Mới đây, chúng tôi lặng người đi khi hay tin Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng tại làng Giáp Nhất, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, không còn nữa. Dù bất kỳ lý do gì thì người yêu văn học cũng nuối tiếc.
"Niềm vinh dự chung…" đã tan thành mây khói
Sau những thăng trầm vì có những đánh giá khác nhau, mãi đến lần giỗ thứ 56 của Vũ Trọng Phụng, ngày 13-10-1995, tại Hà Nội, Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng mới khánh thành. Đây cũng là dịp tên ông được đặt tên đường tại Hà Nội - theo quyết định tại kỳ họp lần thứ 4 của HĐND TP Hà Nội khóa XI. Từ đó, nó trở thành một địa chỉ văn hóa, điểm tham quan của bất kỳ ai yêu văn hóa nước nhà muốn tìm hiểu thêm về "ông vua phóng sự đất Bắc" nửa cuối thế kỷ XX.
Mộ phần nhà văn Vũ Trọng Phụng hiện được di dời ra Nghĩa trang Quán Dền (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) Ảnh: NHƯ ĐÔNG
Ngày đó, khi một số nhà báo ở TP HCM ra công tác tại Hà Nội, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học Việt Nam) đã đưa chúng tôi đến thăm Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng vốn là nhà riêng của ông và vợ là bà Vũ Mỵ Nương để lại cho con gái Vũ Mỵ Hằng tại làng Giáp Nhất, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Tại đây, chúng tôi còn tận mắt nhìn thấy bức thư viết ngày 12-10-1995 của nhà văn Nguyễn Đình Thi, bấy giờ là chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gửi bà Vũ Mỵ Hằng, có đoạn: "Đây là dịp để tôi và các bạn đồng nghiệp chia sẻ cùng quý gia đình niềm vinh dự chung cho những người cầm bút, trong ngày tưởng nhớ nhà văn lớn tiền bối của chúng tôi".
Ngoài ra, tại đây còn có khá nhiều tài liệu liên quan đến "cha đẻ" của nhân vật Xuân tóc đỏ, đáng chú ý là tài liệu do nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm tặng cho nhà lưu niệm, như 2 thẻ nhà báo, thẻ thuế thân, giấy khám sức khỏe, giấy khai sinh… mang tên Vũ Trọng Phụng; quyển sổ tay ghi chép hằng ngày của người tạo ra kiệt tác "Số đỏ" - một tác phẩm nói như các nhà nghiên cứu là "làm vinh dự cho mọi nền văn học"; bản in tác phẩm Vũ Trọng Phụng qua nhiều thời kỳ, khóa luận, luận văn của sinh viên làm về Vũ Trọng Phụng; tranh vẽ chân dung Vũ Trọng Phụng của họa sĩ Mạnh Quỳnh…. Trong khuôn viên nhà lưu niệm còn ngôi mộ của Vũ Trọng Phụng nằm dưới gốc cây muỗm rợp mát, lúc bấy giờ, con gái nhà văn cho biết bạn đọc Thư viện Hà Nội vì ái mộ ông đã góp tiền dựng bia mộ ông cho khang trang hơn.
Nhưng nay, những gì mang lại "niềm vinh dự chung" như lời của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã tan thành mây khói. Giá mà trước đây, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng (thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội) công nhận đây là Di tích Lịch sử thì mọi việc đã khác. Sự thờ ơ, chậm trễ, vô cảm này không chỉ thiệt thòi cho Vũ Trọng Phụng mà còn cho cả thế hệ sau nữa.
Đánh mất cơ hội
Nhiều năm trước, tôi cùng nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, nhà báo Hữu Thân về thăm gia đình nhà văn Nam Cao ở TP Nam Định. Con rể của nhà văn Nam Cao có dẫn chúng tôi đi xem "Vườn hiện thực Nam Cao", lúc ấy chỉ mới tiến hành xây dựng; đi xem nhà của nhân vật Bá Kiến ngoài đời…
Không những thế, một mô hình du lịch kết hợp với văn học đầu tiên tại Việt Nam được triển khai, đó là tour du lịch "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ý tưởng độc đáo này do Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch đề xuất. Sau lần thử nghiệm đầu tiên tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã được du khách đón nhận tích cực. Họ không chỉ háo hức trải nghiệm không gian quá khứ với các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến mà còn rất thú vị khi được khám phá, thưởng thức các đặc sản ẩm thực của làng Vũ Đại như cá kho, chuối ngự…
Nhà báo- nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà báo Hữu Thân viếng mộ nhà văn Nam cao Ảnh: Lưu Khánh Thơ
Nghĩ cho cùng, sự đóng góp của các nhà văn hàng tầm cỡ như Vũ Trọng Phụng, với nhà lưu niệm của họ nếu có càng làm cho Hà Nội thêm sáng giá. Nói như thế, vì những gì liên quan đến nhà văn nổi tiếng luôn làm cho vùng đất đó thêm giàu có về giá trị văn hóa và thôi thúc người hâm mộ phương xa tìm đến.
Thế hệ sau phải có ý thức giữ gìn
Khi bước vào phòng tranh, có những bức tranh với giá trị đặc biệt, nếu bị mất đi, ắt mảng tường đó sẽ trống hoác. Thay vào bức tranh khác? Không thể. Bức tranh đó chính là cuộc đời và sự nghiệp của văn tài lừng danh. Trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông là một thí dụ. Vì lẽ đó, những gì liên quan đến ông, thế hệ sau phải có ý thức giữ gìn, không chỉ cho hôm nay mà còn hướng đến mai sau. Nghĩ đến trường hợp đáng tiếc về Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thiết nghĩ Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam nên có động thái tích cực đừng để xảy ra những trường hợp tương tự. Vì đây cũng là một cách tôn vinh và biết ơn thế hệ tiền bối trên con đường mà các hội viên đang đeo đuổi. Những tên tuổi lừng lẫy ấy đã vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, há nào dấu vết liên quan đến họ lại mất đi? Để mất đi Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng, thú thật, tôi không rõ những người phụ trách lĩnh vực này thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có suy nghĩ gì? Đau lòng? Dửng dưng? Liệu có thay đổi gì về chính sách quản lý năng động hơn, tích cực hơn hay chỉ buông câu "rút kinh nghiệm"?
Bình luận (0)