. Phóng viên: Sân khấu nhạc kịch là thể loại rất phổ biến trên thế giới nhưng còn khá xa lạ với khán giả Việt. Năm năm gầy dựng nhạc kịch, lỗ gần 10 tỉ đồng tiền vốn, anh tin ở điều gì khi vẫn bám lấy con đường này?
- Đạo diễn NGUYỄN KHẮC DUY: Nhiều đồng nghiệp nghĩ tôi cố bám để tìm danh tiếng. Kỳ thực là vì tôi đam mê và quyết quyết tâm đi tới cùng với nhạc kịch Việt. Trước hết, tôi nghĩ loại hình nghệ thuật này không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Nó hoàn toàn có thể ăn khách tại Việt Nam bởi tính giải trí trong đó nếu biết cách làm.
Các nước trên thế giới khi dựng nhạc kịch Broadway đều có bản dựng riêng. Tôi đi theo hướng đó, tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Thực tế cho thấy những phiên bản chuyển ngữ của các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới vẫn phục vụ được số đông khán giả. Còn để nguyên bản tiếng Anh, vở diễn chỉ tiếp cận được một cộng đồng nhỏ.
. Phải chăng đó là cách anh muốn khắc tên mình thành "người khơi nguồn cho dòng chảy của sân khấu nhạc kịch Việt"?
- Tôi hoàn toàn không có tham vọng đó. Tôi nghĩ ra ý tưởng dàn dựng bằng cách chuyển thể Việt ngữ những tác phẩm nổi tiếng của sân khấu Broadway trên thế giới để dàn dựng tại Việt Nam; có chăng chỉ là sự khơi dậy niềm say mê đối với các cộng sự, diễn viên thuộc nhóm sáng tạo của mình. Sau vở tốt nghiệp "Chicago" được thầy cô khen ngợi, tôi và ê-kíp của mình dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng "High School Musical"… So với "Chicago", "High School Musical" mang tính dân dã hơn. Nhưng khi về rạp Công Nhân biểu diễn, nhạc kịch bị lép vế vì lịch diễn xếp chung với những chương trình hài kịch. Thêm vào đó, hệ thống âm thanh, ánh sáng dù có tăng cường vẫn không đủ bảo đảm hiệu quả nghệ thuật.
Đến khi dựng vở nhạc kịch thuần Việt "Tấm Cám", tôi vỡ ra một điều là sao mình không theo đuổi nhạc kịch thuần Việt? Hàn Quốc có quá trình 10 năm để khán giả làm quen với nhạc kịch và họ chỉ dựng những vở thuần với dân tộc mình. Tôi tin nếu mình làm tốt thì 10 năm nữa, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam cũng có sân khấu nhạc kịch đúng nghĩa.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy với vai Lạc Long Quân trong vở nhạc kịch "Thủy Tinh và đứa con thứ 101". Ảnh: THANH HIỆP
. Nghĩa là vở "Thủy Tinh và đứa con thứ 101", với vốn đầu tư lên đến 2 tỉ đồng của nhóm đang diễn tại Nhà hát Quân Đội, không phải là cú liều cuối cùng?
- Biết chắc cú đầu tư này khó hoàn vốn nhưng thấy lượng vé bán rất khả quan, tôi rất mừng. Tôi tin mình không thể rời bỏ nhạc kịch Việt.
Khả Như và Vũ Hoàng Quân mang lại tiếng cười duyên dáng cho vở nhạc kịch "Thủy Tinh - đứa con thứ 101"
. Anh đã chuẩn bị gì cho kế hoạch 10 năm phát triển sân khấu nhạc kịch của mình?
- Tôi lên kế hoạch từ 3 năm trước, đó là chọn nguồn diễn viên vừa hát hay vừa nhảy hay. Muốn có đội ngũ chuyên nghiệp thì phải đi học. Tôi và diễn viên Vũ Hoàng Quân sang Thái Lan học lớp tập huấn về nhạc kịch do Mỹ đào tạo. Chiến lược của tôi cũng đã đánh động đến việc tuyển sinh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Năm nay, trường này đã mở đợt tuyển sinh khóa đào tạo diễn viên tài năng, trong đó có chuyên ngành nhạc kịch: đặt yếu tố ngoại ngữ, hình thể, giọng hát lên hàng đầu trong thi tuyển. Tôi mừng lắm, vì dù chậm nhưng chúng tôi sẽ có nguồn diễn viên được đào tạo chính quy.
