Cho đến khi album "Khánh Linh’s journey" (Hành trình của Khánh Linh) ra mắt với hiệu ứng nổi bật về chất lượng âm nhạc, giới chuyên môn xuýt xoa rằng "đây mới chính là âm nhạc", khán giả mới để ý đến sự trở lại của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
Phải tạo ra con đường
Với hiệu ứng âm nhạc trong album "Khánh Linh’s journey", khán giả nhận thấy rõ một Võ Thiện Thanh khác trước. Không còn là một "hit maker" "tạo sóng" cho một giọng ca bằng những ca khúc đầy sức hút tức thì mà là sự thách thức người nghe. Những ca khúc mới của anh khiến người nghe phải dành thời gian để chiêm nghiệm, rồi tâm tư mà phân tích.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (Ảnh: KHÔI NGUYÊN)
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bảo anh chẳng thể gọi tên những gì mình đang làm. Nó đơn giản chỉ là một chân trời mới, một khám phá mới của miền đất âm nhạc. Từ bỏ thói quen cũ, cách làm cũ, cống hiến cho khán giả những cái mới lạ. Đó là sự tổng hợp của nhiều thể loại mà anh nghĩ sẽ mang lại năng lượng tích cực cho người nghe.
Từ bán cổ điển, new age, world music đến electronic, rock... Pha trộn, tổng hợp tất cả thể loại đó lại trên nền dàn nhạc lớn, đó là con đường mà anh đi. Anh nói "Bao năm qua, niềm trăn trở của tôi là tìm kiếm một con đường, một hướng đi mới, một chân trời âm nhạc mới mang lại năng lượng tích cực và hạnh phúc cho người nghe. Cuối cùng, tôi đi đến quyết định là phải tạo ra con đường, chứ không sẵn có để tìm kiếm".
Nếu dõi theo hành trình của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trên chính con đường mới mẻ này, không khó để nhận ra "Khánh Linh’s journey" là một thành tựu chín muồi. Bởi trước đó, anh đã từng cho ra mắt "Biển" hay "Chillout" nhưng vẫn chưa tìm được mới mẻ thực sự. Hay thực tâm, thì thời điểm đó, Võ Thiện Thanh vẫn chưa mang đến cảm xúc "vỡ òa" như hiện tại. Có lẽ con đường của Võ Thiện Thanh là minh chứng cho nguyên lý "dục tốc bất đạt", là rằng "mọi thứ đều cần thời gian để hoàn thiện".
Giới nghệ sĩ luôn than trời mỗi khi nhắc đến nhà sản xuất âm nhạc Võ Thiện Thanh, thậm chí là ám ảnh mỗi khi làm việc chung. Bởi anh làm việc khá chậm. Nhưng dù vậy, tất cả họ đều thừa nhận những sản phẩm âm nhạc mang thương hiệu Võ Thiện Thanh đều dễ dàng bảo chứng cho sự thành công.
Thế nên, cũng có nhiều ca sĩ trẻ ngỏ ý hợp tác nhưng anh thường đưa đến sự khước từ thay vì gật đầu đồng ý. Bởi anh thừa nhận mình là người làm nhạc rất chậm, cực kỳ chậm. Vì vậy, người có thể làm việc với anh, "phải là người dám dấn thân, kiên nhẫn và bình thản trước hào nhoáng hằng ngày".
Anh bảo: "Tôi chỉ quan tâm một điều, sản phẩm mình đem đến với khán giả phải có giá trị về học thuật và có tư tưởng. Muốn có sản phẩm hay, chúng ta không thể chạy đua cùng thời gian được. Khi tác phẩm được chỉn chu thì mới có độ bền lâu dài". Có lẽ, đó cũng là bí quyết tạo nên sự thành công cho cái tên Võ Thiện Thanh trên thị trường âm nhạc.
Với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, "một nghệ sĩ giống như cái cành cây, chúng ta không thể mãi tự hào với những lá vàng rơi dưới gốc cây mà phải làm cách nào để những chồi xanh mọc ra mới, nếu không thì đó cũng chỉ là một cành cây chết. Một dòng nước không chảy đều đặn mà tồn đọng lại thì một dòng sông chết. Nghệ sĩ phải mới và sáng tạo liên tục. Không thể ngủ quên trên những sản phẩm cũ, trên vinh quang cũ. Vì vậy, tôi khước từ những vinh quang cũ, khước từ những bài hát cũ đã mang lại danh tiếng và tiền bạc để theo con đường mới".
