương mại. Hồi đó chỗ kia chỉ là cái đầm nước tù đọng khỉ ho cò gáy, vậy mà giờ thành khu công nghiệp. Hồi đó làm gì có mấy cái nguy nga đồ sộ, mấy cái tân thời hiện đại. Đâu chỉ riêng dân mình, người ngoại quốc đến rồi cũng ở lại. Nhiều cái hồi đó của má nghe nhẹ hẫng. Vậy mà nhắc nhớ mấy đứa con niềm sung túc đủ đầy của hôm nay đều từ những gian lao, cần mẫn mà ra.
Người thành phố chịu thương chịu khó, cứ vậy đó mà sống, mà làm, đâu nề hà kêu ca bởi cái họ nhận được chính là sự phát triển đồng bộ từ mặt xã hội đến dân sinh. Ở thành phố này không ai bị bỏ rơi.
Cơn đại dịch Covid-19 tràn qua thành phố, nhiều phận đời cũng chìm nổi long đong. Thành phố giãn cách, tuyến đầu lao về tâm dịch, hậu phương vững vàng lan tỏa sự sẻ chia. Chưa bao giờ thành phố lại đoàn kết và đồng tâm hợp lực tạo nên một thành trì chống dịch ngoan cường như thế. Những chuyến xe nối đuôi nhau chung lòng gom góp thực phẩm ủng hộ tuyến đầu thâu đêm truy vết, cả ngày xét nghiệm. Từ trong gian khó đó, thành phố vẫn chi viện cho các tỉnh, thành khác bằng đội ngũ y - bác sĩ giỏi nghề để chung tay dập dịch trên cả nước. Nụ cười của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, thuộc đoàn chi viện cho Bắc Giang của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, chính là nụ cười tỏa sáng một niềm tin tất thắng. Nụ cười lan truyền trên mạng xã hội chỉ trong tích tắc. Điều đó như minh chứng cho sức trẻ của thành phố này sẵn sàng hòa chung nhịp đập vận nước thời cuộc.
Khắp thành phố này, đâu đâu cũng thấy những điều nghĩa nhơn. Mọi người kêu gọi ủng hộ đồ bảo hộ, góp tiền mua vắc-xin, chia sẻ thực phẩm cho khu cách ly. Các bếp cơm 0 đồng hằng ngày đỏ lửa, bữa ăn của người nghèo thêm ấm áp sự sẻ chia. Cây gạo ATM được nhân rộng và chung sức lan đến muôn nẻo thị thành, hạt gạo nghĩa nhơn ấm tình đồng bào.
45 năm, thành phố vững tiến rạng ngời tên Bác. 60 năm dặm dài đời mình miền đất lành phương Nam nắng ấm, một chiều má ngồi bên hiên nói với mấy đứa con, rồi tất cả sẽ qua, thành phố này vốn dĩ ngoan cường, người với người thương nhau mà sống.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)