Nhà văn - nhà báo - nhà sưu tập Trần Thanh Phương
NSND Đinh Bằng Phi xúc động: "Mỗi khi muốn tra cứu những bài báo về hát bội là tôi tìm đến Trần Thanh Phương. Đầu năm lại thêm một người tài ra đi. Tin buồn đột ngột này khiến nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu bàng hoàng, vì ai cũng thương quý Trần Thanh Phương".
Ông Trần Thanh Phương còn có các bút danh: Trần Thanh, Minh Hải. Ông sinh ngày 23-9-1940 tại Cà Mau, nguyên là phó tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP HCM.
Ông Trần Thanh Phương
Ông Trần Thanh Phương có rất nhiều ấn phẩm nổi tiếng: "San hô đỏ" (1975), "Trong rừng dẻ hương", "Xứ sở phù sa", "Xa xa mũi đất Cà Mau" (1987), "Về nhà mình xa quá, má ơi!" (2006), "Sài Gòn tầng cao - Sài Gòn tầng thấp" (2000), "Ngòi bút và cây kéo" (2008), "Tuyển tập ngắn" (1975), "Phương Đông" (1980), "Những người còn sống mãi" (1980), "Những trang về An Giang" (1984), "Minh Hải địa chí" (1985), "Bác Tôn của chúng ta" (1988), "Cửu Long địa chí" (1988), "Bác Hồ của chúng ta" (1989), "Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ" (2001), "Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương Chi Bảo" (2004), "100 sự kiện nổi bật ở TP HCM 1975-2005" (2006), "Nguyễn Quang Sáng với bạn bè" (2010), "Chân dung bằng chữ" (2011), "Huỳnh Văn Tiểng - tình sâu nghĩa nặng" (2012); "Lời cuối với Nhà văn đã đi xa" (2016), "Rượu với văn chương" (2017)...
Ông còn được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietBooks) công nhận 3 kỷ lục: "Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam", "Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam" và "Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam".
Ông Trần Thanh Phương với bộ sưu tập về hình ảnh Bác Hồ
Nhà văn Bích Ngân cho biết: "Không chỉ viết, ông còn lặng lẽ chọn lọc, gìn giữ thật nhiều bài viết, hình ảnh từ bạn bè đồng nghiệp để làm thành một "bộ sưu tập" có một không hai - bộ tư liệu sống động hiện thực về nhân dân, về Tổ quốc trong cuộc hành trình dựng xây với bao nỗi niềm được mất.
Không giới hạn mình ở công việc cắt dán, gìn giữ ký ức cuộc sống của bạn bè đồng nghiệp, ông Trần Thanh Phương còn làm một việc có ý nghĩa. Đó là "đi xin" chữ ký văn nghệ sĩ, những người đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà".
Sáng 8-2, tang lễ nhà văn - nhà báo - nhà sưu tập Trần Thanh Phương được tổ chức tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3).
Bình luận (0)