Nhưng chính anh cũng hiểu con đường mới sẽ chẳng bao giờ dễ dàng. Thậm chí, không ít lần, anh thấy cô độc trên chính con đường riêng của mình.
Sự thôi thúc của nội tâm
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bảo rằng anh đang ở giai đoạn mà "quan tâm đến cảm xúc cá nhân quan trọng hơn những rào đón, vo ve bên ngoài". Nhiều người hỏi anh "Còn viết nhạc không?", không ít lần, anh nghe "Võ Thiện Thanh và thế hệ của anh đã hết thời?". Anh chỉ cười không đáp. Bởi cách của anh là mang đến những sản phẩm âm nhạc để chứng mình cho sự tồn tại của bản thân. Vì "thay vì ngồi sợ hết thời thì hãy bắt tay vào việc để khán giả biết rằng mình vẫn đang chăm chỉ với công việc".
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (giữa) với Hoàng Quyên và Đỗ Bảo tại live show “Sóng hấp dẫn” (Ảnh: ĐẠI NGÔ)
Theo anh, đã quá lâu rồi, nền nhạc Việt vẫn mãi còn mê đắm và chậm chạp trên con đường cũ. Con đường với đầy lá vàng êm ái đôi chân nhưng sẽ dẫn ta đến ngõ cụt. Một nền âm nhạc "ôn cũ tri tân" là chuyện bình thường. Cái cũ làm bệ phóng cho cái mới xuất hiện và phát triển.
Nhưng một nền âm nhạc cứ mãi dựa vào cái cũ để chiều chuộng tai nghe của khán giả và để kiếm tiền thì không khác nào sự tàn phá thiên nhiên về mặt tâm hồn. Vậy nên, anh tha thiết kêu gọi đồng nghiệp cùng anh bước đi trên những con đường mới. Bỏ qua những hào quang cũ để tìm và mang đến cho khán giả những điều mới mẻ.
Ở tuổi này, mọi thứ với anh trở nên nhẹ nhàng. Anh thanh thản với cuộc sống không cầu kỳ của mình. Anh cũng viên mãn với cuộc sống đầy sự chia sẻ, cảm thông của gia đình với hành trình âm nhạc mà anh theo đuổi. Nhưng trong anh lại luôn đau đáu một nỗi niềm về thời hoàng kim của nhạc Việt.
Anh chia sẻ: "Tự nhiên đến tuổi trung niên, con người có thiên hướng thực hiện nguyện vọng thầm kín mà có khi, chính mình đã quên hoặc chưa từng nghĩ đến nó bởi sự chi phối của cuộc sống thường nhật. Rồi đến một giai đoạn, tự nhiên chúng ta lại xác định một sứ mệnh mà mình phải thực hiện. Tôi cũng vậy, tôi đang ở cái giai đoạn mà nghệ sĩ thì phải sáng tạo và mang đến những định hướng tích cực bằng âm nhạc cho khán giả. Hơn hết, kéo lại thành tựu hoàng kim của nhạc Việt thuở trước cho khán giả hiện tại. Tôi không cho đó là sứ mệnh phải làm. Nó chỉ đơn giản là điều tôi muốn thực hiện mà thôi".
"Trong giai đoạn này, sự sáng tạo là sự thôi thúc của nội tâm giống như hoa thì phải nở. Nó không xuất phát từ nhu cầu kiếm danh. Tôi buộc phải sáng tạo như cây phải có chồi xanh. Là sự thôi thúc cá nhân mà thôi" - anh tâm sự.
Nói về giấc mơ cho bản thân, anh trải lòng: "Khi mới bước chân vào nghề, tôi viết bài hát và khát khao có những bản hit. Tôi là một người đam mê hòa âm, viết cho dàn nhạc lớn nên ở giai đoạn này, tôi sẽ thực hiện giấc mơ của mình. Tôi sẽ thực hiện những sô diễn mang tính dàn nhạc cao. Kết hợp nhạc dân tộc Việt Nam với dàn nhạc lớn để tạo ra sân chơi mới".
Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc
Cần có chương trình giáo dục âm nhạc từ hệ thống mẫu giáo đến THPT. Dạy cho trẻ em biết nhạc cổ điển là gì, nhạc pop là gì? Khi biết về những điều đẹp đẽ của thế giới, khán giả tự nhiên miễn nhiễm với những điều tồi tệ. Khán giả trẻ hiện nay "tích cực" dung nạp những điều kém chất lượng chỉ bởi họ không được giáo dục về thẩm mỹ thưởng thức. Nhạc cũng phải học thì mới biết nghe.
Bình luận (0)