"Trước đây, khi sáp nhập 2 đoàn nghệ thuật xiếc và múa rối vào năm 2012, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, tập thể nghệ sĩ 2 đoàn đã họp và đề xuất nhiều tên đặt cho nhà hát, kết quả là chọn tên Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Sau gần 5 năm hoạt động, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thị, giao dịch. Các đối tác, nhất là khán giả, không biết Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam biểu diễn loại hình nghệ thuật gì. Nhiều người vẫn liên tưởng đến cải lương, đờn ca tài tử chứ không nghĩ đến 2 bộ môn xiếc và múa rối. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất đổi tên và đã được Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM chấp thuận" - NSƯT Nguyễn Đức Thế giải thích.
Màn trình diễn trong chương trình xiếc "Ngày hội của những chú hề" của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Múa rối TP HCM Ảnh: THÙY TRANG
Như vậy, sau gần 5 năm mang tên Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nguyện vọng đổi tên nhà hát của nghệ sĩ xiếc và múa rối cho đúng với loại hình nghệ thuật mà họ đang biểu diễn đã được thực hiện. Với tên mới này, họ hy vọng hoạt động tiếp thị của nhà hát hứa hẹn có hiệu quả.
Nỗ lực của các nghệ sĩ 2 loại hình nghệ thuật của nhà hát trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì việc biểu diễn của đơn vị. Trước khi nhà hát đa năng Phú Thọ khởi công, công trình sửa chữa, nâng cấp rạp bạt xiếc tại Công viên Gia Định cũng đã được đấu thầu để kịp hoàn thành, đưa vào biểu diễn chương trình chào năm mới 2018. Hiện nay, xiếc và múa rối của nhà hát vẫn diễn thường xuyên vào các ngày cuối tuần tại 2 địa điểm mới: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ) và Nhà Thiếu nhi TP HCM.
Bình luận (0)