Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yêu âm nhạc dân tộc?
- Nhạc sĩ ĐẠT KÌM: Tôi nghe bố mẹ kể chỉ mới lớp 2 tôi đã thuộc tất cả làn điệu chèo cổ, các lời thoại, các làn điệu trong vở "Lưu Bình Dương Lễ" và nhiều vở khác. Đó là tố chất bản năng của cậu bé được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc (ANDT). Bố tôi là nghệ sĩ hát chèo ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông là người đã dẫn dắt và nuôi dưỡng ngọn lửa nghệ thuật trong tôi.
Nhưng phải đến khi tôi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia năm 1996, bố đã chọn cho tôi học bộ môn đàn nguyệt (hay còn gọi là đàn kìm) thì tình yêu ANDT mới định hình trong tôi.
Cho đến dịp tôi tham dự Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2003 tại Hà Nội, lúc đó tôi là thành viên trẻ tuổi nhất của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 3 và đã cùng đoàn đoạt một số HCV, HCB, tôi bắt đầu hiểu được những giá trị của ANDT từ đó. Tôi cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện mỗi khi được ôm cây đàn kìm bước lên sân khấu.
Nhạc sĩ Đạt Kìm (Ảnh: ĐATKIM STUDIO)
Anh đã trải qua những khó khăn nào để quen dần với ANDT và yêu tiếng đàn kìm?
- Mới học hết cấp I phải xa gia đình vào ở ký túc xá, bắt đầu con đường học nghề dài đằng đẵng. Trong 2 năm đầu, khi bắt đầu tiếp xúc với cây đàn kìm, tôi như một tờ giấy trắng và cũng không có bất cứ một sự chuẩn bị nào với nó, cầm cây đàn cũng không nổi vì nó quá to so với thân hình mình. Lúc đó, với cậu nhóc 11 tuổi chỉ là sự nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải đã chỉ dạy cho tôi suốt những ngày tháng sau đó, nhờ vậy tôi đã dần hiểu được bản thân mình cần gì để trở thành một nghệ sĩ chơi đàn kìm chuyên nghiệp.
Có bao giờ anh nản chí, định rời xa cây đàn kìm?
- Nếu nản chí thì không ai gọi tôi là "Đạt Kìm" cho đến hôm nay. Tôi chưa bao giờ nản, vẫn dành tình yêu sâu đậm cho đàn kìm.
Điều anh quan tâm nhất hiện nay là gì về vấn đề giáo dục nguồn nhân lực cho ANDT?
- Theo tôi, vấn đề lớn nhất để tạo dựng nguồn nhân lực cho ANDT trước hết là từ những giảng viên. Cách đây 20 năm, chúng tôi được thầy cô dạy rất rõ ràng và bài bản về nhạc cổ và tân nhạc với giáo trình dành cho những tác phẩm viết cho nhạc cụ và dàn nhạc theo phong cách mới dựa trên chất liệu ANDT. Hiện nay, giảng viên trẻ hầu như không phát huy được tố chất khơi gợi sự trẻ trung trong cách dạy ở thời đại hội nhập.
Thầy dạy sao thì họ dạy lại y chang như thế cho sinh viên của mình, dẫn đến tình trạng các sinh viên sau khi rời nhà trường gần như phải ngụp lặn và tự tìm cách tiếp cận nghệ thuật đương đại cho bản thân.
Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của chúng ta vẫn đã và đang sử dụng giáo án từ cách đây trên 40-50 năm. Những giáo án này giữ nguyên vẹn được "lòng bản cổ", nhưng vấn đề tân nhạc thì chưa bắt kịp xu thế của xã hội. Cần có một giáo án mới và chiến lược cải cách trong đào tạo để sinh viên tiếp cận tân nhạc, ứng dụng những cái mới vào trong ANDT. Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan, chúng ta đang bảo tồn chứ không phải "bảo tàng hóa" ANDT.
Gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, anh nhớ kỷ niệm nào nhất?
- Đó là nơi cho tôi những thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc. Năm 2009, tôi tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Nha Trang. Tôi được nhà hát giao cho 2 trọng trách: thể hiện tác phẩm độc tấu đàn kìm "Tiếng đàn trên sông" của cố NSND Trần Chính và hòa âm tác phẩm "Tình đất phương Nam", chuyển thể từ chầu văn Huế do NSƯT Vân Khánh cùng 2 nghệ sĩ múa NSƯT Linh Nga và nghệ sĩ Trung Hiếu thể hiện.
Hai tác phẩm này đã xuất sắc giành được 2 HCV trong chương trình. Với tôi, 2 huy chương đó rất ý nghĩa, đánh dấu con đường mới của bản thân tôi, bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp.
