Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông nhận được tin báo từ nhà thơ Hữu Việt. "Chiều nay (20-4), Hoàng Nhuận Cầm có tham gia chương trình "Khách đến chơi nhà" trên sóng VOV nhưng đến giờ vẫn không thấy nhà thơ có mặt. Đại diện VOV gọi điện về nhà và khi người thân vào được nhà thì anh Cầm đã đột ngột ra đi trong chiều nay" - nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, ông là con cả của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Giác.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời chiều 20-4
Yêu thích văn chương, Hoàng Nhuận Cầm theo học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 1971, chiến tranh vô vùng ác liệt, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ, ông chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị giai đoạn từ năm 1971 cho tới khi đất nước thống nhất. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ông sau đó chuyển sang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam nhưng lại quay về tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của nhiều bài thơ tình được độc giả trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu như "Chiếc lá buổi đầu tiên", "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến", "Viên xúc xắc mùa". Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Xúc xắc mùa thu" năm 1993.
Bên cạnh thơ, ông cũng là một biên kịch nổi tiếng. Ông là tác giả tác phẩm của nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh, lịch sử đã được dựng thành phim như "Hà Nội mùa đông năm 46", "Mùi cỏ cháy", "Nhà tiên tri".
Trong vai trò biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh "Mùi cỏ cháy".
Bình luận (0)