Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết con gái nhà văn Lê Lựu thông báo ông qua đời vào hơn 16 giờ ngày 9-11, tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên.
Nhân vật đặc biệt của văn học Việt
Cuối đời, nhà văn Lê Lựu chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật, phải nằm liệt một chỗ. Sức khỏe của ông suy yếu từ năm 2006, thường xuyên ra vào bệnh viện vì nhiều lần bị tai biến mạch máu não và nhiều loại bệnh khác. Trước đây, Lê Lựu sống cùng người giúp việc tại Tam Trinh, TP Hà Nội, tuy nhiên khi bệnh tình của ông quá nặng, người con gái đầu của nhà văn đã đón ông về quê ở Hưng Yên chăm sóc.
Vài ngày trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa đến nhà thăm nhưng ông bất tỉnh, không còn biết gì. "Dù không quá bất ngờ nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn cảm thấy buồn. Đó thật sự là một cảm xúc khó tả, thật sự rất tiếc thương..." - nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động.
Sự ra đi của nhà văn Lê Lựu để lại nhiều nỗi tiếc thương trong lòng bạn bè đồng nghiệp. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho hay ông cũng có duyên nợ với nhà văn Lê Lựu, khi viết nhạc cho phim "Thời xa vắng" chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn. Chính nhờ mối duyên này mà nhạc sĩ đã được giải cho nhạc phim hay nhất Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 (2005).
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thành kính: "Xin cúi đầu tiễn biệt ông, nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam". Nhà phê bình Ngô Văn Giá bày tỏ sự tiếc thương: "Ông ra đi, văn ông còn lại mãi".
Người mở đầu cho văn học đổi mới
Là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam như "Mở rừng", "Đại tá không biết đùa", "Sóng ở đáy sông", "Chuyện làng Cuội", "Một thời lầm lạc", "Thời xa vắng"..., Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên được Trung tâm William Joiner (WJC - Đại học Massachussetts) mời sang Mỹ giao lưu, nói chuyện, nhằm bước đầu hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh những năm 1987-1988.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá Lê Lựu chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ, để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Nhà văn Lê Lựu Ảnh: TƯ LIỆU
Nhà văn Lê Lựu xuất bản "Thời xa vắng" lần đầu năm 1986. Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm "Thời xa vắng" của Lê Lựu. Tiểu thuyết được bạn đọc nồng nhiệt tìm đọc, được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới.
"Thời xa vắng" lấy bối cảnh với cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé cứ ám ảnh nhân vật chính Giang Minh Sài, gây ra một tiếng vang lớn vượt quá sức tưởng tượng của tác giả. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét tác phẩm đã để lại một dấu ấn trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX và trong lòng độc giả.
Lê Lựu viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Nhân vật Giang Minh Sài của ông được bạn đọc nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương lúc đó, vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.
Tiểu thuyết "Thời xa vắng" đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa vào năm 2003 do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện, phim đoạt giải Cánh diều bạc năm 2004. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Với "Thời xa vắng", Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của "Thời xa vắng" đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954".
Đau đáu với những trang viết
Các nhà chuyên môn cho rằng tiểu thuyết "Thời xa vắng" là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác. Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài.
Tiểu thuyết "Sóng ở đáy sông" thu hút độc giả, giới phê bình và cả những người làm phim ngay sau khi công bố vào năm 1994. Năm 2000, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết do đạo diễn Lê Đức Tiến thực hiện được phát sóng truyền hình cũng đã gây xôn xao dư luận. Tiểu thuyết kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của Núi, người được sinh ra bởi sai lầm của người cha. Cuộc đời của Núi với những nỗi bất hạnh đeo đẳng đã thu hút được sự quan tâm từ đông đảo khán giả, thậm chí trong thời gian phim đang phát sóng, một vài người tự xưng là nguyên mẫu trong tiểu thuyết gốc đã đến tận nhà của Lê Lựu để đòi chia tiền nhuận bút.
Lối viết mộc với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt đã giúp người đọc bước vào một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...
Là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, nhưng theo Lê Lựu, ông mới là người đau khổ nhất. Nhà văn từng tâm sự: "Thằng Núi trong "Sóng ở đáy sông" cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong "Thời xa vắng" nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi". Lê Lựu trải qua hai cuộc hôn nhân và có ba người con nhưng cả hai cuộc hôn nhân này đều để lại cho ông nhiều muộn phiền. Mơ ước cuối đời của ông là được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương cho ông bà, mà không bị ai cản trở…
Trước khi bị bệnh tật hạ gục hoàn toàn, hơn 10 năm trước, ngay cả khi mỗi ngày uống hàng vốc thuốc, nhà văn Lê Lựu vẫn còn đau đáu với việc viết lách. Có những cuốn ông viết từ trước, mang ra bổ sung thêm, nhưng có những quyển mới viết như "Thời loạn" và "Ở quê"..., ông đọc cho nhân viên viết hộ, dù biết như thế suy nghĩ sẽ không sâu.
Ông từng tâm sự, mình là một nhà văn nông dân đi cày từng xá cày trước cánh đồng chữ nghĩa mênh mông không trông thấy chân trời. Nhiều người viết vì nhu cầu đòi hỏi chứ không phải khoe khoang, là mình có nhiều sách hoặc khoe khoang sự cần mẫn. Với ông: "Viết như là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của mỗi nhà văn. Dù biết rằng có khi quyển sau không hay bằng quyển trước nhưng vẫn cứ phải viết, vì không thể bỏ được. Nhiều khi đang nằm chữa bệnh trong bệnh viện mà vẫn cứ nghĩ xem có ra được cái tứ nào không, mà nghĩ hằng năm lại chẳng ra được chữ nào".
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12-12-1942, tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1974.
Tác phẩm của ông từng được trao nhiều giải thưởng. Truyện ngắn "Người cầm súng" giành giải nhì Báo Văn nghệ 1968, tiểu thuyết "Thời xa vắng" đoạt giải A, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1990.
Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1.
Nhà văn Lê Lựu Ảnh: TƯ LIỆU
Bình luận (0)