xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Người tài năng, nhân hậu

Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội

Nhạc sĩ Hồng Đăng có sự nghiệp âm nhạc rất đáng nể với hàng trăm tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu....

Cuộc điện thoại của chị Lê Anh Thúy, vợ anh Hồng Đăng, báo tin anh qua đời sáng 21-3 khiến tôi lặng người. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử, con người ta rồi ai cũng phải trải qua. Hôm qua ở đám tang nhạc sĩ Ngọc Châu, anh Đỗ Hồng Quân cũng nói anh Đăng đã yếu lắm nhưng sự ra đi của anh vẫn khiến tôi trĩu nặng nỗi buồn.

1. Với tôi, nhạc sĩ Hồng Đăng như một người anh trong gia đình. Anh Đăng với anh tôi - nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất - thân nhau từ xưa. Tôi đến với anh Đăng như một người em thân thiết và học được ở anh rất nhiều điều, không chỉ trong âm nhạc, mà còn trong cả cuộc sống. Anh Đăng là người hiểu biết, nhân hậu, thẳng thắn, không đồng ý gì sẽ nói ngay. Tính cách này có lẽ được thừa hưởng từ dòng họ nổi tiếng xứ Nghệ. Dòng họ Phan Đăng nhiều người đỗ đạt, thành danh.

Nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu là anh ruột của bố nhạc sĩ Phan Hồng Đăng. Cha anh là ông Phan Đăng Tài, trước cách mạng làm ở tòa sứ, rồi theo Việt minh, từng là Phó Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. 

Ông hiểu nhiều, biết rộng, thông thạo 7 ngoại ngữ, đã dịch nhiều tác phẩm với bút danh Phan Hồng Sơn, được mọi người gọi là "kho tư liệu sống". Ông Phan Đăng Tài là một nhà nho, lại có tài chơi đàn nguyệt. Anh Hồng Đăng từ nhỏ đã say mê tiếng đàn của bố và đi theo con đường âm nhạc từ đó.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Người tài năng, nhân hậu - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hồng Đăng thích đi thực tế và sáng tác từ những trải nghiệm qua những ngày dài rong ruổi. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

2. Có những nhạc sĩ gia tài chỉ vài chục bài. Nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng viết rất khỏe. Giống như nhạc sĩ Phạm Tuyên, anh có sự nghiệp âm nhạc rất đáng nể với hàng trăm tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Lĩnh vực nào anh Đăng cũng để dấu ấn nhưng có lẽ có duyên nhất là với nhạc phim. 

Anh gắn bó với nghệ thuật thứ bảy từ thời trai trẻ qua nhiều phim của những đạo diễn kỳ cựu như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Nông Ích Đạt, Huy Thành... Sáng tác của anh được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: "Lênh đênh" (phim "Đời hát rong"), "Biển hát chiều nay" (nhiều phim về đề tài biển), "Nỗi nhớ đêm đại dương" (phim "Những hạt muối của biển"), "Biển và cô gái tôi chưa quen" (phim "Những ngôi sao nhỏ"), "Không gian xanh" (phim "Vùng trời")...

Anh Đăng đi nhiều viết nhiều, anh thích đi thực tế và sáng tác từ những trải nghiệm qua những ngày dài rong ruổi. Anh nói với chúng tôi, muốn có sáng tác hay thì phải đi vào cuộc sống, ngồi trong phòng thì không thể có tác phẩm hay được. Tôi luôn nhớ những lời ấy và những tác phẩm tôi ưng ý nhất, đều là những tác phẩm xuất phát từ những chuyến đi thực tế.

