Có lẽ tin Kim Dung - ông vua của dòng tiểu thuyết kiếm hiệp vĩ đại nhất châu Á - qua đời ở tuổi 94 ngày 30-10 vừa qua là một tin buồn đối với đông đảo độc giả toàn cầu, đặc biệt là độc giả Việt Nam, có hơn 50 năm đọc, dõi theo và ủng hộ Kim Dung.
Độc giả bình dân hay bác học đều mến mộ
Kim Dung được đông đảo độc giả Việt Nam, cả bình dân - đại chúng và hàn lâm - bác học mến mộ. Ông thật sự vĩ đại ở chỗ đã khai mở con đường riêng cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, đã phát quang cho nó một đại lộ mà nhiều giới độc giả khác nhau có thể đi chung. Độc giả bình dân say mê cốt truyện hấp dẫn, chuyện tình yêu phong phú, các pha đánh đấm lôi cuốn, những chi tiết ly kỳ… Độc giả bác học như Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Đông Thức… và nhiều nhà nghiên cứu phê bình khác đọc theo kiểu hấp thu những triết lý Phật, Đạo, Nho…, những trầm tích văn hóa Trung Hoa như trà đạo, tửu đạo, võ học, triết học, thi ca, lịch sử…thật giàu có và phong phú trong tiểu thuyết của ông.
Nhà văn Kim Dung Ảnh: TƯ LIỆU
Rất nhiều nhân vật của ông đã trở thành "điển hình" cho hình ảnh người anh hùng lý tưởng có cốt cách trung hậu, hiền lương, có thiên tư võ học, chung thủy trong tình yêu, nhân nghĩa trong tình bạn, tình đồng môn, tiêu sái, tự do,… như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Thạch Phá Thiên, Đoàn Dự, Hư Trúc, Lệnh Hồ Xung và… Tiêu Phong.
"Thiên Long bát bộ" và "Lộc Đỉnh ký" là 2 tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết kiếm hiệp khi Kim Dung vượt thoát khuôn mẫu xây dựng hình ảnh người anh hùng lý tưởng. Vi Tiểu Bảo là một nhân vật mang tính giễu nhại như kiểu Don Quijote của Cervantes vậy. Nhân vật này đi ngược tất cả những chuẩn mực anh hùng mà trước nay ông xây dựng: không đẹp trai, không giỏi võ, nhát chết, nhiều vợ, ma mãnh, khôn lỏi, linh hoạt, xuất thân hèn kém,… Đến "Lộc Đỉnh ký", nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung đã có một bước tiến mới, rất gần với tiểu thuyết hoạt kê và châm biếm.
Tiêu Phong - bóng dáng của Kim Dung
Tiêu Phong (hay Kiều Phong) là mẫu nhân vật được Kim Dung tâm đắc, tôi cho đây là hình mẫu nhân vật gần với Kim Dung nhất. Tiêu Phong là một nhân vật bi kịch. Không có cái gì đến với anh dễ dàng, tự nhiên, mọi thứ đều là nỗ lực, là cố gắng, là vươn lên không ngừng bằng sự thông minh, sự gian khổ, sự tôi luyện…Nhưng rồi, những thành tựu của Tiêu Phong rốt cuộc cũng thành số 0 khi anh phát hiện mình không phải là người Hán mà là người Khiết Đan. Bi kịch của Tiêu Phong không phải là mất chức bang chủ, không phải là bị nghi ngờ mà là vì anh không thuộc về nơi nào cả: Hán không, Khiết Đan không. Anh thuộc về con người, với tất cả thuộc tính tốt đẹp nhất của nó và anh không thể được chấp nhận trong một xã hội không tốt đẹp.
Bi kịch của Tiêu Phong là bi kịch của một anh hùng cô đơn, cô đơn vì người hiểu anh nhất, yêu anh nhất thì đã chết, cô đơn vì xã hội đó buộc anh phải chọn hoặc là một người Khiết Đan phản bội lại dòng máu của mình hoặc là một người Hán hiếu chiến mà anh thì không muốn cả hai.
Với Tiêu Phong, không có chuyện "vô cầu nhi đắc" - một triết lý rất phổ biến trong truyện Kim Dung. Thành ra anh là con người thực nhất trong tất cả các nhân vật lý tưởng. Trương Vô Kỵ quá hoàn hảo, Quách Tĩnh nhân hậu nhưng khờ khạo, Dương Quá thông minh nhưng bất chấp, cực đoan, Vi Tiểu Bảo quá ma lanh, giễu nhại. Tiêu Phong là nhân vật đàn ông đúng nghĩa: chung thủy, trung nghĩa, lương thiện, tử tế, tài giỏi nhưng rồi cũng tội nghiệp và đáng thương.
Loại nhân vật như Tiêu Phong là nhân vật rất hiện đại, có căn cước lưỡng dạng (dual identity) rất giống với Kim Dung. Ông là người Trung Quốc sang sống ở Hồng Kông. Số phận các tác phẩm của Kim Dung cũng giống như Tiêu Phong vậy, có một thời gian ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, tác phẩm của ông bị chê bai, rẻ rúng, bị xếp vào loại "văn hóa phẩm đồi trụy", bị cấm xuất bản, bị tịch thu. Mãi đến những năm 1990, tác phẩm của ông mới được quay lại chính thức tại 3 quốc gia, lãnh thổ này như một minh chứng cho sự tồn tại bất diệt của giá trị tác phẩm văn học. Như vậy, Kim Dung may mắn hơn Tiêu Phong, ở chỗ sau này, ông không phải "băn khoăn" (tên một chuyên khảo của Nguyễn Mộng Giác: "Nỗi băn khoăn của Kim Dung") về những đứa con tinh thần của mình, mà chúng và ông đã trở thành những sản phẩm của văn hóa đại chúng toàn cầu, "between the world" (giữa thế giới - chữ dùng của Bell Adams khi nhận định về những nhà văn mang tính quốc tế).
Kim Dung hạnh phúc hơn Tiêu Phong, nhất là khi tôi quan sát gương mặt ông qua các bức ảnh chụp 30 năm trở lại đây, có già đi nhưng thần thái không đổi, đó là gương mặt của một người biết mình làm gì, như thế nào và như vậy thì đã chấp nhận đi đến cùng con đường mình đã chọn, có gì phải hối tiếc?
Một nén tâm hương gửi đến nhà văn, có lẽ là một trong những nhà văn nước ngoài được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Mối duyên với làng văn Việt Nam
Mối duyên của Kim Dung với làng văn Việt Nam là 2 bộ "Bích huyết kiếm" và "Cô gái Đồ long" (được Từ Khánh Phụng dịch năm 1960). Thập niên 1960-1970, Kim Dung (và cả Quỳnh Dao) khuynh loát thị trường chữ nghĩa sách, báo Sài Gòn. Hơn 40 tờ báo ngày và 30 nhà xuất bản thời đó đều in truyện Kim Dung. Những dịch giả truyện Kim Dung như Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng, Thương Lang, Phan Cảnh Trung,... trở nên giàu có. Vì lẽ đó, việc đặt tên con, lấy bút danh từ các nhân vật truyện Kim Dung không hề hiếm. Tôi có một người bạn thời đại học tên là Triệu Minh, bản thân tôi được ba đặt tên là Hoa Tranh, một nhân vật trong "Anh hùng xạ điêu"; hay những bút danh như Kiều Phong (Lê Tất Điều), Kha Trấn Ác (Chu Văn Bình), Hư Trúc (Nguyên Sa), Mạc Đại Tiên sinh (Vũ Đức Sao Biển),... xuất hiện từ thời đó rất nhiều.
Bình luận (0)