Một ốc đảo nhỏ bé, chỉ tồn tại hai người… Đó chỉ là vài mảnh nhân sinh ẩn hiện trong tuyển tập truyện ngắn "Người thổi đường" (Trần Minh Ánh dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2020).
Tuyển tập "Người thổi đường" do Lý Kính Trạch và Thi Chiến Quân tuyển chọn 13 truyện ngắn từ 11 tác giả đương đại của Trung Quốc. Trong số 11 tác giả đó, người trẻ nhất sinh năm 1988, người lớn tuổi nhất sinh năm 1963, các truyện ngắn đưa vào tập này được cho là những tác phẩm tiêu biểu nhất của mỗi tác giả, phản ánh cá tính sáng tạo và bút pháp riêng của từng người.
Độc giả Việt Nam từng chứng kiến sự ồ ạt của trào lưu văn học Trung Quốc Linglei (lánh loại), cũng chứng kiến sự hiện diện mạnh mẽ của các tác giả thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1950 như Giả Bình Ao, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân… Nếu văn học Linglei thường bị xem là chỉ diễn tả được bề nổi, thì văn chương của những nhà văn thuộc thế hệ sinh năm 1950 lại có phần xưa cũ.
Tuy nhiên, trong lời nói đầu của "Người thổi đường", Lý Kính Trạch cũng cảnh báo về cách phân loại nhà văn theo năm sinh vì "cách này mặc định rằng một nhóm người sẽ có điểm chung đơn giản chỉ vì họ sinh cùng thập niên và cùng theo nghiệp viết lách. Nhưng hướng tiếp cận ngờ nghệch này lại phổ biến vì nó diễn đạt một nỗi lo sâu sắc và đang lan rộng: Ở Trung Quốc, người ta đang phải trải qua những thay đổi kịch liệt trong xã hội và đời sống hằng ngày và những trải nghiệm của chúng ta giờ đây đang nhanh chóng mất giá trị".
Diễn tả "những thay đổi kịch liệt" đó, các truyện ngắn trong "Người thổi đường" như từng mẩu đời sống ghép vào một bức tranh tổng thể miêu tả một nền văn minh lâu đời dấn bước vào hành trình tiến đến hiện đại, trong một thế giới phẳng. Ở đó, không có những gót sen ba tấc, những miền quê lạc hậu nửa thực nửa ảo, những biến động lịch sử cùng sự hỗn tạp của một xã hội phong kiến suy tàn nhưng dư âm vẫn còn lẩn khuất trên trang viết.
Bìa sách “Người thổi đường” xuất bản tại Việt Nam
Lý Kính Trạch nhận định: "Văn học Trung Quốc đa dạng về chủ đề nhưng hầu hết lại lấy bối cảnh thôn quê. Có người thậm chí từng nói 80% văn học đương đại Trung Quốc là văn học nông thôn (…), nhưng nếu coi văn học Trung Quốc trong ba thập niên qua cùng một khối thì quả thực, hầu hết tác phẩm đều là chủ đề về nông thôn hoặc lấy bối cảnh văn minh nông nghiệp".
Vì vậy, tập truyện "Người thổi đường" phần nào hé mở một phần đời sống Trung Quốc hiện đại "ngoài nông thôn" ấy, cho người đọc thấy được những chân trời khác nằm ngoài "vùng Đông Bắc Cao Mật" (địa danh xuất hiện trong loạt tác phẩm của Mạc Ngôn) hay "núi Bả Lâu" của Diêm Liên Khoa.
Trong sự vận động để hòa nhập, các tác giả cố khẳng định cái tôi cá nhân không chịu hòa tan. Với một đất nước rộng lớn, nhà văn Lý Quyên, thông qua những câu chuyện của dân tộc du mục sống ở Altay, Tân Cương, đã diễn tả cuộc xung đột giữa thế giới hiện đại huyên náo, đe dọa sự tĩnh tại, bình yên của một thế giới cũ.
Qua mỗi truyện, từng nhà văn đã phô bày những trải nghiệm phức tạp của con người hiện đại với một đời sống rộng lớn ngày càng tương đồng. Nhưng cùng lúc là sự xuất hiện nhiều cá nhân lẻ loi. Nhà văn Khâu Hoa Đông lý giải sự thành công cho tập truyện "Người thổi đường" là vì nó "tiết lộ những xu hướng cảm xúc mới trong bản chất bất biến của nhân loại giữa thời đại vạn biến".
Bình luận (0)