3. Anh Hồng Đăng là người nhiều chữ. Không chỉ âm nhạc của anh được yêu thích, mà ca từ cũng để lại nhiều ấn tượng với người nghe. Anh am hiểu kiến thức văn hóa nhiều lĩnh vực nên ca từ của anh không cầu kỳ, trau chuốt mà tự nhiên như hơi thở, nó tinh tế và đẹp như một bài thơ. Không cần những lời kêu gọi "đao to búa lớn", tác phẩm của Hồng Đăng lưu lại trong tâm trí người nghe bằng những tâm tình rất giản dị. Điều đặc biệt là anh thường tự viết lời, chỉ trường hợp đặc biệt mới phổ nhạc thơ người khác.

Anh tham gia rất nhiều hội và ở vị trí nào (nhạc sĩ - Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc; Ủy viên BCH Hội Giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban Quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế), anh cũng đều làm tốt phần việc của mình. Không chỉ là nhạc sĩ tài hoa, là cây đa cây đề trong làng nhạc, anh Hồng Đăng còn rất được yêu quý vì sự chân thành anh dành cho mọi người.

4. Những năm cuối đời, anh Hồng Đăng nhiều bệnh, đi lại rất khó khăn, lại bị thêm bệnh tim hành hạ. Nhưng dù mệt, yếu, lần nào tôi đến thăm, anh cũng hỏi chúng tôi về tình hình anh em, về công tác Hội Âm nhạc Hà Nội. Anh rất tâm huyết với công việc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và điều đó khiến tôi trân quý vô cùng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng có cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Năm 1990, khi 54 tuổi, anh thêm một lần kết hôn với nữ kỹ sư xây dựng Lê Anh Thúy. Chị Thúy yêu quý và nể trọng tài năng của chồng nên luôn ở bên anh. Rất nhiều năm tháng, chiếc Cub 82 của vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng được mệnh danh là "chiếc xe huyền thoại", bởi trên chiếc xe ấy, bà cầm lái, ông ngồi sau rong ruổi khắp nơi. Những năm anh sức khỏe đi xuống, chị luôn ân cần bên cạnh, dìu chồng từng bước chân. Khi anh ốm, chị là người nâng giấc chăm sóc anh mỗi ngày.

5. Tháng 5-2020, tôi được tặng một máy quay phim Sony. Dự định của tôi là sẽ quay những thước phim tư liệu về các nhạc sĩ đàn anh, để các anh chia sẻ những tâm tư, những kỷ niệm, ký ức của mình. Tôi cũng đã đến nhà anh Hồng Đăng, nhưng chưa đủ duyên để quay những thước phim về anh, thì anh đã đi rồi.

Dự định còn dang dở. Nhưng tôi tin anh từ giã cõi trần một cách nhẹ nhàng, vui vẻ tuổi 86 để nghe "Biển hát chiều nay". Anh đi xa nhưng nỗi nhớ về anh thì còn mãi, với những "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Biển hát chiều nay", "Lênh đênh"… 

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vừa qua đời tối 20-3, hưởng thọ 90 tuổi. Ông sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong gia đình có nhiều người hoạt động nghệ thuật. Ông tốt nghiệp lớp biên kịch khóa một, Trường Điện ảnh Việt Nam. Ông từng là Trưởng Phòng Biên tập của Hãng phim Truyện Việt Nam, sau đó giữ chức Giám đốc Hãng phim Truyện I.

Hoàng Tích Chỉ là biên kịch, đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" chuyển thể từ tiểu thuyết "Bão tuyến" do ông sáng tác, "Em bé Hà Nội", "Biển gọi", "Trên vĩ tuyến 17", "Mối tình đầu", "Đất mẹ", "Cuộc chia tay mùa hạ", "Đêm cuối năm", "Đứa con người hàng xóm"... Ông còn xuất bản một số tiểu thuyết như "Bão tuyến", "Mắt bão", "Tướng cướp hoàn lương", "Bóng ma rừng Sác"...

Năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: "Trên vĩ tuyến 17" (kịch bản phim truyện), "Biển gọi" (kịch bản phim truyện), "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Em bé Hà Nội" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Mối tình đầu" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Thành phố lúc rạng đông" (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).

Y.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo