NSƯT Hải Phượng đến chúc mừng nhạc sĩ Hoài An ra mắt album phổ thơ Lâm Xuân Thi
*Phóng viên: Anh tìm thấy điều gì ở thơ Lâm Xuân Thi và quyết định làm album này?
- Nhạc sĩ Hoài An: Thơ Lâm Xuân Thi có phong cách rất riêng với nhiều hình ảnh độc đáo, câu từ tinh tế và đôi lúc pha chút hài hước, tự trào. Tôi rất hợp với không gian trong thơ của anh và việc tự do hoà mình vào nhân vật trong thơ - theo cách cảm nhận của tôi, đã giúp cho phần âm nhạc được thoải mái bay bổng. Việc thực hiện album đến rất tự nhiên sau khi tôi phổ nhạc nhiều bài thơ của Lâm Xuân Thi.
* Điểm chung trong thơ Lâm Xuân Thi và nhạc Hoài An là gì?
- Tôi nghĩ đó là sự phong phú về chủ đề, hình tượng. Thơ Lâm Xuân Thi mỗi bài đều rất đặc biệt. Ngay cả nỗi buồn cũng có chút hài hước hoặc bất ngờ dễ thương dù chỉ bằng một câu thơ cuối bài. Về nhạc thì tôi cũng viết nhiều thể loại và chủ đề rất khác nhau trong hơn 700 bài đã sáng tác. Trong "Thơ ca" tôi cũng đã đưa vào sự phong phú về thể điệu và cách dàn dựng. Tôi rất thích album này.
Nhạc sĩ Hoài An và nhà thơ Lâm Xuân Thi
* Ra hẳn một album vật lý chi phí cao, anh có nghĩ mình đang phí tiền?
- Đây là một câu hỏi hay và thực tế. Khi in "Thơ Ca" với hình thức rất đẹp (tuyển tập thơ - nhạc với đầy đủ các bài thơ và bản ký âm, bìa cứng, CD, có mã QR để tải nhạc số) tôi cũng đã suy nghĩ kỹ. Tôi được biết nhà thơ Lâm Xuân Thi cũng chưa in tập thơ của anh nên không có gì đẹp hơn là thơ một bên và nhạc một bên (trang sách).
Đương nhiên chi phí in ấn là lớn và lớn hơn nữa là công sức làm 12 bản nhạc ra đến bản thu âm gốc hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu không có 17 bài thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi thì tôi cũng không thể có được 1 bài nào trong album này. Tiền thì ai cũng cần cho cuộc sống và thực tế là tôi đang sống bằng bản quyền tác phẩm âm nhạc. Nên tuỳ cách nhìn đường ngắn hạn hay dài hạn thì mới có thể nói là mất… hay là được.
Nhạc sĩ Hoài An: Hết thời hay không thì tôi vẫn đang sống bằng tiền tác quyền
* Anh nghĩ thế nào khi có nhận định thời của Hoài An đã qua?
- Tôi không quan tâm lắm vì tôi biết con đường mình đang đi là đúng, tôi đã dần chuyển hướng sáng tác từ 2006. Nếu chỉ chăm làm bài hit và nhìn ngắn hạn (3-6 tháng/bài) thì sẽ khó có bài theo chiều sâu. Mà theo tiêu chí này thì tôi đã có vài trăm bài, nhiều bài trong số đó hơn 20 năm rồi vẫn góp phần "nuôi" tôi đấy thôi.
* Nhận xét của anh về âm nhạc và cách vận hành của nhạc Việt hiện tại?
- Mỗi thời mỗi khác. Hiện nay, một số ca sĩ rất tập trung cho mảng online và "đánh" từng bài hit. Hầu hết ca sĩ đều có công ty hay quản lý riêng, đội ngũ truyền thông - xây dựng hình ảnh… Trừ một số ca sĩ có lượng người hâm mộ lớn và ổn định, số còn lại hầu như phải tính toán để đạt mức mong muốn về lượt view, chia sẻ, theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Ai hụt hơi sẽ không theo được cuộc chơi cần đầu tư lớn như thế này.
Tôi vẫn thích các ca sĩ theo hướng có nhiều sản phẩm mới, chất lượng, mang dấu ấn cá nhân, quan trọng nhất là có thực lực chuyên môn. Tuy thị trường có vẻ rất sôi động nhưng những ca sĩ như vậy thì rất hiếm.
Nhạc sĩ Hoài An chơi rất nhiều nhạc cụ
* Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại?
- Tôi dành nhiều thời gian đọc truyện, xem phim hay các chương trình nhạc quốc tế - vốn có nhiều điều hay mình cần học hỏi. Khi có cảm hứng tôi sẽ viết bài mới. Ngoài ra, tôi dành một ít thời gian tập thêm nhạc cụ dân tộc. Tính tôi ham tìm hiểu nên học được gì mới là thích lắm. Thời thanh niên đi quá nhiều nên có vẻ trung niên thích ở nhà. Nhưng cũng nhờ ít đi hẳn nên thời điểm giãn cách vì dịch COVID-19 tôi vẫn làm việc online và hầu như không bị cảm giác sốc như một số bạn bè.
Anh bắt đầu chơi nhạc cụ dân tộc
* Hiện tại, anh đặc biệt thích thú với chủ đề gì?
- Gần đây tôi ít viết bài về tình yêu đôi lứa, có lẽ đã từng viết rất nhiều về chủ đề này rồi nên… ngán, hay là trung niên đã không còn yêu nhiều như thời trẻ nên ít cảm hứng chăng? Tôi cũng không chắc.
Tôi dành thời gian mở rộng đề tài viết như sử ca, nhạc thiếu nhi; các chủ đề liên quan văn hoá dân tộc, sử dụng chất liệu dân gian.
Bình luận (0)