Ngày đầu xuân, nhìn bàn tay tài hoa của nhà thư pháp vẩy chiếc bút lông trên giấy đỏ, một thoáng chữ "Phúc", "Đức", "Tâm"... hiện lên với những nét vẽ mềm mại, bay bổng trên trang giấy khiến ai cũng phải trầm trồ thán phục, muốn xin chữ ông Lý.
Nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý - người đã sáng tạo ra 2 lối viết thư pháp mới
Ông Lê Thiên Lý tâm sự niềm đam mê với thư pháp của ông được bắt nguồn từ chính người cha của mình. Từ nhỏ ông đã thuộc Tam Tự Kinh. Mới 15 tuổi ông đã thông thạo chữ Nho và những bức tranh thư pháp của ông hồi đó đã được nhiều người biết đến qua một số bức đăng báo. Những năm tháng của người lính trên chiến trường và rồi cả sau này, ông đành phải rời xa sách thánh hiền, bút lông, mực tàu. Tuy nhiên, với ông, thư pháp là đam mê, là duyên nợ. Nhiều đêm, ông cầm cây bút lông, mài mực tàu tập vẽ lại những bức thư pháp.
Một ngày đầu xuân năm 1998, ông đến dự cuộc triển lãm tranh của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa ở Văn Miếu. Những bức thư pháp rất đẹp của cụ Hòa làm ông nhớ lại những ngày cùng cha học chữ Nho, luyện thư pháp và ông chợt nhận ra rằng lúc trước những bức thư pháp ông vẽ cũng đẹp không thua những bức ông đang xem là bao. Ông biết trước đây ông vẫn chưa luyện tập một cách thực sự say mê và cần mẫn.
Sau đó, ông bỏ công lên tận Lạng Sơn, Móng Cái để tìm những cuốn sách quý về chữ Hán, về thư pháp và luyện tập ngày đêm. Ông kể, vì thư pháp mà ông sẵn sàng quên ăn, quên ngủ. Một ngày ông dành đến 16, 17 tiếng để học và luyện thư pháp.
Công sức và sự đam mê thư pháp của ông đồ Lê Thiên Lý đã được những người yêu thư pháp ghi nhận qua 2 cuộc triển lãm tại Festival Huế năm 2006 và 2008. Hơn nữa, 2 bức thư pháp viết theo lối chữ Triện "Chiếu dời đô" và "Nam Quốc Sơn Hà" hiện đang được để tại đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý cũng rất nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Quá trình nghiên cứu thư pháp, ông Lê Thiên Lý nhận thấy thư pháp Trung Hoa và thư pháp Việt Nam từ hàng ngàn đời nay đều đi theo 5 lối viết cơ bản là Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư. Hơn nữa, cả 5 lối viết đó đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều đó đã khiến ông băn khoăn và muốn làm một cái gì đó để thoát khỏi lối mòn từ ngàn đời. Chính vì thế, ông đã tập trung nghiên cứu và chỉ mấy tháng sau, ông đã công bố 2 lối viết mới do chính ông sáng tạo ra là "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư". Hai lối thư pháp này đã tạo ra một sự khai phá kì lạ so với thư pháp đơn thuần.
Với "Nhân diện thư", chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách…của nhân vật.
Còn lối viết "Vật điểu thư" thì mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của con chim hoặc bông hoa. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp đã được ông thổi vào những con chim, bông hoa đó khiến nó sống động và bay bổng như thật.
Hai lối viết thư pháp mới của nghệ nhân Lê Thiên Lý đã loại bỏ được cái thô cứng và khuôn mẫu của những lối viết thư pháp trước đó.
Hai thể chữ thư pháp mới này đã ngay lập tức gây xôn xao giới thư pháp. Ngoài việc miêu tả nghĩa, loại hình thư pháp mới còn miêu tả thần thái của vật, người. Tên mỗi người phải hiện lên được thần thái của người đó. Tên mỗi loài vật, người ta có thể hình dung vật đó như thế nào…
Ông Lê Thiên Lý cho chữ tại tháp Tường Long
Ông Lý chia sẻ thêm, trước Tết năm nay, ông đã nghiên cứu sáng tạo thư pháp hình con trâu hết sức độc đáo, sinh động theo phong cách "Vật điểu thư". Ông chọn viết bằng chữ quốc ngữ để nhiều người có thể đọc và luận ngay được. Kể từ lần đầu tiên viết thư pháp hình con ngựa năm Giáp Ngọ, rồi kinh nghiệm viết chữ hình dê, khỉ, chó, gà, lợn…của con giáp các năm trước giúp ông tư duy nhanh hơn, nhưng cái khó là viết thư pháp hình con trâu phải toát lên thần thái, tạo thành bức tranh sống động, bắt mắt, dễ treo.
Nghiên cứu kỹ lưỡng đặc trưng của loài trâu, tính toán, sắp xếp các chữ cái trong chữ Tân Sửu tương ứng với các bộ phận của con trâu sao cho hợp lý, không khiên cưỡng rồi kiên trì tập viết ngót trăm lần theo các khổ giấy thật thuần thục để có được một bức ưng ý và sáng tác đồng loạt. "Con trâu là đầu cơ nghiệp", gắn liền với cuộc sống của những người nông dân "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Với bản chất hiền lành, chăm chỉ, cần cù, hình ảnh con trâu gần gũi, thân thuộc đã đi vào thơ ca, tục ngữ, đồng dao. Trâu cũng là loài vật rất mạnh mẽ, khỏe mạnh, thiện chiến và cũng là biểu tượng cho hy vọng sung túc, giàu có, cuộc sống an lành, tài khí dồi dào…
---
Ước nguyện năm mới an khang, thịnh vượng, thành công, vạn sự như ý đã được gửi gắm trong nét chữ uyển chuyển, tài hoa, tràn đầy sức sống và sắc xuân "Nhà có trâu mộng, vui đón xuân nồng, bách sự thành công, gia đình hạnh phúc". Những con trâu ngộ nghĩnh được hiện lên rất sinh động qua nét vẽ tài hoa của người nghệ nhân già. Đây là món quà ông muốn dành tặng mọi người dân nhân dịp Tết đến, xuân về, với mong muốn nhà nhà no ấm, an vui, hạnh phúc…
Bình luận (0)