Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài đã được NXB Kim Đồng tổ chức bằng một buổi tọa đàm của văn nghệ sĩ diễn ra sáng 25-9 tại Hà Nội. 94 tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ trải rộng trên nhiều đề tài, Tô Hoài được coi là nhà văn của mọi lứa tuổi, của nhiều thời, nhiều tầng lớp. Ông còn được nhìn nhận chính là người tiên phong mở lối và xác lập vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam (hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi).
Cây bút cự phách
Đến với văn học từ những năm 1930, trong suốt cuộc đời gần 80 năm sáng tạo bền bỉ, nhà văn Tô Hoài sở hữu gần 200 đầu sách. Nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho rằng người ta thấy nể trọng vì sức làm việc dẻo dai cần mẫn của ông. Tô Hoài làm đủ thứ việc, từ tổ trưởng dân phố đến phụ trách tờ báo, đi thực tế đến lãnh đạo hội văn nghệ, toàn những việc nhà văn nào cũng ngại vì nó làm lười đi nghiệp viết lách nhưng ông vẫn viết đều và viết hay.
Một số đầu sách tiêu biểu đã được xuất bản của nhà văn Tô Hoài
Viết nhiều nhưng Tô Hoài viết hay nhất là hai vùng đất gắn bó với ông: ngoại ô Hà Nội và Tây Bắc. Theo nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, viết về Hà Nội, Tô Hoài là một cây bút cự phách. Ông đã để lại nhiều trang văn xuất sắc vì câu chữ của ông không những thể hiện được văn hóa, phong tục mà còn thể hiện được hồn vía của người Hà Nội. Không ai hơn Tô Hoài về vùng đất ngoại ô đã đành nhưng cũng hiếm ai vượt được ông về đời sống văn nghệ sĩ Hà Thành. Với giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh và tinh tế, những triết lý của Tô Hoài bắt nguồn từ những câu chuyện xảy ra đâu đó trong cuộc sống chứ không phải là sản phẩm của những tư biện xám màu. Đó cũng chính là bí quyết chinh phục độc giả của ông. Đọc ông, người ta không thấy gượng, không thấy giả cũng vì lẽ đó.
Tô Hoài không phải là người duy nhất sử dụng thể loại tạp bút để viết về Hà Nội nhưng theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, ông đã đem lại cho thể loại này một quyền lực đáng kể, cạnh tranh về khả năng hấp dẫn bạn đọc so với truyện ngắn hay tiểu thuyết. Đề tài Hà Nội đã có nhiều người lựa chọn, nhưng phải đến Tô Hoài, mới là người có duyên viết ra những tác phẩm có sắc thái giải trí.
Một tấm gương sống
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho hay có cảm giác như Tô Hoài biết nuôi dưỡng một bí mật, đó là những chuyện kể, những hồi ức của ông đều là những chuyện ông đã nhập tâm, đã biết từ khi nào. Nhà văn Hồ Anh Thái kể thêm rằng Tô Hoài chủ ý chỉ viết về những gì mình biết, không viết về những gì mình nghe người khác kể lại. "Nhà văn chỉ viết về những gì mình biết nên cái hiểu cũng là hiểu những gì thiết thực rõ ràng. Ông xa lạ với những học thuyết, những tâm trạng trí thức phức tạp" - nhà văn Hồ Anh Thái nhận định.
Theo GS Phong Lê, càng cuối đời, Tô Hoài viết càng lên tay. Sự bền bỉ không chút nản, mỏi; khả năng giữ cho mình có được cái mới và vượt lên bản thân của Tô Hoài thật đáng nể trọng. Ngoài 60, rồi ngoài 70, vẫn chẳng có gì là sút đi trong sức viết. Vẫn là một Tô Hoài không lẫn với ai, một Tô Hoài hết mình, hóm hỉnh và thông minh, nhẹ nhõm mà có sức nặng. Cứ như đùa mà thật nghiêm chỉnh. Nhũn nhặn, khiêm nhường mà dũng cảm, chẳng biết sợ là gì. "Tô Hoài mở rộng tầm mắt cho tất cả sự thật ùa vào, kể cả những điều tưởng chỉ có thể đào sâu, chôn chặt" - GS Phong Lê nhận xét.
Với nhà văn Hồ Anh Thái, Tô Hoài là người chú trọng tìm chữ. Thấy chữ nào hay, chữ nào mới trong dân gian ông đều ghi nhớ. "Trên cành cây lúc lỉu quả. Chữ lúc lỉu này bây giờ dùng thành quen nhưng thực ra ban đầu đó là từ của Tô Hoài" - nhà văn Hồ Anh Thái nhắc nhớ.
Với nhà văn này, Tô Hoài là một tấm gương sống nhiều, sống thọ, sống bình thản trước mọi sự, không giận dữ, không tự gây khó cho mình bằng những cố lên. Làm việc không ngừng nghỉ nhưng tham gia công việc của cơ quan, của phường phố, tản bộ ung dung chứ không nhất thiết phải gắng sức tập tành. Cứ thế mà đi gần trọn một thế kỷ.
Ra mắt bộ ấn phẩm đặc biệt
NXB Kim Đồng ra mắt bộ ấn phẩm đặc biệt nhằm tri ân và tưởng nhớ nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Độc giả được tiếp cận với 12 ấn bản khác nhau của cuốn sách nổi tiếng nhất mà nhà văn Tô Hoài viết cho thiếu nhi - "Dế mèn phiêu lưu ký" như bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt - Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản do nữ họa sĩ 9x Đậu Đũa minh họa; bản cuốn truyện tranh chuyển thể "Cuộc phiêu lưu của Dế Út": Phần mở đầu của họa sĩ trẻ Linh Rab...
Bên cạnh đó, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng phần nào gia tài văn chương đồ sộ của nhà văn Tô Hoài với bộ Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi - được coi là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn và lần đầu tập hợp một số tác phẩm chỉ xuất hiện trên tờ "Truyền bá" từ những năm 1941-1942. Bộ tuyển tập gồm 4 tập: "Truyện đồng thoại - Kịch", "Truyện sinh hoạt", "Truyện các gương anh hùng cách mạng" và "Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích". Truyện đồng thoại Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và ấn bản tiếng Anh "A Mouse Wedding" lần đầu ra mắt độc giả.
Bình luận (0)