Vừa qua, anh đã tạo được dấu ấn đẹp trong các chương trình Chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chương trình sân khấu hóa "Chiến thắng Đống Đa lịch sử", anh lấy chất liệu sáng tác từ đâu để hòa âm phối khí cho tiết mục hấp dẫn, sinh động?
- Theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM thì tất cả chương trình của TP đều phải thể hiện rõ bản sắc dân tộc của vùng đất phương Nam và phải thể hiện đủ tính hội nhập trong thời đại mới, tính hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ TP mang tên Bác.
Từ 2 yếu tố này, tôi đã lên ý tưởng sáng tác và phối khí. Các tác phẩm được vang lên trên hệ thống cơ bản của ANDT nhưng trong một không gian cực kỳ hiện đại. Chủ yếu là những nét nhạc dân tộc, ít nốt nhưng tập trung vào không gian mình muốn tạo dựng mang đến cho người nghe một cảm giác hiện đại, biến hóa nhưng vẫn trên nền cơ bản của ANDT.
Khi được mời tham gia chương trình nghệ thuật múa "Những dấu son thành phố mang tên Bác", anh đã trăn trở thế nào để sáng tác âm nhạc cho tác phẩm múa đỉnh cao này?
- Tác phẩm này là thành quả lớn nhất trong thời gian gần đây của tôi và ê-kíp thực hiện. Toàn bộ vở múa hơn 60 phút, tôi sử dụng hoàn toàn âm nhạc giao hưởng và đương đại, không có nhạc cụ dân tộc nhưng lại trên thang âm và chất liệu ANDT. Tôi chọn phong cách thể hiện giao hưởng vì nó đủ sức chuyển tải được toàn bộ tư tưởng của tác phẩm múa và đưa vào đó chất liệu ANDT để thể hiện những góc độ nghệ thuật như một vở chèo cổ nhưng được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch "Broadway" đầy màu sắc của từng chương. Tôi hài lòng với sự sáng tạo này của mình.
Để hiểu và trân trọng hơn giá trị của lao động nghệ thuật là không chấp nhận thành quả cũ, mà phải luôn hướng đến cái mới. ANDT của chúng ta không chỉ là cái lõi khoác lên mình những tấm áo đẹp như pop, rock, symphony… mà ngay chính trong sự kết hợp đó tôi khao khát sẽ tạo ra được những dòng nhạc đặc trưng, góp phần định hình một khám phá mới, đủ sức hấp dẫn và đạt đến chiều sâu đầy cảm xúc để giới thiệu với bạn bè trên thế giới.
Nhìn lại chặng đường đã qua anh đã hài lòng với chính mình và điều gì khiến anh còn hối tiếc?
- Với những người lao động nghệ thuật như chúng tôi, điều hối tiếc nhất luôn là thời gian dành cho những tác phẩm của mình. Sự trau chuốt và kỹ lưỡng với những "đứa con cưng" của mình là không bao giờ đủ mà thời gian thì không cho phép.
Do đó, có thể nói, nhiều khi tôi hơi tham lam khi muốn làm cho nó đẹp hơn nữa, hay hơn nữa mà quên mất tác phẩm sẽ có cuộc sống riêng của nó khi bước chân tới công chúng yêu nghệ thuật.
Mỗi người sẽ có những đánh giá và cái nhìn khác nhau về tác phẩm đó, sau mỗi tác phẩm tôi thường dành chút thời gian ngẫm nghĩ và… hối tiếc, giá như, nhưng gọi là hài lòng thì chưa bao giờ. Vì tôi vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường đã chọn.
Nhạc sĩ Đạt Kìm tên thật là Đặng Tiến Đạt (sinh ngày 14-10-1985 tại Tiền Hải, Thái Bình). Anh theo học 7 năm tại Học viện Âm nhạc quốc gia (1996-2003), tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện TP HCM (2008-2015). Anh được giới chuyên môn đánh giá là một nhạc sĩ tài hoa, trong sáng tác đã biết kết hợp ANDT với các dòng nhạc khác. Hiện nay, anh là nhạc sĩ tự do, sống tại TP HCM.
Nhạc sĩ Đạt Kìm (Ảnh: ĐATKIM STUDIO)
Nhạc sĩ Đạt Kìm đã tạo dấu ấn đậm nét với vai trò Giám đốc âm nhạc các chương trình và sự kiện nghệ thuật lớn như: "Festival Bạc Liêu -100 năm Dạ cổ hoài lang"; "Festival Cà phê - Buôn Ma Thuột năm 2019"; "Festival Hoa Đà Lạt"; "Festival Hang động Quảng Bình"; "Festival Trầm hương Nha Trang"; tác phẩm múa đỉnh cao "Những nét son TP mang tên Bác -2020"; chương trình "Chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại TP HCM - 2021"...
Bình luận (0)