Từ Quảng Nam, anh lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, lập thân. Nỗi nhớ quê luôn chất chứa trong lòng và thiêng liêng nhất vẫn là hình bóng mẹ. Thanh Hoàng viết về mẹ rất hay. Mẹ anh là cô giáo làng, lúc đêm buông lại mở lớp dạy cho bà con chòm xóm.
"Lớp học của người có lúc dưới trăng suông/ ngồi trên đất bao trò đầu chớm bạc/ mắt rưng rưng nghe mẹ khóc thương Kiều/… Mẹ nằm xuống cả làng mình thương tiếc/ người giáo viên chẳng giáo án, giảng đường" (Cô giáo làng tôi).
Nỗi trống vắng đến vô cùng khi mẹ bay vào hư không, câu thơ chống chếnh đến nao lòng:
"Mẹ đi chẳng có khứ hồi/ một lần mẹ bước… rồi thôi không về/… Sông Thu lẻ một thuyền trôi/ mềm như dáng mẹ xưa ngồi ru con" (Mẹ và một chuyến bay xa).
Những ngày tha hương, chàng thi sĩ neo mình nơi quán vắng: "Quán nghèo ly rượu nhạt/ tím môi ngày cuối đông/ say, một mình con khóc/ Tết xa quê, nghẹn lòng (Quán vắng cuối đông).
Lòng anh hướng về miền Trung, nhớ người thiếu nữ ngày nào, bây giờ làn da héo nắng, "lưa thưa tóc cuốn hằn qua phận người". Sài Gòn mưa làm anh nhớ nắng quê: "Gánh trưa em lả miệng chào/ câu thơ tôi bỏng lời rao, cháy lòng" (Thương quê).
Bìa hai tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thanh Hoàng
Để có được cuộc sống ổn định, nuôi dưỡng các con ăn học thành tài, không thể thiếu "thuận vợ thuận chồng". Không phải thi sĩ nào cũng viết về người vợ đầy chân thành và có duyên như Nguyễn Thanh Hoàng. Từ thuở tóc còn xanh, nặng nhọc mưu sinh:
"Bài thơ tình cho em/ anh viết vội trên tờ hóa đơn bán lẻ/… Trưa xe hết hơi, mệt lả người dưới trời nắng đỏ/ ngực áo ướt hóa đơn, thơ chảy ngược tim mình" (Bài thơ cho em).
Đến lúc cùng nhau đi hết nửa đời người, tình yêu đó vẫn đằm thắm qua sự hy sinh thầm lặng của người vợ hiền:
"Mấy mươi năm ta chung nghĩa vợ chồng/ em lặng lẽ qua hết thời con gái/ chẳng tủi cực gì em chưa nếm trải/ ta ngu ngơ bên chén rượu thơ cùn" (Một lần này nữa nợ em).
Nguyễn Thanh Hoàng viết về đời sống một cách dung dị, như những câu chuyện nhỏ quanh ta mỗi ngày. Qua thơ, câu chuyện mang lớp nghĩa khác và ý tứ lắng đọng. Chẳng hạn, anh viết về sự giật mình sau hồi chuông điện thoại, ai cũng trải qua tình huống nào đó trong thời công nghệ số hôm nay. Từ một giọng cô gái trẻ gọi nhầm số, hàng xóm báo tin trộm rình trước ngõ đến chị gọi báo tin bà ngoại qua đời. Buồn cười nhất là vợ gọi:
"Nghe vợ hỏi anh đang nằm đâu đấy/ ở nhà bạn, rồi ngẩn ngơ ngồi dậy/ (mình ngủ nhà mình, vợ mới về quê)" (Giật mình).
Nguyễn Thanh Hoàng mượn chất giễu nhại để làm cho câu thơ bớt nặng nề và cái đau thấm vào trong. Anh tự vẽ chân dung: "Lận bị áo, đọc khoe nơi quán rượu/ nên bài thơ có vị của mồ hôi" (Chân dung ta). Anh kể chuyện đến nhà người yêu: "Yêu em, anh có đến nhà/ tìm em, chỉ gặp ông già em thôi", để rồi "Buồn. Thưa hai bác con về/ em ra đóng cổng, tức ghê, nhưng mà" (Chuyện ngày xưa).
Và anh chàng thi sĩ ấy, đến giờ vẫn say thơ: "Chào nhau dăm ba chén/ bạn bảo mình đọc thơ/ lúc chia tay bạn bảo/ mi cho tau rất nhiều" (Bạn đến chơi).
Bình luận (0)