Nhạc sĩ Trần Quang Lộc
Nghệ sĩ Tú Trinh xúc động: "Cách đây không lâu, trong ca phẫu thuật cắt bỏ hẳn bàng quang, gia đình ông đã gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế. Các nghệ sĩ, ca sĩ đã tìm mọi cách để giúp đỡ. Lần này căn bệnh di căn đến phổi, khiến một con mắt của ông bị lồi ra ngoài, căn bệnh hành hạ ông trong đau đớn. Thuốc đặc trị để giúp ông điều trị bệnh và kéo dài sự sống rất đắt, rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ ông".
Nhạc sĩ Tiến Luân xúc động cho biết ông đã kêu gọi bạn bè văn nghệ sĩ và người hâm mộ giúp đỡ nhạc sĩ Trần Quang Lộc vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này.
Điều khiến nhạc sĩ Tiến Luân kính phục là trong thời gian điều trị bệnh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc vẫn giữ thái độ khá bình tĩnh: "Dường như ông biết trước quãng đường gian khó phải đương đầu sắp tới nên rất lạc quan và bày tỏ lòng biết ơn đối với những văn nghệ sĩ, khán giả đã yêu mến sáng tác của ông. Hiện nay chi phí cho đợt điều trị lên tới hơn 200 triệu đồng nên gia đình nhạc sĩ lâm vào cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ" – cha đẻ của ca khúc "Quê em mùa nước lũ" nói.
Nhạc sĩ Tiến Luân và nghệ sĩ Tú Trinh đến thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc ngày 15-5
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã sáng tác hơn 500 ca khúc. Phần lớn ông vừa viết nhạc, vừa viết lời. Một số ca khúc phổ thơ mà nổi tiếng nhất là "Về đây nghe em" (phổ thơ A Khuê) và "Có phải em mùa thu Hà Nội" (phổ thơ Tô Như Châu).
Ông sinh năm 1945, tại Quảng Trị; năm 20 tuổi, theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông "Hát trong dòng sông xưa" được xuất bản năm 1970.
Trần Quang Lộc viết và phổ nhạc những ca khúc mang sắc thái tình người, tình quê hương, như: Về đây nghe em, Em còn nhớ Huế không, Có phải mùa thu Hà Nội, Chợt nghe em hát,...
Các sáng tác của ông được biết đến và biểu diễn thành công qua tiếng hát của các ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương, Hương Lan… Bài nổi tiếng và được nhiều ca sĩ hát "Có phải em mùa thu Hà Nội" (1972). Ca khúc này được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Hà Nội xưa.
"Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…"
Hoặc ca khúc "Về đây nghe em" với giai điệu và ca từ ấm áp, tôn vinh một tình yêu chung thủy với quê hương và với một người phụ nữ thuần khiết tâm hồn Việt trong tâm tưởng của tác giả:
"Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi…".
Bình luận (0)