Về kịch bản, chúng tôi khéo léo chắt lọc để đưa vào ngôn ngữ tuổi teen hiện đại nhưng sạch sẽ, duyên dáng. Khán giả trẻ sẽ thích thú khi xem, người lớn tuổi cũng cảm thấy thú vị.
Âm nhạc của vở nhạc kịch "Thủy Tinh - đứa con thứ 101" đã thu hút nhiều bạn trẻ
. Nhưng phải thừa nhận là nguồn kịch bản nhạc kịch thuần Việt đang thiếu, nhất là phần âm nhạc chưa xuất sắc?
- Đúng là phần âm nhạc rất cần sự thẩm thấu. Để cảm được nhạc kịch thuần Việt, tôi cần chọn đúng giai điệu và đưa vào dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Việt. Như vở nhạc kịch "Thủy Tinh và đứa con thứ 101" đang diễn tại Nhà hát Quân Đội (TP HCM), tôi dùng chất liệu âm nhạc Tây Nguyên với âm thanh cồng, chiêng tạo âm vang của núi rừng, biển khơi. Khán giả dành cho vở diễn "Thủy Tinh và đứa con thứ 101" nhiều lời khen. Nhiều bạn trẻ yêu cầu sản xuất dĩa nhạc của vở để phổ biến. Đó là tín hiệu tốt. Còn nguồn kịch bản, phải sáng tạo từ cảm hứng chứ không thể định viết gì thì sẽ viết ra được. Kho tàng dân gian, cổ tích và lịch sử Việt Nam vô cùng phong phú, đúng thời điểm sẽ chọn được đề tài thích hợp.
Cát Tường đã có thêm vai diễn ấn tượng trong vở nhạc kịch "Thủy Tinh - đứa con thứ 101"
. Để gỡ thế khó về nguồn thu nhằm nuôi sống đội ngũ, theo đuổi sân khấu nhạc kịch được lâu dài, chắc anh phải có phương cách nào đó?
- Nhóm Buffalo đã tìm ra hướng đi mới cho mình sau khi giành giải quán quân cuộc thi "Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội 2016". Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi chọn lọc làm những dự án nhỏ để có nguồn lực đầu tư cho dự án lớn, như cách làm của Sân khấu IDECAF - lấy lãi của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" để dựng các vở nghệ thuật đỉnh cao.
Khó khăn nhất của sân khấu nhạc kịch là tìm rạp hát để trụ lâu dài, thành điểm diễn quen thuộc, nuôi dưỡng khán giả cho mình. Nơi nào cũng đòi giá thuê quá cao. Có nơi rộng cửa mời về nhưng lại yêu cầu chúng tôi diễn "hài kịch pha nhạc kịch", "game show hóa nhạc kịch", "bolero đồng hóa nhạc kịch"… Tôi không thể làm được.
Nhạc kịch Việt cũng cần sự chuẩn mực. Áp lực với tôi chính là tìm cho ra cái chuẩn đó. Tôi sợ nhất là phải để người nước ngoài vào dựng nhạc kịch cho người Việt.
Tin khán giả sẽ đến
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho biết Buffalo có kênh tiếp nhận ý kiến của khán giả thông qua trang mạng của nhóm và trang cá nhân của diễn viên.
"Tôi thích được nghe phê bình để khắc phục những mặt chưa làm được. Chúng tôi tự nghiêm khắc với mình, không được phép sơ sài, từ nội dung vở kịch cho đến âm nhạc, cảnh trí. Tôi tin là sau một thời gian, khán giả sẽ đến với nhạc kịch Việt nhiều hơn" - Nguyễn Khắc Duy bày tỏ.
Bình luận (0)